Vietstock - Các yếu tố khó lường với thị trường hàng hóa năm 2024
Thị trường hàng hóa toàn cầu được dự báo có thể ổn định trong nửa đầu năm 2024, nhưng sẽ đối mặt với những yếu tố khó lường trong giai đoạn nửa cuối năm.
Thị trường có thể ổn định trong nửa đầu năm
Bất chấp những bất ổn, thị trường hàng hóa nhìn chung vẫn giữ được sự bình tĩnh. Sau vài năm ghi nhận đà tăng ở mức hai con số, chỉ số hàng hóa của Bloomberg đã giảm hơn 10% trong năm 2023. {{8849|Giá dầdầu Brent ở dưới mức 80 đô la Mỹ/thùng, thấp hơn nhiều so với mức của năm 2022. Giá khí đốt ở châu Âu dao động gần mức thấp nhất trong hai năm, trong khi giá ngũ cốc và kim loại cũng ở mức khá rẻ.
Theo các chuyên gia, sau những cú sốc liên tiếp gây ảnh hưởng đến giá vào đầu những năm 2020, thị trường đã dần dần thích nghi. Mức tiêu thụ hạn chế, khiến cho áp lực nhu cầu không còn quá lớn. Tuy nhiên, chính phản ứng của nguồn cung đối với giá cả tăng cao, dưới hình thức tăng sản lượng và tái cơ cấu dòng chảy thương mại, đã khiến thị trường toàn cầu ngày nay có khả năng chống sốc tốt hơn. Các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái vì mức cung của nhiều mặt hàng có vẻ tốt hơn kể từ cuối những năm 2010.
Chẳng hạn như với dầu thô, trong năm ngoái, mức tăng sản lượng từ các quốc gia ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) là đủ để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu dầu toàn cầu. Điều này đã thúc đẩy OPEC+ tiến hành cắt giảm sản lượng khoảng 2,2 triệu thùng/ngày, tương đương 2% nguồn cung toàn cầu, nhằm giữ giá ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, mức thặng dư trên thị trường chỉ giảm xuống trong quí 4-2023.
Công ty dữ liệu Kpler dự đoán, nguồn cung dầu sẽ đạt mức dư thừa trung bình là 550.000 thùng/ngày trong bốn tháng đầu năm 2024, đủ để bổ sung phần lớn lượng tồn kho dầu đã giảm trong những tháng mùa hè nóng bức. Sản lượng dầu mới sẽ đến từ Brazil, Guyana và đặc biệt là Mỹ, khi công suất khai thác tăng lên đang bù đắp cho sự sụt giảm số lượng giàn khoan.
Tại châu Âu, hoạt động mua sắm rầm rộ kể từ khi bắt đầu xung đột Nga – Ukraine và mùa đông ấm hơn thường lệ đã giúp duy trì mức dự trữ khí đốt ở khoảng 90% công suất, cao hơn nhiều so với mức trung bình năm năm. Theo Công ty tư vấn Rystad Energy, trong điều kiện thời tiết bình thường và không có gián đoạn lớn, lượng khí đốt dự trữ của châu Âu tính đến cuối tháng 3-2024 vẫn sẽ đạt khoảng gần 70% – vượt xa mức mục tiêu 45% vào ngày 1-2-2024 mà Ủy ban châu Âu (EC) đề ra trước đó.
Nguồn dự trữ dồi dào sẽ khiến giá khí đốt giảm, không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á, từ đó khuyến khích việc chuyển đổi từ than sang khí đốt trong sản xuất điện ở nhiều nơi. Điều này sẽ giúp giảm giá than, vốn đã đi xuống trong thời gian qua do sản lượng tăng mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Với kim loại, nguồn cung cấp lithium và niken đang bùng nổ; trong khi nguồn cung coban – sản phẩm phụ của quá trình sản xuất đồng và niken cũng tăng mạnh. Nguồn cung dồi dào đã làm giảm giá các kim loại cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.
Với lương thực, sau niên vụ 2023-2024 bội thu, các chuyên gia tiếp tục kỳ vọng về mức sản lượng kỷ lục trong niên vụ 2024-2025, trong bối cảnh hoạt động trồng ngũ cốc và đậu nành tiếp tục được tăng cường. Ngân hàng Rabobank dự báo, tỷ lệ lương thực dự trữ để sử dụng trung bình của các nước xuất khẩu – một yếu tố quan trọng quyết định giá cả, sẽ tăng từ 13% lên 16% – mức cao nhất kể từ niên vụ 2018-2019.
Nguồn cung dồi dào báo hiệu nửa đầu năm 2024 sẽ là giai đoạn trầm lắng đối với thị trường hàng hóa toàn cầu, trước khi mức thặng dư bắt đầu bị thu hẹp.
Và trong bối cảnh đó, thị trường dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều cú sốc hơn, bao gồm các diễn biến kinh tế khó lường, thời tiết khắc nghiệt và nguy cơ xung đột địa chính trị leo thang.
Diễn biến kinh tế khó lường
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu các nền kinh tế lớn có tránh được suy thoái trong năm 2024 hay không, tuy nhiên, có một điều được phần lớn các chuyên gia đồng tình là tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại với mức tăng trưởng 2,9% trong năm nay, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra con số 2,7%. Việc kinh tế tăng trưởng chậm hơn, cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu thô trên toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng khiêm tốn.
Trong khi đó, lạm phát cũng được dự đoán sẽ giảm. Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, lạm phát trên toàn cầu từ mức 8,1% trong năm 2022 dự kiến sẽ giảm xuống 5,7% trong năm 2023 và 3,9% trong năm 2024. Việc lạm phát hạ nhiệt sẽ khiến hàng hóa có ít sức hấp dẫn hơn với vai trò phòng ngừa rủi ro tài chính.
Tuy nhiên, những bất ngờ không phải là không thể xảy ra.
Việc kinh tế Trung Quốc phục hồi tốt hơn dự báo có thể thúc đẩy đáng kể nhu cầu trên thị trường hàng hóa. Theo Capital Economics, các cuộc khảo sát gần đây đang đánh giá thấp khả năng phục hồi của nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại Trung Quốc. Fitch Ratings nhận định, các biện pháp kích thích của Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhu cầu về kim loại trong năm 2024.
Bên cạnh đó, việc lãi suất ở Mỹ sẽ sớm được cắt giảm và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tăng tốc cũng sẽ có tác động đáng kể tới giá hàng hóa toàn cầu. Theo báo cáo của BMI (HM:BMI), đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions, các thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, khiến đồng đô la suy yếu và từ đó làm cho các hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh như kim loại đồng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua sở hữu các loại tiền tệ khác. Điều này kết hợp với nhu cầu gia tăng do quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, được dự báo có thể đẩy giá đồng lên cao, tăng hơn 75% trong vòng hai năm tới.
Ảnh hưởng từ thời tiết khắc nghiệt
Thời tiết bất thường sẽ có tác động sâu sắc hơn đến thị trường hàng hóa. Mùa Đông ở châu Âu vẫn chưa kết thúc, bằng chứng là đợt rét đậm vừa mới bắt đầu. Rystad Energy tính toán rằng, tình trạng lạnh giá kéo dài có thể buộc châu Âu phải sử dụng thêm 30 tỷ mét khối khí đốt, tương đương 6-7% nhu cầu thông thường.
Theo Reuters, hiện tượng khí hậu El Nino gây khô hạn ở nhiều nước châu Á trong năm nay được dự báo sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024, gây rủi ro cho nguồn cung các hàng hóa quan trọng như gạo, lúa mì, dầu cọ cũng như các nông sản khác ở một số nước xuất khẩu và nhập khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Các thương nhân và quan chức dự báo, sản lượng gạo của châu Á trong nửa đầu năm 2024 sẽ giảm khi điều kiện trồng trọt khô hạn và các hồ chứa nước dần cạn kiệt có khả năng làm giảm sản lượng.
Vụ lúa mì tiếp theo của Ấn Độ cũng đang bị đe dọa do thiếu độ ẩm. Điều này có thể buộc nước tiêu thụ lúa mì lớn thứ hai thế giới phải tìm kiếm nguồn nhập khẩu lần đầu tiên sau sáu năm do lượng lúa mì dự trữ tại các kho của nhà nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm.
Đến tháng 4, nông dân ở Úc, nước xuất khẩu lúa mì số hai thế giới, có thể sẽ phải gieo trồng vụ mùa mới của họ trên đất đai khô hạn. Nhiều tháng nắng nóng gay gắt đã hạn chế năng suất của vụ mùa năm 2023 và chấm dứt chuỗi ba năm liên tiếp đạt mức sản lượng thu hoạch cao kỷ lục.
Những vấn đề về khí hậu sẽ còn gây xáo trộn lớn hơn nữa đối với thị trường lúa mì, nếu chúng ảnh hưởng đến Nga, nước xuất khẩu lớn nhất và đã có những vụ mùa bội thu kể từ năm 2022. Kho dự trữ để bù đắp cho sự thiếu hụt đang cạn kiệt. Do mức tiêu thụ tăng và dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục trong mùa này, dự trữ lúa mì toàn cầu đang hướng tới mức thấp nhất kể từ niên vụ 2015-2016.
Nguy cơ xung đột địa chính trị
Diễn biến khó lường tại các điểm nóng địa chính trị sẽ tiếp tục là mối lo ngại của giới đầu tư trong năm 2024. Các tuyến vận tải qua Biển Đen đang được sử dụng để vận chuyển bốn phần năm lượng thực phẩm xuất khẩu của Nga, cùng với khoảng hai triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Do vậy, xung đột Nga – Ukraine tại khu vực này có thể khiến giá cả tăng vọt, mặc dù sản lượng dầu tăng từ OPEC+ và áp lực quốc tế nhằm bảo vệ các chuyến hàng xuất khẩu thực phẩm sẽ góp phần xoa dịu thị trường.
Theo báo The Economist, nếu cuộc xung đột tại Trung Đông giữa Israel và Hamas tiếp tục leo thang, lan rộng ra khu vực, ảnh hưởng tới Iran và các quốc gia vùng vịnh khác, tình trạng hỗn loạn sẽ thực sự diễn ra. Những cảnh báo đáng sợ về mức giá dầu lên tới 200 đô la/thùng hoàn toàn có thể được nhắc lại như hồi tháng 3-2022, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát, làm chao đảo thị trường toàn cầu.
Lạc Diệp (Nguồn: Economist, Bloomberg, Reuters, CNBC, ING)