Vietstock - Các thị trường mới nổi đợi chờ cú huých từ vắc-xin Covid-19 và gói kích thích
Các thị trường mới nổi đang tiến gần tới giai đoạn cuối cùng của năm 2020, cùng với sự trông ngóng của các nhà đầu tư về khả năng kích thích bổ sung và việc triển khai các chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Chương trình hỗ trợ tiếp tục từ phía các ngân hàng trung ương và niềm lạc quan về việc triển khai vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ duy trì xu hướng phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm tới đã châm ngòi cho việc đổ xô vào các tài sản rủi ro, đẩy các chỉ số chứng khoán, tiền tệ và trái phiếu các quốc gia đang phát triển ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp.
Trong tuần này, ít nhất 10 ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế đang phát triển sẽ tiến hành phiên họp về chính sách tiền tệ. Tuy nhiên sẽ không có ngân hàng trung ương nào được theo dõi sát bằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Cuộc họp lần này sẽ tập trung vào việc Fed sẽ thay đổi chương trình mua trái phiếu hay thay đổi hướng dẫn về các chương trình mua trong tương lai.
“Các nhà hoạch định chính sách ở tư thế sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi bằng các hành động tài khóa và với lạm phát duy trì tại mức thấp, chúng tôi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức thấp trong nhiều năm”, Madison Faller, Chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại London của Ngân hàng tư nhân J.P. Morgan Private Bank cho biết.
Ông nói thêm: “Hỗ trợ chính sách như thế sẽ tiếp tục thúc đẩy kết quả đầu tư và làm nổi bật quan điểm của chúng tôi đó là các tài sản rủi ro có cơ hộ để nổi bật từ đây. USD tương đối yếu cũng đã khiến chúng tôi xem các thị trường mới nổi như những đối tượng thụ hưởng”.
Dữ liệu kinh tế cũng sẽ đóng vai trò là chỉ dẫn về tiến trình phục hồi toàn cầu. Theo đó, vào ngày thứ Ba (15/12), Trung Quốc sẽ công bố một loạt dữ liệu kinh tế, có khả năng cho thấy sự phục hồi sau đại dịch tiếp tục diễn ra tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bên cạnh đó, các Ngân hàng Trung ương Indonesia và Philippines được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản tại phiên họp diễn ra vào ngày thứ Năm (17/12) sau khi bất ngờ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất hồi tháng 11.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo hồi đầu tháng này cho biết kích thích tiền tệ sẽ “tiếp tục vào năm 2021”, trong khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines Benjamin Diokno cho biết Ngân hàng Trung ương nước này có nhiều lý do để duy trì một chính sách điều tiết và sẵn sàng sử dụng hết các công cụ.
Khai Tâm (Theo Bloomberg)