Huyền thoại đầu tư Warren Buffett cho rằng AI giống như vũ khí hạt nhân gần 1 thế kỷ trước, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng quá nhiều nguy cơ cho nhân loại. Trong thời đại người người nhà nhà sử dụng AI, “Phù thủy chứng khoán” Warren Buffett có lẽ là người đầu tiên và duy nhất thừa nhận rằng ông không biết nhiều về trí tuệ nhân tạo.
Triết lý đầu tư lâu dài của vị tỷ phú này là “tránh xa” những công nghệ nằm ngoài tầm hiểu biết của mình. Ngay cả việc ông kiên trì nắm giữ và tin tưởng vào số cổ phần khổng lồ của Apple (NASDAQ:AAPL) cũng là do ông niềm tin vào tiềm năng của Apple trong việc thu hút và giữ chân người tiêu dùng thay vì coi đây là một vụ đặt cược vào công nghệ.
Tại cuộc họp thường niên của công ty đầu tư Berkshire Hathaway vào cuối tuần qua, vị chủ tịch Berkshire không thể tránh khỏi việc AI trở thành chủ đề ám ảnh trong tâm trí các cổ đông. Ông Warren Buffett lần đầu tiên chia sẻ rằng sức ảnh hưởng của AI gợi cho ông nhớ tới sự trỗi dậy của vũ khí hạt nhân gần 100 năm trước.
"Huyền thoại đầu tư" khơi dậy nhiều vấn đề kinh tế từ công nghệ AI |
Đối với Buffett, công nghệ AI giống như “thần đèn”, khi ra khỏi chai, sức mạnh của vị thần đó có thể mang đến phước lành hoặc sự hủy diệt. Những vụ lừa đảo khổng lồ do công nghệ “deepfake” nhờ AI đã chứng minh cho nỗi lo ngại của Buffett.
Lần này, ông Warren Buffett cũng đề cập tới băn khoăn rằng cuộc sống của con người sẽ thay đổi ra sao với sự áp dụng rộng rãi của công nghệ AI. Trí tuệ nhân tạo giúp con người hoàn thành công việc dễ dàng hơn, có nhiều thời gian rảnh hơn.
Warren Buffett là một người chịu ảnh hưởng nhiều từ nhà kinh tế học hàng đầu của thế kỷ XX, John Maynard Keynes, người đã dự đoán chính xác sản lượng bình quân đầu người sẽ tăng theo cấp số nhân. Nhưng điều ông không dự đoán được là sự bùng nổ của công nghệ AI và con người sẽ làm gì tiếp theo khi năng suất tăng lên.
Keynes thường được coi là cha đẻ của kinh tế học vĩ mô, được biết đến nhiều nhất nhờ sự ủng hộ sự can thiệp của Chính phủ thông qua các chương trình xã hội và việc làm nhằm ổn định kinh tế trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Cuốn sách nổi tiếng nhất của Keynes là “Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ” được Buffett khuyên đọc cho mọi nhà đầu tư có lẽ sẽ được các nhà kinh tế trong tương lai nghiền ngẫm cũng với công nghệ AI.
Quả thật, dữ liệu từ các bên quan sát thị trường đang cho thấy năng suất của nền kinh tế Mỹ đã bùng nổ trong vài quý vừa qua. Theo dữ liệu của BLS, sau đợt tăng năng suất lớn trong thời kỳ Covid, đã có một đợt sụt giảm kéo dài, nhưng chỉ trong bốn quý vừa qua, dữ liệu mới thay đổi, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi này đến từ nhiều yếu tố, nhưng trong đó nổi bật là nhờ sự giúp sức của AI trong công việc và các yêu cầu quay trở lại văn phòng làm việc trực tiếp.
Nhưng hiện nay còn quá sớm để kết luận tích cực về công nghệ AI, vì các nghiên cứu đánh giá hiệu quả của AI cần triển khai trong nhiều năm, để các tác động của công nghệ này đối với năng suất của nền kinh tế hiển thị trong dữ liệu.
Các nhà nghiên cứu kinh tế cũng cảnh báo không nên quan tâm quá nhiều đến bất kỳ sự tăng năng suất ngắn hạn nào, vì dữ liệu hàng quý của Chính phủ thường được sửa đổi đáng kể và có thể mất nhiều năm để xác định được sự thay đổi lớn trong đường xu hướng năng suất.
Tuy vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều tin tưởng vào hiệu quả của AI đối với thúc đẩy năng suất lao động chính, ngay cả khi nó chưa có. Hầu hết các công ty vẫn đang trong giai đoạn thiết lập ngân sách cho AI và chiến lược tổng thể về cách nó có thể giúp ích cho cả khách hàng và nhân viên.
Sự bùng nổ công nghệ và năng suất thực
Sự bùng nổ năng suất rất hiếm và có xu hướng xảy ra một lần trong một thế hệ - lần gần đây nhất là vào giữa đến cuối những năm 1990, kết thúc bằng sự tan vỡ của bong bóng dotcom - một thời kỳ tăng trưởng kinh tế đáng kể, đặc biệt là không được thúc đẩy bởi việc tạo ra việc làm mới mà chỉ là cải tiến công nghệ.
Vấn đề tiến bộ công nghệ làm giảm số lượng việc làm hiện có đang là mối lo ngại đang diễn ra và đã có vô số cuộc khảo sát được công bố kể từ khi ChatGPT phát hành vào cuối năm 2022 đề cập đến tình trạng mất việc làm.
Các nhà phát triển công nghệ khẳng định AI sẽ không thay thế việc làm, nhưng sẽ giúp con người tập trung vào các kỹ năng khó hơn và loại bỏ các tác vụ máy móc, giao cho máy tính làm thay những thứ mà “dù sao con người cũng không thích làm”.
Nhưng khoảng 37% lãnh đạo doanh nghiệp được Resume Builder khảo sát cho biết công nghệ sẽ thay thế công nhân vào năm 2023 , với 44% cho biết sẽ có nhiều đợt sa thải hơn trong năm nay do những tiến bộ trong AI. Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ trong lịch sử - chẳng hạn như sự phát triển của công nghiệp hóa - chưa được chứng minh là "khiến cho nửa nhân loại thất nghiệp" như các chuyên gia cảnh báo .
Do khả năng thiếu cơ hội việc làm trước sự phát triển của AI, một số chuyên gia cũng như các tỷ phú và chính trị gia đã bày tỏ sự cần thiết về việc đặt lại mức lương cơ bản hay UBI (universal basic income) ở Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn có lý do để nghi ngờ về mối quan hệ chính xác giữa công nghệ và việc làm.
Vào cuối những năm 1980, cha đỡ đầu của nghiên cứu năng suất, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Robert Solow đã phát biểu về nghịch lý: “Bạn có thể thấy công nghệ máy tính ở khắp mọi nơi ngoại trừ trong số liệu thống kê về năng suất”. Nghịch lý Solow từ đó đã mang tên ông khi người ta nhắc tới việc tăng trưởng công nghệ không đem lại tăng trưởng năng suất, sản xuất trong dài hạn của một quốc gia.
Mối liên hệ giữa công nghệ và năng suất lao động tưởng chừng như rõ ràng nhưng luôn khiến các nhà kinh tế tranh luận gay gắt |
Giờ đây, AI là làn sóng bùng nổ công nghệ tiếp theo, Warren Buffett vẫn luôn giữ một thái độ khắc kỷ, nếu không muốn nói là dè chừng với phép màu công nghệ này: “Tôi thành thực mà nói không hiểu tại sao mọi người có thể chắc chắn về tương lai đến vậy. Cứ như thế giới chưa bao giờ sốc khi đón nhận sự “ra mắt” của 2 quả bom hạt nhân trong Thế chiến II”.
>> Elon Musk: ‘Bất kỳ công ty nào không chi 10 tỷ USD cho AI như Tesla (NASDAQ:TSLA) đều có thể biến mất khỏi thị trường’