Vietstock - Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo dữ dội, các chỉ số giảm hơn 4.5%
Chứng khoán Trung Quốc quay đầu giảm mạnh và nhanh chóng cũng như lúc nó bắt đầu tăng, sau khi giới truyền thông Nhà nước lên tiếng chỉ trích nhóm cổ phiếu phổ biến nhất Trung Quốc. Tới nay, chứng khoán Trung Quốc đã giảm 3 phiên liên tiếp.
Tính tới lúc 14h47 ngày thứ Năm (16/07 – giờ Việt Nam), chỉ số CSI 300 rớt 4.7% , giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng 2/2020. Bên cạnh đó, chỉ số Shanghai Composite lao dốc 4.5%.
Cổ phiếu con cưng của nhà đầu tư, Kweichow Moutai lao dốc tới 8.7%, thổi bay hơn 25 tỷ USD vốn hóa và kéo giảm chỉ số cổ phiếu tiêu dùng. ChiNext – một chỉ số nóng hơn bất kỳ chỉ số nào trên thế giới trong tuần này – giảm tới 6.2%.
Đà tăng của thị trường cổ phiếu Trung Quốc trong tháng này đã đẩy vốn hóa thị trường lên gần 10 ngàn tỷ USD – một ngưỡng từng đạt được tại đỉnh điểm của hiện tượng bong bóng chứng khoán 5 năm về trước. Các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện các động thái để kìm hãm cơn sốt đầu cơ cổ phiếu, bao gồm rút thanh khoản ra khỏi hệ thống tài chính. Điều đó được thể hiện trong ngày 15/07, khi đòn bẩy cổ phiếu tăng yếu nhất kể từ cuối tháng 6/2020.
Sau khi các quỹ Nhà nước bán cổ phiếu hoặc thông báo kế hoạch bán cổ phiếu trong vài ngày qua, tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) đã lên tiếng đả kích cổ phiếu Kweichow Moutai và đây là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn ghìm cương đà tăng trên thị trường cổ phiếu. Căng thẳng ngày càng leo thang với Mỹ, sự kiểm soát tiền rẻ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và sự suy giảm doanh số bán lẻ cũng tạo thêm lý do để nhà đầu tư bắt đầu xả hàng.
Chứng khoán Trung Quốc giảm 3 ngày liên tiếp
|
Nền kinh tế Trung Quốc trở lại đà tăng trưởng trong quý 2/2020, tăng trưởng 3.2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi sản lượng công nghiệp tăng 4.8% so với cùng kỳ, thì doanh số bán lẻ lại giảm 1.8%. Điều này cho thấy đà hồi phục kinh tế vẫn chủ yếu đến từ các hoạt động công nghiệp và tâm lý người tiêu dùng vẫn còn mong manh.
“Doanh số bán lẻ tệ hơn dự báo của các chuyên gia và từ đó tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư về nhóm cổ phiếu tiêu dùng”, Daniel So, Chiến lược gia tại CMB International Securities, cho hay. “Sự ổn định trở lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể khiến PBoC chần chừ nới lỏng tiền tệ thêm. Thanh khoản khổng lồ là một trong những lý do chính thúc đẩy thị trường chứng khoán nhảy vọt”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)