Vietstock - Doanh nghiệp Mỹ đua nhau nhập hàng trước khi Trump áp thuế
Khi chiến thắng của Trump ngày càng rõ ràng, một làn sóng tích trữ hàng hóa đã bắt đầu lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Từ các công ty chăm sóc da đến nhà sản xuất đèn chiếu sáng, tất cả đều đang gấp rút chuẩn bị cho một kịch bản mà họ từng trải qua: Thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc.
Jason Junod là một trường hợp điển hình của làn sóng này. Ngay khi các kết quả bầu cử bắt đầu ngả về phía Trump vào lúc 21h ngày 05/11 (giờ Mỹ), CEO của công ty chăm sóc da Bare Botanics đã không chần chừ liên hệ với các nhà cung cấp Trung Quốc. Đơn hàng trị giá 50,000 USD - tương đương lượng hàng cho cả năm - được đặt ngay trong đêm.
"30,000 bàn chải và găng tay tẩy tế bào chết phải về đến Wisconsin trước Ngày Nhậm chức (20/01/2025)", ông hy vọng vì nghĩ rằng ông Trump nghiêm túc về lời hứa tranh cử áp thuế 60% lên tất cả hàng hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, Junod còn một nỗi lo khác còn lớn hơn thế. "Liệu chúng tôi có ở lại Trung Quốc không?", Junod tự hỏi.
Jason Junod
|
Dấu hiệu của làn sóng tích trữ đã hiện rõ trong số liệu thương mại tháng 10. Xuất khẩu từ Trung Quốc đã tăng vọt 13% so với cùng kỳ năm trước, một bước nhảy ấn tượng từ mức tăng 2.4% của tháng 9. Các nhà kinh tế Phố Wall dự đoán đây mới chỉ là khởi đầu của một xu hướng sẽ còn kéo dài trong những tháng tới.
Thuế quan không phải do nhà xuất khẩu trả, mà là do các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm. Các nhà kinh tế nói rằng những doanh nghiệp này thường chuyển phần lớn chi phí cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá.
Trung Quốc vẫn là nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới và Mỹ là khách hàng lớn nhất. Các công ty Mỹ đã mua khoảng 430 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc năm ngoái, trong đó máy tính và sản phẩm điện tử chiếm phần lớn nhất.
Mặc dù tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng nhập khẩu của Mỹ đã giảm từ 22% năm 2017 xuống 14% năm 2023, nhưng việc tăng thuế quan với Trung Quốc có thể không kiềm chế thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và với các quốc gia khác.
Thăng dư/thâm hụt thương mại của Trung Quốc và Mỹ
|
Theo IMF, sự mất cân bằng thương mại dai dẳng này được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ người tiêu dùng Mỹ và nhu cầu trong nước suy yếu ở Trung Quốc. Các công ty Mỹ đã tăng tỷ lệ nhập khẩu từ những nơi như Việt Nam, trong khi Trung Quốc đã tăng xuất khẩu sang các khu vực bao gồm Đông Nam Á.
Tại Quảng Đông, một trong những trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc, các nhà máy đang nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong hành vi của khách hàng Mỹ. Wan Junhui, Giám đốc tiếp thị của một nhà máy điện tử cho biết số lượng yêu cầu tăng đột biến và sự lo lắng rõ ràng từ các đối tác Mỹ.
"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức tập trung vào việc giảm chi phí để giúp cải thiện tình hình và vượt qua mùa đông khắc nghiệt này", ông nói, dù cho rằng thuế quan cho đến nay chưa ảnh hưởng đáng kể đến doanh số, nhưng người mua cuối cùng phải "hấp thụ" thuế và đôi khi tăng giá cho khách hàng.
Với các doanh nghiệp nhỏ, việc tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế là một thách thức lớn. Leah Dark-Fleury, đồng sáng lập Stone Fleury tại San Francisco, đã gắn bó với nhà cung cấp đá tự nhiên Trung Quốc trong hai thập kỷ. Tuần này, cô đã đặt hai container trị giá 100,000 USD, đủ dùng cho vài tháng đến 1 năm. "Tôi ước có thể mua đủ cho cả nhiệm kỳ 4 năm", cô chia sẻ và cho biết đang cân nhắc chuyển hướng sang Việt Nam trong dài hạn.
Tìm kiếm thị trường thay thế cũng là điều mà một số doanh nghiệp đang trăn trở. Theo khảo sát mới nhất của Bain & Company, 69% giám đốc điều hành đang có kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, tăng đáng kể từ mức 55% năm 2022. Lucidity Lights, nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng tại Boston, đã chuyển 15% sản xuất sang Campuchia và dự kiến nâng lên 50% trong năm tới.
Ryan Bursky, Giám đốc điều hành Lucidity Lights, cho rằng đầu tư vào đa dạng hóa chuỗi cung ứng hiệu quả hơn việc tích trữ hàng. Mặc dù cần thời gian để tìm được nhà cung cấp phù hợp ở Campuchia, ông nhận thấy sản phẩm tại đây có chất lượng tốt hơn và được chú ý đến chi tiết nhiều hơn.
Tuy nhiên, Joe Jurken, người sáng lập ABC Group - công ty tư vấn chuỗi cung ứng châu Á cho doanh nghiệp Mỹ, cho rằng Trung Quốc sẽ vẫn giữ vai trò thống trị trong sản xuất toàn cầu. Ông lý giải rằng Trung Quốc đã phát triển cơ sở hạ tầng, kênh truyền thông và giao dịch thuận tiện cho các công ty phương Tây, trong khi những hệ thống này vẫn đang được phát triển ở các nước khác.
"Trung Quốc sẽ không bao giờ bị thay thế", Jurken nói. "Các thị trường khác chỉ là một lựa chọn thay thế".
Junod, người bắt đầu kinh doanh chăm sóc da vào năm 2020, đã cân nhắc tìm kiếm nhà sản xuất ở Đông Nam Á, nhưng cho rằng sẽ khó đạt được chi phí thấp và chất lượng cao như các nhà cung cấp Trung Quốc. "Cảm giác như chúng tôi đang bị trừng phạt vì thực sự không có nơi nào khác để chuyển đến trong nước", ông nói về thuế quan đề xuất của Trump. "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả chúng".
Vũ Hạo (Theo WSJ)