Vietstock - Vì sao chứng khoán thường biến động mạnh vào thứ Hai?
Thống kê trong những năm gần đây, VN-Index thường có những biến động mạnh hơn vào ngày thứ Hai đầu tuần.
Vì sao lại là thứ Hai?
Theo thống kê của VietstockFinance trong những năm gần đây, cụ thể lấy mốc từ đầu năm 2022, trải tương ứng VN-Index đã trải qua 864 phiên giao dịch với vô vàn những biến động khác nhau, nhưng có một thực tế dễ nhận thấy là chỉ số thường biến động mạnh hơn trong ngày thứ Hai.
Cụ thể, phiên thứ Hai chiếm tỷ lệ 29% trong số các phiên giảm 1-2%, 45% trong các phiên giảm 2-3%, 35% trong các phiên giảm 3-4% và đặc biệt 46% trong tổng số các phiên giảm trên 4%. Tuy nhiên, không phải cứ thứ Hai thị trường sẽ tiêu cực, thứ Hai đứng đầu trong các phiên tăng 1-2%, chiếm tỷ lệ 28%.
Chia sẻ quan điểm về những diễn biến này, theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), quãng nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật có thể xuất hiện những thông tin bất thường ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt trong quá khứ từng trải qua giai đoạn gay gắt đấu tranh với những sai phạm trên thị trường chứng khoán, những trường hợp tham ô, tham nhũng. Thường các thông tin này sẽ được công bố vào chiều thứ Sáu hoặc cuối tuần và đến thứ Hai mới phản ánh vào thị trường.
Cũng có quan điểm tương tự, ông Nguyễn Hồng Điệp - CEO CTCP ViCK cho biết, các phiên thứ Hai, hay thậm chí là thứ Ba thường biến động mạnh hơn, đặc biệt là theo chiều giảm, do nhà đầu tư rơi vào trạng thái thiếu thông tin, đặc biệt với những trường hợp nhà đầu tư đã nắm giữ các cổ phiếu rất lâu nhưng lại là gánh nặng về tâm lý, nên chỉ cần những câu chuyện biến động nhất thời là có thể dẫn đến hành động bán ra cổ phiếu.
Phiên giảm điểm 24/06 không phải ngoại lệ
Mang màu sắc tương đồng với nhiều phiên thứ Hai trong quá khứ, VN-Index kết thúc phiên giao dịch 24/06 giảm 27.9 điểm (-2.18%), về mức 1,254.12 điểm, sắc đỏ áp đảo trong rổ VN30 với 28 mã giảm, 1 mã tăng và 1 mã tham chiếu. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt gần 1.1 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 28 ngàn tỷ đồng.
Theo ông Trần Đức Anh, phiên giảm điểm hôm nay không có yếu tố bất ngờ nào xuất hiện, áp lực vẫn đến từ những câu chuyện không mới, nhưng tích tụ cùng một lúc dẫn tới động thái bán tháo, trong đó có câu chuyện tỷ giá căng thẳng quay trở lại và mặt bằng lãi suất huy động tăng trên diện rộng, ở hầu hết các ngân hàng.
Bên cạnh đó là động thái bán ròng dồn dập của khối ngoại từ đầu năm, đặc biệt trong 2 tháng trở lại đây. Trong bối cảnh này, VN-Index đã thất bại trong việc bứt qua mốc 1,300 điểm. Tổng hòa các yếu tố, nhìn chung các nhà đầu tư có trạng thái tâm lý tiêu cực.
Ông cũng cho biết, trước áp lực tỷ giá không sớm hạ nhiệt và xu hướng tăng của mặt bằng lãi suất huy động có lẽ sẽ còn tiếp diễn ít nhất 1-2 tháng tới, nhà đầu tư nên có trạng thái danh mục mang tính chất phòng thủ, hạn chế tối đa sử dụng margin. Tùy vào khẩu vị, nhà đầu tư nên hướng đến cổ phiếu phòng thủ hơn là cổ phiếu có mức độ biến động cao, đặc biệt là những cổ phiếu đã có nhịp tăng nóng trong 1-2 tháng trở lại đây.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Điệp, phiên hôm nay ngoài lực bán mạnh thì lực cầu vùng giá thấp cũng rất tốt, làm cho nhiều cổ phiếu không giảm sâu, thuộc các ngành như ngân hàng, thép,…. còn tình trạng giảm sâu chỉ chứng kiến ở những cổ phiếu “hot trend” trên sàn UPCoM, nhóm cổ phiếu công nghệ đã tăng mạnh trước đó nhưng tạm thời chưa đi cùng với những chuyển biến tích cực về lợi nhuận, mà chỉ đơn thuần là kỳ vọng về xu hướng AI trên toàn cầu.
Ông Điệp cho biết không cảm thấy bất ngờ với phiên giảm hôm nay và nhận định đây là phiên điều chỉnh nằm trong kế hoạch và cần thiết để thị trường tìm ra điểm cân bằng đáy, có thể rung lắc thêm để rồi xác nhận kết thúc nhịp điều chỉnh ngay trong tháng 6 này. Trường hợp thị trường thủng vùng MA50, tương ứng vùng 1,250 điểm (biên độ +/-10 điểm), thì phải chờ đợi những ngưỡng hỗ trợ rất sâu, khoảng 1,180-1,190 điểm, nhưng kịch bản đó xác xuất xảy ra thấp.
Huy Khải