Vietstock - Dòng vốn ngoại ồ ạt vào thị trường châu Á
Cho dù là cổ phiếu, trái phiếu hoặc các tài sản khác, dòng vốn nước ngoài đang tìm tới thị trường châu Á với kỳ vọng đây sẽ là khu vực tăng trưởng mạnh nhất khi thế giới gượng dậy từ đại dịch Covid-19.
Tuần trước, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương lập kỷ lục mới, còn chỉ số Bloomberg Barclays Bond Index của khu vực châu Á cũng đang tiệm cận đỉnh 4 năm. Nhìn chung, các đồng tiền châu Á đang ở mức mạnh nhất kể từ năm 2018 và giá hàng hóa cũng leo thang. Chẳng có gì ngạc nhiên khi một chỉ số đo lường mức độ bất ngờ về kinh tế tại châu Á đang ở mức từng được thấy trong năm 2007.
Diễn biến tích cực từ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, những bước tiến đáng khích lệ trong quá trình phát triển vắc-xin ngừa Covid-19, thanh khoản dồi dào, cộng với động lực tăng trưởng được cải thiện ở khu vực châu Á đã góp phần châm ngòi cho đà tăng giá tài sản ở nơi đây, ông Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á thuộc ngân hàng ANZ.
"Chúng tôi dự báo rằng khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, tăng trưởng toàn cầu khởi sắc cùng với sự dồi dào về thanh khoản sẽ thôi thúc dòng chảy vào khu vực châu Á ", ông Goh viết trong báo cáo ra ngày 08/12. "Chúng tôi kỳ vọng các dòng vốn chảy vào thị trường châu Á sẽ tiếp tục mạnh trong năm 2021, qua đó sẽ hỗ trợ cho giá của các tài sản trong khu vực".
Tuần trước, các quỹ ETF theo dõi thị trường mới nổi đón lượng vốn ròng chảy vào cao nhất kể từ tháng 1/2020 và dòng vốn chủ yếu chảy vào thị trường châu Á, theo dữ liệu của Bloomberg. Các quỹ ETF thị trường Trung Quốc và Hồng Kông hút lượng vốn nhiều hơn cả, các quỹ ETF Hàn Quốc nhận lượng vốn kỷ lục, và không một quốc gia nào trong khu vực chứng kiến vốn chảy khỏi các ETF.
Về phần trái phiếu, khu vực châu Á cũng đang thu hút ánh nhìn của giới đầu tư toàn cầu. Lượng trái phiếu Trung Quốc mà các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng lên mức kỷ lục 1.79 ngàn tỷ Nhân dân tệ (274 tỷ USD). Các quỹ toàn cầu đã mua hơn 2.5 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Indonesia trong quý này, mua ròng mạnh nhất kể từ tháng 9/2019.
Dù vậy, một số chiến lược gia lên tiếng cảnh báo rằng dòng vốn chảy vào thị trường trái phiếu châu Á có thể chậm lại khi tác động tích cực của việc thêm Trung Quốc vào hai chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm dần.
"Nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài có thể thuyên giảm trong tháng 12 và vào đầu năm 2021, vì việc Trung Quốc được đưa vào hai chỉ số lớn gần hoàn tất”, Ashish Agrawal và Yile Gu của Barclays viết trong báo cáo ngày 08/12. Ngoài ra, dòng vốn ngoại chảy vào các thị trường khác cũng đang có dấu hiệu chậm lại”.
Dòng chảy trái phiếu
Nhưng tại thời điểm này, tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường châu Á có vẻ đã lan sang cả thị trường phái sinh.
Mandy Xu, Chiến lược gia của Credit Suisse, nhấn mạnh tới dòng vốn chảy vào thị trường quyền chọn mua (call option) chứng khoán châu Á.
Sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài tới với thị trường châu Á ở thời điểm này. Trong tháng 11/2020, xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh nhất từ đầu 2018, đưa thặng dư thương mại tính theo tháng của nước này lên mức cao kỷ lục.
Nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng do nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy ở nước này. Nhờ đó, giá quặng sắt giao sau tại Singapore đạt mức cao kỷ lục gần đây.
"Một lý do khiến chúng tôi cho rằng thị trường châu Á tuyệt vời, nhất là khu vực Bắc Á, vì khu vực này phải chi ít tiền hơn để kích thích tăng trưởng kinh tế", Giám đốc đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương của DWS Group, ông Sean Taylor, phát biểu. Ông Taylor nhấn mạnh rằng các quốc gia khác phải vay nợ nhiều, và sự gia tăng nợ nần đó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)