VCCI: Đánh thuế cổ tức bằng cổ phiếu khi chưa có thu nhập thực tế là chưa hợp lý
Investing.com - Tuần qua, VN-Index ghi nhận mức giảm nhẹ 0,2%, quay về dưới mốc 1.330 điểm – tương đương mức điểm mở đầu tuần. Mặc dù biến động không lớn, nhưng trạng thái đi ngang này phần nào phản ánh tâm lý thận trọng đang đè nặng lên nhà đầu tư.
Diễn biến thị trường trong tuần đầu tháng 6 cho thấy xu hướng giằng co quanh vùng đỉnh cũ 1.350 điểm. Sự dè dặt lan rộng khi thời điểm áp dụng thuế quan mới từ Mỹ đang cận kề, trong khi các cuộc đàm phán thương mại chưa mang lại kết quả rõ ràng. Thanh khoản thị trường sụt giảm thể hiện sự e dè của dòng tiền, với nhà đầu tư thận trọng hơn khi đưa ra quyết định mua vào.
Sự phân hóa giữa các nhóm ngành ngày càng rõ rệt, đặc biệt là trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các mã trụ như Vingroup (HM:VIC), ngân hàng, hay bất động sản không còn giữ vai trò dẫn dắt luân phiên như trước mà đang vận động đan xen giữa tăng và giảm. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục thu hút sự quan tâm của dòng tiền, nổi bật là những mã thuộc các ngành như bất động sản, điện, thực phẩm và vật liệu xây dựng – những lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng hoặc đang được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ cụ thể.
Khối ngoại tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng. Dù có lực mua tại một số mã như APG, VND, NVL và SHB, nhưng áp lực bán lại tập trung mạnh ở các cổ phiếu trụ như VHM, STB, HPG và FPT. Hoạt động rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài, cùng với sự chững lại của dòng tiền trong nước, khiến thị trường thêm phần ảm đạm trong các phiên cuối tuần.
Đặc biệt, áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã cản trở đà hồi phục, khiến chỉ số VN-Index quay trở lại gần mức mở cửa đầu tuần. Dù dòng tiền vẫn hiện diện ở nhóm vốn hóa trung bình và penny, nhưng chưa đủ mạnh để tạo lực đẩy rõ rệt cho thị trường trong ngắn hạn. Trong bối cảnh đó, xu hướng tăng trung hạn vẫn được duy trì, song để VN-Index có thể tiến tới vùng mục tiêu 1.370 - 1.380 điểm, cần có sự lan tỏa mạnh mẽ hơn từ dòng tiền trên toàn thị trường. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh nhẹ trong những phiên đầu tuần, với vùng điểm 1.290 - 1.320 được kỳ vọng đóng vai trò là vùng hỗ trợ quan trọng.
Với bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên tận dụng những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ để giải ngân từng phần. Ưu tiên nên dành cho các doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, ít chịu tác động từ rủi ro thuế quan, được hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế, có kết quả kinh doanh tích cực, định giá hợp lý và chính sách cổ tức ổn định.
Ngành vật liệu xây dựng: Hưởng lợi kép từ bất động sản và đầu tư công
Ngành vật liệu xây dựng đang bước vào giai đoạn hồi phục mạnh mẽ, nhờ đồng thời được thúc đẩy bởi sự cải thiện của thị trường bất động sản và tốc độ giải ngân đầu tư công tăng cao. Hai yếu tố này không chỉ giúp cải thiện nhu cầu tiêu thụ vật liệu, mà còn mở ra triển vọng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Trước hết, sự khởi sắc trở lại của bất động sản – lĩnh vực tiêu thụ chính của ngành vật liệu xây dựng – đang tạo ra lực đẩy rõ nét. Trong quý I/2025, số lượng dự án bất động sản được cấp phép tăng đến 37% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy những nỗ lực cải cách hành chính đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Khi các dự án này đi vào triển khai, nhu cầu sử dụng vật liệu như xi măng, thép, nhựa, gạch và các sản phẩm hoàn thiện dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Song song đó, đầu tư công tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng then chốt. Với kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2025 ở mức cao kỷ lục, khối lượng công việc trong mảng xây dựng hạ tầng sẽ tăng đáng kể, kéo theo nhu cầu lớn đối với thép, xi măng và các loại nhựa công nghiệp.
Một yếu tố hỗ trợ quan trọng khác là xu hướng giảm giá của nguyên vật liệu đầu vào. Giá nhựa PVC – nguyên liệu chính của ngành ống nhựa – đang giảm do cung vượt cầu trên toàn cầu. Giá quặng sắt – yếu tố đầu vào chủ lực của ngành thép – cũng đang hạ nhiệt nhờ nhu cầu từ Trung Quốc chững lại. Trong bối cảnh giá bán đầu ra chưa thể tăng ngay, việc tiết giảm chi phí đầu vào sẽ là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp nâng cao biên lợi nhuận và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Với ba động lực hỗ trợ lớn: bất động sản hồi phục, đầu tư công tăng tốc và chi phí nguyên vật liệu giảm, ngành vật liệu xây dựng đang đứng trước chu kỳ tăng trưởng tích cực. Đây là thời điểm nhà đầu tư nên theo dõi sát diễn biến ngành và xem xét cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành có quy mô lớn, thị phần vững chắc và hiệu quả sinh lời ổn định, để đón đầu làn sóng tăng trưởng đang hình thành.