Ưu Đãi Cyber Monday: Giảm tới 60% InvestingProNHẬN ƯU ĐÃI

Chiến sự Ukraine làm tăng căng thẳng nợ nần của các nước đang phát triển

Ngày đăng 16:45 19/04/2022
Chiến sự Ukraine làm tăng căng thẳng nợ nần của các nước đang phát triển
HG
-

Vietstock - Chiến sự Ukraine làm tăng căng thẳng nợ nần của các nước đang phát triển

Cuộc chiến ở Ukraine đang gây khó khăn hơn cho nhiều thị trường mới nổi trong việc trả nợ cho các chủ nợ nước ngoài, làm dấy lên lo ngại về các cuộc khủng hoảng tiềm tàng có thể làm chấn động các thị trường và làm suy yếu đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Pakistan, Imran Khan bị quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm để phế truất chức vụ hôm 10-4 do điều hành kinh tế yếu kém dẫn đến tình trạng lạm phát cao trong nhiều năm. Ảnh: nayadaur.tv

Áp lực chi phí nợ khi lạm phát và lãi suất tăng

Nhiều nước đang phát triển đã tích lũy núi nợ trong suốt thập niên qua, đặc biệt là trong hai năm vừa rồi khi họ cần nguồn tài chính để trang trải cho các chi phí của đại dịch Covid-19. Hoạt động vay nợ đó diễn ra trong thời kỳ lạm phát và lãi suất ở mức thấp.

Tuy nhiên, cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đang đẩy giá lương thực, năng lượng và các hàng hóa khác tăng vọt đúng vào thời điểm các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Giờ đây, các quan chức chính phủ từ Pakistan, Ai Cập cho đến Argentina phải xoay xở ứng phó chi phí nhập khẩu tăng và chi phí trả nợ giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.

Hôm 12-4, chính phủ Sri Lanka thông báo tạm dừng trả nợ nước ngoài và đề nghị gói cứu trợ tài chính khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Bộ Tài chính Sri Lanka giải thích rằng chiến sự Ukraine và đòn giáng của đại dịch Covid-19 vào ngành du lịch khiến nước này mất khả năng trả nợ.

Phát biểu trong một cuộc hội thảo gần đây của IMF, Kenneth Rogoff, nhà kinh tế ở Đại học Harvard, cảnh báo: “Sẽ xảy ra những vụ vỡ nợ, sẽ có những cuộc khủng hoảng. Khi chúng ta gặp phải những cú sốc như thế này, bất cứ điều gì đều có thể xảy ra”.

Mặc dù IMF không tin một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu xảy ra thời điểm này, nhưng “có rất nhiều rủi ro mà chúng tôi lo ngại”, Ceyla Pazarbasioglu, Giám đốc bộ phận chiến lược, chính sách và đánh giá của IMF cho biết.

Theo Pazarbasioglu, xác định phương hướng mở rộng và đẩy nhanh cơ chế giải quyết nợ cho các nước đang phát triển đang đối mặt với căng thẳng nợ nần sẽ là ưu tiên của nhóm 20 nền kinh tế lớn thế giới (G20) khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của họ dự hội nghị mùa xuân giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) khai mạc hôm nay (18-4) tại Washington, Mỹ,

Bà Pazarbasioglu cho biết tổng vay nợ của các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình trên thế giới tăng 28 điểm phần trăm lên 256% GDP toàn cầu trong năm 2020, mức chưa từng thấy kể từ hai cuộc chiến tranh thế giới trong nửa đầu thế kỷ 20.

Tỷ lệ nước có thu nhập thấp đối mặt rủi ro vỡ nợ tăng cao

Trong khi các nước giàu ít gặp khó khăn trong việc đối phó với các khoản nợ ngày càng tăng của họ nhờ lãi suất vẫn ở mức thấp và tăng trưởng kinh tế vững chắc, thì nhiều nền kinh tế đang phát triển chịu áp lực lớn hơn.

Khoảng 60% các nước có thu nhập thấp, được xác định là khoảng 70 nước đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình đình chỉ thanh toán nợ toàn cầu trong thời kỳ đại dịch, đối mặt rủi ro vỡ nợ cao hoặc đã rơi vào tình trạng này vào năm 2020, tăng so với mức 30% vào năm 2015, theo IMF.

Những nỗ lực hỗ trợ các nước gặp khó khăn trong việc trả nợ đang trở nên phức tạp do sự hiện diện của các chủ nợ mới và ít kinh nghiệm hơn trong hoạt động cho vay dành cho các nước đang phát triển trong những năm gần đây.

Để tìm kiếm mức lợi suất hấp dẫn hơn trong một thị trường lãi suất thấp ở thế giới phát triển, các nhà đầu tư bao gồm các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân cũng như các quỹ đầu tư quốc gia đã tăng cường mua trái phiếu chính phủ có lợi suất cao ở các nền kinh tế mới nổi.

Theo IMF, tỷ lệ vay nợ từ Trung Quốc trong tổng nợ nước ngoài của 73 nước nghèo có mức nợ nần lớn đã tăng lên 18% vào năm 2020 từ 2% năm 2006, trong khi tỷ lệ vay từ khu vực tư nhân tăng lên 11% từ 3%. Trong cùng thời kỳ, tỷ lệ vay nợ của họ từ các tổ chức truyền thống như IMF và WB cũng như những chủ nợ giàu có thuộc  “Câu lạc bộ Paris”, chủ yếu là các nước phương Tây, giảm từ 83% xuống còn 58%.

Hai trong số những ví dụ điển hình về rủi ro mà các nước đang phát triển phải đối mặt là Sri Lanka và Pakistan. Cả hai nước này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng trầm trọng sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra. Dự trữ ngoại hối của họ giảm sâu đến mức chỉ còn đủ thanh toán cho chi phí nhập khẩu hàng hóa thiết yếu thêm 1 hoặc 2 tháng.

Cơn suy thoái kinh tế của Sri Lanka đã châm ngòi các cuộc biểu tình chống chính phủ giữa lúc người dân vật lộn với mức lạm phát kỷ lục, tình trạng mất điện kéo dài và thiếu hụt nghiêm trọng ở các hàng hóa cơ bản như thuốc men và gas nấu ăn.

Nợ công liên quan đến các dự án hạ tầng của Sri Lanka phình to trong thập niên qua. Các khoản nợ sắp đến hạn thanh toán trong năm nay của Sri Lanka tổng cộng là 7 tỉ đô la, với 1 tỉ đô la trái phiếu đáo hạn vào tháng 7 nhưng dự trữ ngoại hối của nước này chỉ còn 2,3 tỉ đô la.

Chương trình hỗ trợ mà IMF dành cho Pakistan đang bị tạm dừng sau khi hồi tháng 2, Thủ tướng Imran Khan công bố kế hoạch trợ cấp giá điện và nhiên liệu trị giá 1,5 tỉ đô la mà không tham vấn với IMF. Ông bị quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm để phế truất chức vụ hôm 10-4 do điều hành kinh tế yếu kém.

Trong tháng 3, lạm phát của Pakistan tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Fitch Ratings, Pakistan có 20 tỉ đô la nợ nước ngoài đến hạn thanh toán trong năm tài chính 2023. WB cho biết Pakistan và Sri Lanka là hai nước có tỷ lệ trả nợ nước ngoài trên doanh thu xuất khẩu và kiều hối cao nhất ở khu vực Nam Á.

Tìm kiếm gói vay giải cứu từ IMF

Giờ đây, chính phủ mới của Pakistan đang tìm cách quay trở lại bàn đàm phán với IMF để tìm kiếm khoản vay mới 3 tỉ đô la, giúp nước này tránh một cuộc khủng hoảng tài chính có thể diễn ra trong vài tháng tới.

Nền kinh tế Ai Cập cũng đang chật vật khi lĩnh vực du lịch chịu tổn thương nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19. Hiện nay, tình hình Ai Cập càng căng thẳng hơn với mức lạm phát tăng cao và làn sóng tháo chạy của đầu tư nước ngoài kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra. Ngân hàng trung ương Ai Cập đã phá giá đồng nội tệ 14% trong tháng 3 để mở đường cho gói vay giải cứu từ IMF.

James Swanston, nhà phân tích thị trường mới nổi tại Công ty tư vấn Capital Economics, cho biết: “Cuộc chiến ở Ukraine là điểm sôi trào. Ai Cập thực sự cần phá giá đồng nội tệ để giành lợi thế cạnh tranh ở thị trường quốc tế và có thể xuất khẩu nhiều hơn”.

Ai Cập đã phải đối mặt với những thách thức kinh tế dai dẳng bao gồm tỷ lệ nghèo đói tăng, tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động suy giảm. Nước này vay khoảng 20 tỉ đô la từ IMF kể từ năm 2016. Năm 2020 và 2021, chính phủ Ai Cập đã dành hơn 40% nguồn  ngân sách hàng năm để trả nợ và và dự kiến ​​duy trì mức tương tự trong năm 2022.

Tunisia, một quốc gia ở Bắc Phi, cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ IMF trong bối cảnh gần đây, các kệ hàng tạp hóa ở nước này không còn đường, bột mì và các nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng khác đồng thời chính phủ trì hoãn trả lương cho công chức. Tháng trước, Tunisia đã nhận được khoản vay 400 triệu đô la từ WB và hy vọng sẽ được IMF cung cấp một gói giải cứu tài chính khác.

Roberto Sifon-Arevalo, Giám đốc phân tích ở bộ phận xếp hạng tín nhiệm nợ chủ quyền (nợ công) tại S&P Global Ratings, nói: “Liệu có phải chúng ta đang tiến gần đến cuộc khủng hoảng nợ? Tôi sẽ không nói như vậy nhưng có một số khoản nợ công thực sự đang trong tình thế rất nguy hiểm”.

Chánh Tài

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.