Ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) đang khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chí từ FTSE. Tuy nhiên, hệ thống KRX có thể giải quyết được vấn đề này. Như đã thông tin, tại Hội thảo "Biến cơ hội thành hiện thực" được tổ chức bởi các chuyên gia Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), chia sẻ câu chuyện về KRX, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường cho biết, việc vận hành hệ thống giao dịch này hiện phụ thuộc vào quá trình kiểm thử của các công ty chứng khoán xem có lỗi hay không và có thể khắc phục được hay không.
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Chứng khoán KBSV |
Theo kế hoạch, từ 11-15/3 là tuần chạy thử hệ thống KRX. Đây sẽ là yếu tố tiên quyết để "dứt điểm" một trong những bài toán khó giải nhất trong hành trình nâng hạng thị trường chứng khoán thời gian qua - đó là ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).
Ông Đức Anh cho biết, việc hệ thống KRX đi vào hoạt động sẽ cho phép chúng ta triển khai đối tác bù trừ trung tâm (Central Counterparty - CCP). CCP sẽ cởi nút thắt ký quỹ trước giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lý giải thuật ngữ:
Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) là một cơ chế hoạt động của trung tâm thanh toán bù trừ (Clearing House) trong đó CCP đóng vai trò là một chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, CCP xen vào giao dịch giữa các bên thông qua CƠ CHẾ THẾ VỊ để trở thành người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán.
Với cơ chế này, CCP đảm bảo việc thanh toán giao dịch ngay cả trong trường hợp một bên trong giao dịch ban đầu (giao dịch gốc) không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán của nó.
Mô hình CCP tạo ra một số ưu điểm như: (1) Tăng tính hiệu quả và sự ổn định cho thị trường chứng khoán; (2) giảm thiểu chi phí tài chính; (3) giúp các bên tham gia thị trường tối ưu hóa dòng tiền của mình; (4) giảm thiểu rủi ro cho thị trường nhờ vào cơ chế tập trung rủi ro tại CCP cũng như chia sẻ rủi ro giữa các thành viên thị trường...
Một buổi hội thảo tham vấn về việc triển khai CCP năm 2022 có sự tham gia của đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
Cơ chế này cho phép CCP biến mối quan hệ bù trừ đa phương giữa các đối tác thành mối quan hệ bù trừ song phương giữa CCP và mỗi đối tác. Theo đó, CCP sẽ giúp giảm thiểu được đáng kể số lượng và quy mô các giao dịch cần phải thanh toán cũng như chi phí liên quan so với các mô hình bù trừ thanh toán chứng khoán khác (như thanh toán song phương hay thanh toán bù trừ). Nhờ đó, CCP cũng giảm thiểu đáng kể rủi ro đối tác trong hoạt động thanh toán của mình.
Tiền đề cho giao dịch T+0
Theo chuyên gia KBSV: "Có thể hiểu nôm na câu chuyện này như sau: Ở các thị trường chứng khoán mới nổi/phát triển, thời điểm cổ phiếu về thì tiền mới đi. Thị trường Việt Nam hiện tại, khi nhà đầu tư đặt lệnh phiên T+0 nghĩa là tiền đã đi rồi, phải đến 2 ngày sau (phiên T+2) thì cổ phiếu mới về. Theo đánh giá, đây là khúc mắc rất lớn khiến chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng.
Chiếu theo lộ trình, nếu tháng 5 tới chính thức áp dụng KRX, câu chuyện pre-fundng sẽ được giải quyết. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng đến kỳ xem xét đánh giá tháng 9/2024 của FTSE Việt Nam sẽ được thông báo về việc nâng hạng. Dù vậy, việc chính thức gia nhập sân chơi thị trường mới nổi sẽ cần thêm 1 năm sau đó (tương đương khoảng tháng 9/2025) để các quỹ đầu tư theo dõi (tracking) theo rổ chỉ số.
Ảnh minh họa |
Chứng khoán Việt Nam đang được 2 tổ chức bao gồm FTSE và MSCI xếp hạng ở nhóm thị trường cần biên. Theo ông Trần Đức Anh, tiêu chí để MSCI nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam thậm chí khó hơn FTSE bởi còn liên quan đến câu chuyện room ngoại.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến nhà đầu tư và Quý độc giả bài viết liên quan đến khẩu vị khối ngoại tại những cổ phiếu tiềm năng đã kín room.
>> ‘Câu giờ’ cho doanh nghiệp bất động sản repo trái phiếu năm 2024