Vietstock - Cơ quan Mỹ yêu cầu các nhà mạng gỡ bỏ thiết bị từ Huawei
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) vừa giáng thêm một đòn nặng nề vào các ông lớn viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies và China Telecom, nối tiếp chuỗi quyết định nhắm tới việc bảo vệ an ninh quốc gia trước chính quyền Trung Quốc.
Với 5 phiếu thuận - 0 phiếu chống, FCC ra quyết định yêu cầu các nhà mạng gỡ bỏ thiết bị của Huawei và bắt đầu quy trình cân nhắc chấm dứt giấy phép hoạt động của China Telecom (Americas) tại Mỹ.
“Chúng tôi làm điều này vì lý do chính đáng”, Chủ tịch FCC Ajit Pai cho biết sau khi biểu quyết về China Telecom. Các cơ quan an ninh cho rằng China Telecom không tuân thủ theo luật bảo mật và an ninh mạng, đồng thời cung cấp cơ hội cho gián điệp kinh tế do Trung Quốc hậu thuẫn và có thể gây gián đoạn mạng lưới truyền thông Mỹ, ông Pai cho biết.
Ông nói thêm China Telecom đang dưới sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc.
FCC, Quốc hội và chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đối đầu với Trung Quốc về nhiều vấn đề, từ thương mại cho tới đại dịch Covid-19. Các Đảng viên Dân chủ tại FCC cũng tham gia bỏ phiếu trong ngày 10/12, cho thấy họ tiếp tục cảnh giác về các vấn đề an ninh quốc gia dưới thời ông Joe Biden.
Năm 2019, FCC ngăn việc sử dụng trợ cấp của Mỹ để mua các thiết bị truyền thông từ Huawei và ZTE của Trung Quốc với lý do rủi ro an ninh quốc gia.
“Gỡ bỏ và thay thế”
Kể từ đó, Quốc hội và các cơ quan khác đều ra động thái để gắn nhãn “mối nguy cơ tiềm tàng” cho các công ty Trung Quốc. “Vì vậy, hôm nay chúng tôi thiết lập quy định ‘gỡ bỏ và thay thế’”, trong đó nói rõ về việc gỡ bỏ các thiết bị từ Huawei, ông Pai nói.
Với sự nhất trí đồng loạt, FCC cho biết sẽ thiết lập danh sách thiết bị cấm và lập ra chương trình hỗ trợ cho các nhà mạng thay thế các thiết bị đáng ngờ. Các động thái này nhằm triển khai một điều luật mà Quốc hội đã thông qua trong tháng 3/2020.
“Hồ sơ theo dõi về vấn đề này đã rõ”, Ủy viên FCC Brendan Carr cho biết. “Chính phủ Trung Quốc dự định theo dõi người dân nước ta để theo dõi lợi thế, sở hữu trí tuệ và lợi thế công nghiệp hoặc kinh doanh của nước Mỹ”.
Các biện pháp kiểm soát từ FCC chủ yếu ảnh hưởng tới các nhà mạng nhỏ - vốn hoạt động ở những khu vực nông thôn. Những công ty này cần sự hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu từ FCC, ngân hàng CoBank ACB (HM:ACB) cho biết trong báo cáo tháng trước.
Big3
China Telecom là một trong 3 nhà mạng lớn nhất tại Trung Quốc, cung cấp viễn thông di động có dây và truy cập internet, theo một báo cáo của Thượng viện Mỹ công bố vào tháng 6/2020.
Công ty hiện đang có hơn 335 triệu người đăng ký trên toàn thế giới tính tới tháng 12/2019 và được cho là một trong những nhà vận hành băng thông và đường dây cố định lớn nhất trên thế giới, theo báo cáo trên. Trong ngày 10/12, FCC cho biết Chính phủ Trung Quốc đang nắm “quyền kiểm soát đáng kể” đối với China Telecom.
Trong giải trình với FCC hồi tháng 6, chi nhánh của China Telecom tại Mỹ khẳng định họ là một doanh nghiệp độc lập tại Mỹ và không liên quan tới chính phủ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi phải có một phiên điều trần nếu FCC muốn đưa ra động thái hạn chế đối với công ty.
Năm 2019, FCC đã ra lệnh cấm công ty China Mobile của Trung Quốc hoạt động tại thị trường Mỹ.
"Chúng ta đang đóng cửa thị trường vì lợi ích an ninh quốc gia. Việc này gây ra những hậu quả nhất định chúng ta vẫn phải làm vì đó là điều đúng đắn", ủy viên FCC Michael O'Rielly nhấn mạnh.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)