Vietstock - Chứng khoán châu Âu khởi động năm 2023 với ngày giao dịch tốt lành
Chỉ số chứng khoán DAX của Đức, nền kinh tế đầu tàu của Eurozone, tăng 1% trong khi các thị trường khác cũng dịch chuyển theo hướng tích cực trong ngày đầu năm 2023.
Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Chứng khoán châu Âu khởi động năm 2023 với phiên giao dịch đầu tiên ngập sắc xanh ngày 2/1 nhờ các dữ liệu tích cực mới được công bố về hoạt động sản xuất của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Chỉ số chứng khoán STOXX 600 toàn Eurozone tăng 0,8% trong khi chứng khoán của lĩnh vực ôtô và phụ tùng tăng 2,5% và chứng khoán của một số hãng cung cấp hàng xa xỉ như LVMH (EPA:LVMH) hay Kering tăng khoảng 1,5%.
Kể cả những mã chứng khoán công nghệ dễ dao động, bị xếp vào nhóm yếu kém nhất trong năm qua, cũng tăng 1,5% trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2023 dù vẫn có thêm những tín hiệu cho thấy Ngân hàng trung ương (ECB) sẽ còn tăng lãi suất.
Chỉ số chứng khoán DAX của Đức, nền kinh tế đầu tàu của Eurozone, tăng 1% trong khi các thị trường khác cũng dịch chuyển theo hướng tích cực trong ngày đầu năm 2023.
STOXX 600 đã kết thúc năm 2022 với những phiên giảm điểm mạnh, chủ yếu do các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế đà tăng giá, hoạt động kinh tế chậm lại và tâm lý lo ngại về ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, dịch COVID-19.
Nhóm phân tích từ Commerzbank Research nhận định các yếu tố gồm lãi suất trái phiếu 10 năm trên 2,5%, giao dịch cuối năm thưa thớt hơn và lạm phát Chỉ số giá tiêu dùng đã cân dối (HICP) của Eurozone giảm, giúp mở ra những hy vọng về một khởi đầu thuận lợi cho năm 2023.
Bên cạnh đó, các dữ liệu mới cho thấy lĩnh vực sản xuất tại khu vực nhiều khả năng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi các chuỗi cung ứng bắt đầu hồi phục, áp lực lạm phát giảm dần, giúp cải thiện tâm lý các nhà quản lý sản xuất.
Cụ thể, theo S&P Global, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Eurozone tăng lên 47,8 trong tháng 12 từ mức 47,1 của tháng 11, phù hợp với những ước tính sơ bộ dù vẫn thấp hơn mức 50 để được coi là tăng trưởng.
Chỉ số sản lượng, thước đo quan trọng đánh giá sức khỏe nền kinh tế, của Eurozone cũng tăng từ mức 46,0 trong tháng 11 lên 47,8 trong tháng 12, cao nhất kể từ tháng 6/2022.
Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, nhận định sản lượng sản xuất của khu vực Eurozone đã có tháng thứ 2 liên tiếp giảm chậm lại, góp phần thổi một làn gió tích cực cho lĩnh vực sản xuất đang chật vật của khu vực trong những ngày đầu năm mới.
Triển vọng ngày một sáng lên trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy các chuỗi cung ứng đang dần hồi phục và áp lực lạm phát giảm rõ ràng trong khi những lo ngại về khủng hoảng năng lượng trong khu vực cũng dịu dần nhờ những biện pháp hỗ trợ của các chính phủ.
S&P Global dự báo những yếu tố đã đảo chiều chuyển động của chỉ số sản lượng sản xuất của Eurozone và có thể sẽ giúp chỉ số này tăng lên 53,8 từ mức 48,8.
Theo nhà kinh tế Williamson, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022, những nhận định kinh tế lạc quan cho năm tới đang ngày càng nhiều hơn những nhận định bi quan, phản ánh tâm lý kinh doanh đang được cải thiện một cách ổn định./.
Lê Ánh