Vietstock - CPI của Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009
Trong tháng 11/2020, chỉ số giá CPI của Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 1 thập kỷ khi giá thực phẩm rớt mạnh.
Chỉ số giá tiêu dùng – một thước đo về lạm phát và theo dõi một rổ hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ - giảm 0.5% so với cùng kỳ, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày thứ Tư (09/12).
Tháng 11/2020 đánh dấu lần giảm đầu tiên của chỉ số CPI Trung Quốc kể từ tháng 10/2009, theo dữ liệu từ Wind Information.
Diễn biến CPI Trung Quốc từ năm 2005-2020
Giá thực phẩm giảm 2% trong tháng 11/2020 khi giá thịt lợn lao dốc 12.5% so với cùng kỳ năm trước.
Đà giảm giá thịt lợn diễn ra nối tiếp đà tăng mạnh trong năm trước vì tình trạng thiếu hụt thịt lợn xuất phát từ dịch cúm lợn châu Phi.
Tuy nhiên giống như đà tăng giá trong năm ngoái, xu hướng giảm giá cũng chỉ là tạm thời. Chi tiêu tiêu dùng đã có những dấu hiệu tăng trưởng tốt trong những tháng gần đây, trong khi hiện tượng giảm phát giá sản xuất đã suy giảm kể từ tháng 6 do kinh tế Trung Quốc bắt đầu hồi phục.
Ding Shuang, chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, dự báo tình trạng giảm phát ở Trung Quốc sẽ kéo dài ít nhất là đến tháng 3 năm sau nhưng có rất ít khả năng NHTW Trung Quốc (PBOC) sẽ điều chỉnh chính sách.
"Rất khó để PBoC đưa ra động thái phản ứng vì đây chỉ là tình trạng tạm thời và chỉ vì một hàng hóa là thịt lợn. Giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020, lạm phát cũng tăng mạnh vì giá thịt lớn và PBoC không thắt chặt chính sách tiền tệ".
Từ vài tháng trở lại đây PBoC đã phát tín hiệu sẽ từ từ rút lại các biện pháp kích thích vốn được tung ra để đối phó với đại dịch. Lo ngại về gánh nặng nợ, PBoC đã làm các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu hoảng loạn khi ám chỉ sẽ quay trở lại thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các con số cho thấy lạm phát yếu có thể trì hoãn hành động của PBOC, nhưng khó có thể làm chệch hướng chính sách. "Chúng tôi tin rằng chính sách tiền tệ sẽ được cân bằng lại trong năm 2021, và điểm nổi bật của môi trường tài chính vĩ mô trong năm tới chính là điều kiện tín dụng bị thắt chặt", nhóm các chuyên gia kinh tế dẫn đầu bởi Huang Wenjing viết trong báo cáo mới đây.
Ngoài thịt lợn, giá hàng hóa nói chung cũng giảm so với 1 năm trước bởi lực cầu trên toàn cầu yếu ớt, gây ra áp lực giảm phát.
Theo Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế trưởng tại Credit Agricole CIB, tình trạng giảm phát sẽ kéo dài khoảng 6 tháng.
"Chính phủ đã kích thích sản xuất trước tiêu dùng để đối phó với đại dịch, do đó dẫn đến cung vượt quá cầu", ông nói.
Vũ Hạo (Theo CNBC, Bloomberg)