Vietstock - Doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc lao đao giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Các nỗ lực giảm bớt nợ của Trung Quốc đã đẩy các doanh nghiệp nhỏ vào tình thế khó khăn, họ khó có thể tiếp cận với nguồn tài trợ để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động và nhu cầu vốn mở rộng dài hạn.
Dường như phần lớn nhà đầu tư đều “gật gù” đồng tình rằng Trung Quốc cần phải kiểm soát núi nợ khổng lồ của mình – vốn cao gấp 3 lần quy mô của nền kinh tế.
Thế nhưng, nỗ lực đó giờ đây lại làm liên lụy tới một khu vực vô cùng quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc – các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vốn đang chịu trực tiếp tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn trong số doanh nghiệp Trung Quốc và cũng là “nhà tuyển dụng” chính. Vậy mà giờ họ lại phải “nai lưng” ra cạnh tranh với các doanh nghiệp Nhà nước của Trung Quốc về vay nợ ngân hàng.
Góp phần cho thấy tầm quan trọng của SME, các doanh nghiệp nhỏ thường là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và đóng vai trò trọng tâm trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Do đó, các doanh nhiệp này dễ bị tổn thương trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Các nỗ lực giảm bớt nợ của Trung Quốc đã đẩy các doanh nghiệp nhỏ vào tình thế khó khăn, họ “khó có thể tiếp cận với nguồn tài trợ để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động và nhu cầu vốn để mở rộng dài hạn”, công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Pháp Coface cho biết trong một báo cáo ngày thứ Ba (20/11).
Yếu tố then chốt trong chiến dịch giảm bớt đòn bẩy của Trung Quốc nhắm thẳng vào hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking) – một mạng lưới cho vay của các công ty hoạt động bên ngoài lĩnh vực ngân hàng chính thức và do đó ít bị giám sát về pháp lý, nhưng rủi ro lại cao hơn.
Tuy nhiên, các nỗ lực ấy đang giáng một đòn vô cùng nặng nề lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo Coface.
“Kiểm soát chặt chẽ hoạt động ngân hàng ngầm đã ngăn chặn các SME tiếp cận tới nguồn vốn lưu động cũng như nguồn tài chính dài hạn”, Carlos Casanova, Chuyên gia kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Coface ở Hồng Kông, cho biết trong báo cáo.
Đà giảm tốc của nền kinh tế và cuộc chiến thương mại đã buộc các cơ quan chức trách phải giảm bớt nhịp độ của chiến dịch giảm bớt đòn bẩy nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nhưng các công ty nhỏ vẫn phải đối mặt với khó khăn trong vấn đề tiếp cận tín dụng ngân hàng, Casanova nhận định.
Chẳng hạn, ông đề cập tới giới hạn lãi suất – một yếu tố khiến các ngân hàng không muốn cho vay tới các công ty nhỏ, vì đây là nhóm được xem là có rủi ro cao hơn so với các ông lớn Nhà nước.
“Yếu tố làm thay đổi cuộc chơi”
William Ma, Giám đốc đầu tư tại Noah Holdings ở Hồng Kông, đồng ý rằng các công ty nhỏ đang gặp bất lợi trước các công ty Nhà nước khi xét về vấn đề tiếp cận nguồn vốn.
“Nói ngắn gọn, tôi nghĩ thách thức chính của SME là thiếu kênh tài trợ ở mức lãi suất thị trường hợp lý để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ”, ông nói với CNBC trong ngày thứ Ba (20/11).
Các cơ quan chức trách rõ ràng nhận thức được vấn đề này và đã đưa ra các tuyên bố công khai về tầm quan trọng của việc hỗ trợ cho các công ty nhỏ.
Vào ngày 19/10, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cho biết, các SME cần sự trợ giúp, tờ Xinhua ghi nhận.
“Chúng ta phải chú ý cao độ tới những khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đưa ra các biện pháp chính xác và hiệu quả để giúp đỡ họ”, ông Lưu Hạc nhận định.
Sau đó, tại cuộc họp giữa Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các đại diện từ các công ty tư nhân, ông Tập cam kết đưa ra các biện pháp hỗ trợ, trong đó bao gồm cả cải thiện khả năng tiếp cận tới nguồn tài trợ.
Ảnh hưởng từ các biện pháp này cần phải có thời gian để thể hiện rõ trong nền kinh tế, nhưng những sự can thiệp như thế này đã thể hiện nỗ lực của Chính phủ và được xem là vô cùng cần thiết.
“Đây là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi”, ông Ma cho hay. “Sẽ rất quan trọng khi truyền tải một thông điệp mạnh mẽ rằng Chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào hỗ trợ khu vực tư nhân. Đây là một thông điệp cấp cao mang tính biểu tượng”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)