Vietstock - Didi họp cổ đông để biểu quyết việc hủy niêm yết ở Mỹ, "vận đen" vẫn chưa hết
Từ khi IPO, cổ phiếu Didi đã mất hơn 84% giá trị và vốn hóa của công ty này hiện là khoảng 11,63 tỷ USD...
Didi IPO tại sàn chứng khoán New York vào 30/6/2021, thu về 4,4 tỷ USD - Ảnh: Reuters |
Cổ đông của Didi Global, công ty gọi xe công nghệ hàng đầu Trung Quốc, dự kiến biểu quyết về việc hủy niêm yết tại Mỹ trong một cuộc họp đặc biệt vào ngày 23/5 tới.
Giới phân tích nhận định, động thái của Didi cho thấy chiến dịch siết chặt giám sát của Bắc Kinh vẫn đang phủ bóng đen lên ngành công nghệ nước này - tờ SCMP đưa tin.
Có trụ sở tại Bắc Kinh, Didi bị Bắc Kinh điều tra vì vi phạm quy định an ninh mạng chỉ vài ngày sau khi niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và thu về 4,4 tỷ USD vào ngày 30/6/2021 tại Mỹ.
Trong một thông cáo vào hôm thứ Bảy (16/4), công ty này cho biết sẽ không nộp hồ sơ niêm yết tại bất kỳ sàn giao dịch chứng khoán nào trước khi hoàn tất việc hủy niêm yết tại sàn chứng khoán New York (Mỹ).
Trước đó, trong thông cáo vào tháng 12 năm ngoái, Didi cho biết sẽ rút khỏi sàn New York và dự kiến niêm yết tại Hồng Kông.
Quý 4/2021, Didi ghi nhận tổng doanh thu 40,8 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 6,4 tỷ USD), giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. |
Kế hoạch hủy niêm yết ở Mỹ, những bất ổn nảy sinh từ cuộc điều tra về an ninh mạng và triển vọng mờ nhạt của việc niêm yết lại, được dự báo sẽ tiếp tục giáng đòn mạnh vào giá trị của “đại gia” gọi xe này và thậm chí làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư vào các cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc.
Ngay sau thông báo hôm 16/4 của Didi, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) ra thông cáo cho biết kế hoạch hủy niêm yết của công ty này không liên quan gì tới các cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc khác đang niêm yết ở Mỹ, và cũng không liên quan tới “hoạt động hợp tác kiểm toán đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ”. Giới phân tích nhận định động thái của SCRC rõ ràng nhằm ngăn chặn thiệt hại dây chuyền gây ra bởi thông báo của Didi.
Theo thông báo của Didi, công này sẽ phối hợp hơn nữa với các cơ quan quản lý an ninh mạng Trung Quốc trong cuộc điều tra nói trên và tiến hành cải tổ.
Giới phân tích nhận định động thái của Didi cho thấy sự nghiêm túc của Bắc Kinh đối với vấn đề an ninh dữ liệu và an ninh mạng, kể cả khi việc này khiến phát sinh chi phí lớn trong hoạt động của các doanh nghiệp.
“Điều này cũng xác nhận quan điểm của tôi rằng việc siết chặt giám sát lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh sẽ tiếp diễn bất chấp những thông báo gần đây của Phó thủ tướng Lưu Hạc”, Henry Gao, phó giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore nhận định, đề cập tới nhấn mạnh về sự minh bạch và trật tự trong hoạt động quản lý của nhà chức trách với các hãng công nghệ lớn vào tháng trước.
Dù CSRC khẳng định rằng việc Didi hủy niêm yết ở Mỹ là quyết định của doanh nghiệp này dựa trên điều kiện thị trường, công ty này có thể sẽ phải xem xét tới yếu tố môi trường pháp lý nghiêm ngặt hơn, theo phó giáo sư Sandra Marco Colino tại khoa luật, Đại học Trung Văn Hồng Kông (CUHK).
“Các nhà quản lý Trung Quốc đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng các công ty phải tuân thủ những quy tắc [thành văn và bất thành văn] trong hoạt động kinh doanh. Nếu không, họ có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng và nhanh chóng”, bà Colino nói.
Trước đó, Didi được cho là đã “chọc giận” các nhà quản lý an ninh mạng Trung Quốc khi vẫn tiếp tục kế hoạch IPO ở Mỹ dù chưa nhận được sự chấp thuận hoàn toàn của Bắc Kinh - theo tờ Washington Post. Ngay sau IPO của Didi, các nhà chức trách Trung Quốc, dẫn đầu là Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), đã yêu cầu các cửa hàng ứng dụng loại bỏ 25 ứng dụng di động do Didi vận hành, đồng thời buộc công ty này dừng tiếp nhận đăng ký của người dùng mới do vấn đề an ninh quốc gia.
Tháng 7 năm ngoái, một đội đặc nhiệm của chính phủ, bao gồm đại diện từ Bộ Công an và Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, đã kiểm tra các văn phòng của Didi nhưng chưa công bố thông tin hay đưa ra kết luận gì.
Quý 4/2021, Didi ghi nhận tổng doanh thu 40,8 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 6,4 tỷ USD), giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong một thông báo khác vào ngày 16/4, công ty này cho biết ông Martin Lau Chi-ping, Chủ tịch hãng công nghệ Tencent, đã rời khỏi hội đồng quản trị của Didi. Người thay thế ông là Liang Fengxia, Phó giám đốc pháp lý của Tencent.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/4, giá cổ phiếu Didi giảm 3,15%, giao dịch ở mức 2,46 USD. Tính từ khi IPO, cổ phiếu này đã mất hơn 84% giá trị và vốn hóa hiện là khoảng 11,63 tỷ USD.
Đức Anh