Theo Dong Hai
Investing.com – Thị trường Việt Nam thứ Năm 28/1 có những tin tức chính: Chứng khoán Hoa Kỳ giảm mạnh bất chấp chính sách lãi suất thấp của FED được giữ nguyên, VN Index hiện đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh 1.070 – 1.100 điểm và Bất động sản vẫn thu hút vốn… Dưới đây là nội dung chi tiết:
1. Chứng khoán Hoa Kỳ giảm mạnh bất chấp chính sách lãi suất thấp của FED được giữ nguyên
S&P 500 và DJIA mất lần lượt -2.6% và -2% giá trị, về 3,750.77 điểm và 30,303.17 điểm. NASDAQ cùng chung trạng thái với mức giảm -2.6% về 13,270.6 điểm. CBOE VIX tăng tới hơn 61%, phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư Hoa Kỳ về vận động hiện tại của thị trường.
Toàn bộ các lĩnh vực trong rổ S&P 500 đều giảm giá, dẫn đầu là các nhóm ngành Tiêu dùng, bao gồm Tiêu dùng thiết yếu (- 3.82%), Tiêu dùng không thiết yếu (- 3.1%), bên cạnh lĩnh vực Y tế (-3%), Nguyên vật liệu (- 3%),…
FED kết thúc cuộc họp chính sách đầu năm với những thông tin tích cực cho thị trường. Theo đó, khung lãi suất 0% - 0.25% vẫn được giữ nguyên, dự kiến đến hết năm 2023. Chương trình mua trái phiếu chính phủ với quy mô 120 tỷ USD mỗi tháng tiếp tục được duy trì để bơm tiền cho nền kinh tế. Phiên họp tiếp theo của FED sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/03/2021.
Giá dầu Brent và WTI tương lai giảm tương ứng -1.1% và -0.38% về 55.3 USD/thùng và 52.4 USD/thùng. Giá dầu diễn biến thận trọng bất chấp số liệu tích cực từ thị trường Mỹ. Theo US EIA, sản lượng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm -9.9 triệu thùng, khả quan hơn so với dự báo ban đầu (tăng 430 nghìn thùng), cũng như số liệu trong tuần liền trước (+4.35 triệu thùng).
Tại thị trường châu Á, các chỉ số chứng khoán chủ chốt hiện đang giảm đáng kể trước áp lực từ thị trường Hoa Kỳ. Tính đến 9h00 sáng, Nikkei 225 và KOSPI hiện đang giảm – 1.27% và -0.81%. Shanghai Composite hiện cũng giảm -0.98%.
2. VN Index hiện đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh 1.070 – 1.100 điểm
Theo SSI (HM:SSI) Research, sau 2 phiên giảm sâu, VN Index hiện đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh 1.070 – 1.100 điểm, khu vực này được đánh giá là điểm kết thúc của sóng iv – sóng giảm (theo Elliot). Nhiều khả năng chỉ số sẽ có khả năng hồi phục từ vùng hỗ trợ nói trên.
Khuyến nghị: Thị trường nhiều khả năng sẽ có đợt hồi phục từ vùng hỗ trợ 1.100 – 1.070 điểm. Để đợt hồi phục này bền vững, thị trường cần có sự hỗ trợ mạnh từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, khi đó NĐT có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Trong trường hợp ngược lại, nếu như nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn suy yếu trong đợt hồi phục này, thì việc bán ra hạ tỷ trọng nên được ưu tiên.
Nhóm BĐS, Dầu khí và Tiêu dùng không thiết yếu đang có động lực tăng trưởng tốt; NĐT có thể theo dõi các nhóm cổ phiếu này.
3. Bất động sản vẫn thu hút vốn
Thị trường bất động sản (BĐS) có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của nhân dân, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đồng thời góp phần quan trọng vào phát triển đô thị, du lịch, tăng trưởng xanh...
Huy động vốn dây chuyền
- Thị trường BĐS nhà ở kéo theo hàng loạt thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động tăng trưởng. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, đầu tư phát triển 1m2 nhà ở cần 17-25 công lao động; đầu tư 1 USD vào BĐS thu hút thêm được 1,5-2USD vốn xã hội tham gia .
- Nếu dư nợ cho vay BĐS hiện nay có trên 400.000 tỷ đồng, thực tế đã huy động được trên 20 tỷ USD vào nền kinh tế. Trong giai đoạn 2015-2020, thị trường BĐS nhà ở đã có bước phát triển nhanh và ngày càng ổn định, lành mạnh cả về quy mô thị trường, số lượng dự án, sản phẩm nhà ở và giao dịch.
- So với giai đoạn trước, giai đoạn 2015-2020 các hiện tượng “đóng băng”, “trầm lắng” hoặc “phát triển nóng”, chỉ xảy ra ở vài phân khúc là nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, đất nền dự án và cũng chỉ xuất hiện cục bộ một vài dự án của chủ đầu tư có uy tín và tại một số địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch.
- Chu kỳ phát triển của thị trường BĐS hiện nay đã lâu dài và ổn định hơn, hiện tượng “phát triển nóng” chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm soát có hiệu quả. Ước tính cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2009).
- Bình quân dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS trong 5 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tuy nhiên, thời gian này tỷ trọng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS giảm dần, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong quý I-2020. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30-9-2020 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 606.253 tỷ đồng (bằng 115,17% dư nợ tại thời điểm 30-6-2020). So với năm 2019, dư nợ tín dụng BĐS quý I-2020 có xu hướng giảm, tuy nhiên trong quý II đã được cải thiện, tăng hơn so với quý I và quý III tăng hơn so với quý II. Cơ cấu dư nợ BĐS cũng có thay đổi theo từng giai đoạn.
- Nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển BĐS hiện nay không còn phụ thuộc vào nguồn vốn tự có của chủ đầu tư dự án, mà đã được mở rộng thông qua nhiều hình thức, như vốn vay ngân hàng, vốn FDI, vốn tư nhân, trái phiếu, các startup công nghệ tài chính (fintech), huy động vốn từ khách hàng hay thông qua liên doanh, liên kết, tín thác…
- Nguồn vốn đầu tư FDI, trong nhiều năm trở lại đây đạt khoảng 17,63 tỷ USD, luôn đứng thứ 2 trong tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam (sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo cơ khí). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê 9 tháng năm 2020 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư lĩnh vực BĐS gần 3,2 tỷ USD và tăng dần theo quý (từ 0,264 tỷ USD quý I, lên 0,586 tỷ USD quý II, lên 2,35 tỷ USD quý III), chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới. Như vậy, sau thời gian dài giữ vị trí thứ 2, hoạt động kinh doanh BĐS tụt xuống vị trí thứ 3 trong thu hút FDI.
Thị trường chưa bền vững
Sự phát triển của thị trường vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Giá cả hàng hóa BĐS, đặc biệt là giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao và vẫn giữ xu hướng tăng, nhất là tại các đô thị lớn Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Cơ cấu một số sản phẩm BĐS (trong đó có nhà ở) mất cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê, NoXH; có dấu hiệu thừa nguồn cung nhà ở cao cấp. Tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát hay các dự án chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng còn diễn ra tương đối phổ biến, hàng tồn kho nhiều gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
Dự báo nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Nguyên nhân chính tốc độ gia tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế gắn liền với mức thu nhập của người dân tăng làm tăng khả năng chi trả nói chung và tăng mức độ sẵn sàng chi trả cho nhu cầu về nhà ở nói riêng, nhu cầu cải tạo, thay thế nhà ở do sự thiếu hụt về chất lượng của nhà ở. Tỷ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030, đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị.
Nhu cầu mới về nhà ở sẽ tiếp tục tập trung ở một vài thành phố lớn và các khu công nghiệp. Phía Nam là TPHCM và khu vực Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu. Phía Bắc tập trung chủ yếu khu vực Hà Nội và một số thành phố vệ tinh như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. 2 thành phố lớn có sức hút dân số cao, đòi hỏi gia tăng nhanh diện tích nhà ở đô thị là Hà Nội và TPHCM sẽ chiếm trên 50% diện tích đất đô thị của cả nước và 75% tăng trưởng không gian đô thị, với khoảng 2/3 lượng nhu cầu nhà ở hàng năm.