Bitcoin bất ngờ vượt nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, dầu thô để trở thành loại tài sản hoạt động tốt nhất. Môi trường kinh tế vĩ mô kém, cuộc khủng hoảng Terra-Luna, sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX và mối lo về sự lây lan khủng hoảng đã ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể của Bitcoin trong suốt năm 2022.
Năm nay, bất chấp sự sụt giảm của nhiều kênh đầu tư trước các biến động lớn, thị trường tiền số vẫn âm thầm tích lũy dòng vốn liên tục.
Hai quý tăng liên tiếp của Bitcoin
Tính riêng quý 1/2023, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã tăng hơn 70%, quý có lãi cao nhất kể từ quý 1/2021, khi đó tăng 103%.
Từ tháng 4 đến tháng 6, Bitcoin lại tiếp tục tăng giá 8%, mặc dù Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) đã kiện các sàn giao dịch tiền ảo lớn như Coinbase (NASDAQ:COIN) và Binance.
Hiệu suất của một số kênh đầu tư nửa đầu 2023 (Đơn vị: %) |
Sau đợt giảm giá năm 2022 khiến thị trường tiền ảo mất 1.500 tỷ USD vốn hóa, giá Bitcoin hiện giao dịch ổn định quanh ngưỡng 30.000 USD.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 4/7, mức giá đồng Bitcoin trên sàn CoinMarketCap đang ở mức 31.143 USD. Trong khi đó, khối lượng giao dịch Bitcoin đạt khoảng 15,2 tỷ USD, tăng 45,9% so với phiên giao dịch trước đó. Vốn hoá thị trường ở mức 605 tỷ USD.
Đâu là nguyên nhân?
Theo CNN, việc tham gia của các đại gia tài chính là một động lực lớn.
Cụ thể, BlackRock - quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới, Fidelity Investments và những công ty khác đều đã nộp đơn đăng ký quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Bitcoin giao ngay tại Mỹ.
"Thế giới tiền mã hóa vẫn còn sống. Giá Bitcoin đã tăng mạnh sau khi các gã khổng lồ tài chính cho thấy sự cam kết với loại tài sản này", ông Craig Erlam, chuyên gia tài chính cấp cao có trụ sở ở London nhận định.
Bên cạnh đó, thị trường tiền mã hóa còn có thêm sự xuất hiện của sàn giao dịch tiền số EDX Markets - được các đại gia tài chính Charles Schwab, Fidelity Digital Assets và Citadel chống lưng từ cuối tháng trước.
Sự xuất hiện này được kỳ vọng sẽ tạo thêm cầu nối giúp những tổ chức tài chính truyền thống tham gia vào thị trường tiền mã hóa.
Nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) cũng là một phần nguyên nhân của các đợt tăng giá. Một số nhà đầu tư nhảy vào thị trường vì họ đang thấy những người khác gặt hái lợi ích từ đợt tăng giá đang diễn ra và muốn tham gia vào nó.
Hơn nữa, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu đang tiến gần hơn đến điểm kết thúc. Điều này có thể tháo gỡ phần nào mối lo ngại đối với thị trường tiền số về việc lãi suất tăng cao, qua đó hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và là kênh trú ẩn khi ngành tài chính truyền thống biến động.