Vietstock - Chứng khoán châu Á trái chiều
Chứng khoán châu Á rơi vào thế trái chiều trong ngày thứ Hai (20/05) giữa lúc xảy ra hàng loạt diễn biến địa chính trị ở khắp khu vực.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Hai (20/05), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0.24% lên 21,301.73 điểm khi cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung là Fast Retailing và Softbank Group đều đi lên. Chỉ số Topix cũng tiến nhẹ lên 1,554.92 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản diễn biến tích cực sau khi nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng vượt kỳ vọng trong quý 1/2019.
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2.1% trong quý 1/2019, trái ngược hoàn toàn với dự báo thu hẹp 0.2%, dữ liệu GDP của Nhật Bản cho thấy.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi gần như đi ngang ở mức 2,055.71 điểm.
Chỉ số ASX 200 của Australia tăng 1.74% lên 6,476.10 điểm trong đó liên minh bảo thủ của Australia giành đa số ghế tại Quốc hội sau chiến thắng đầy bất ngờ trong cuộc bầu cử.
Chỉ số tài chính đã tăng 5.85%, trong đó cổ phiếu Commonwealth Bank (Australia) nhảy vọt 6.27% và National Australia Bank leo dốc 7.9%. Cổ phiếu ANZ cũng tăng 7.78% và Westpac nhảy vọt 9.21 %.
Đồng AUD được sang tay ở mức 0. 6926 USD say khi giảm từ mức 0.696 USD trong tuần trước.
Ở Ấn Độ, chỉ số Nifty 50 nhảy vọt 2.9% sau khi kết quả thăm dò exit-poll (cuộc thăm dò ý kiến cử tri ngay bên ngoài địa điểm bỏ phiếu) cho thấy Thủ tướng Narendra Modi có khả năng chiến thắng trogn cuộc tổng tuyển cử.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 20/05
Nguồn: CNBC
|
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc nhuốm sắc đỏ, cụ thể chỉ số Shanghai Composite giảm 0.41% xuống 2,870.60 điểm và Shenzhen Component lùi 0.93% xuống 8,916.11 điểm. Shenzhen Composite cũng hạ 0.75% xuống 1,521.72 điểm.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lùi 0.57% xuống 27,787.61 điểm.
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm vào ngày thứ Sáu (17/05), sau khi CNBC cho biết các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang bị đình trệ.
Các nguồn tin nói với CNBC rằng các cuộc thảo luận về lịch trình cho các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo đã bị đình trệ kể từ khi chính quyền ông Trump tăng cường giám sát các công ty viễn thông Trung Quốc. Một phái đoàn Mỹ đã được mời đến Bắc Kinh vào đầu tuần này.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, Gao Feng, cho biết trong ngày thứ Năm (16/05), theo Tân Hoa Xã, rằng Mỹ đang thể hiện “hành vi bắt nạt” với những động thái mới nhất của ông trên vấn đề thương mại, lưu ý là “rất đáng tiếc rằng phía Mỹ đã đơn phương leo thang căng thẳng thương mại, qua đó có thể dẫn đến thất bại trong đàm phán nghiêm trọng”.
Trước đó, Mỹ đã nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong tuần trước, còn Trung Quốc trả đũa hôm thứ Hai (13/05) bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Vào cuối tuần trước, Reuters đưa tin Google (NASDAQ:GOOGL) của Alphabet đã tạm ngưng một số hoạt động với ông lớn viễn thông Trung Quốc Huawei.
Huawei Technologies sẽ ngay lập tức mất khả năng tiếp cận với các phiên bản cập nhật của hệ điều hành Android và phiên bản điện thoại thông minh kế tiếp của Huawei ở ngoài Trung Quốc cũng sẽ mất khả năng tiếp cận tới các ứng dụng phổ biến và các dịch vụ bao gồm Google Play Store và Gmail, theo nguồn tin tuer Reuters.
Tuần trước, chính quyền đã khiến các công ty Mỹ rất khó khăn trong việc làm ăn với Huawei, một tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc. Các công ty Mỹ muốn hợp tác kinh doanh với Huawei hiện phải có giấy phép.
“Dưới bất kỳ góc nhìn nào, đây cũng là một động thái chống lại Chính phủ Trung Quốc, thường được xem là chủ sở hữu hưởng lợi của Huawei”, Tom Essaye, Nhà sáng lập The Sevens Report, nhận định. “Điều này rõ ràng làm tăng bất đồng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tại thời điểm này, không rõ Trung Quốc sẽ đáp trả thế nào, nhưng một số phản ứng đã được dự báo”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)