Phiên 24/4, toàn bộ nhóm cổ phiếu VN30 đều tăng giá. Tuy nhiên, các mức tăng này chưa thể khiến cổ đông vùng VN-Index 1.270-1.290 điểm hài lòng. Thị trường chứng khoán giảm hơn 100 điểm trong tuần giao dịch từ 15-19/4; VN-Index có thời điểm giảm về 1.165 điểm.
Ba phiên giao dịch gần nhất, những rung lắc tiếp tục xuất hiện. Dù vậy, với 2 phiên tăng và 1 phiên giảm, VN-Index kịp thời quay trở lại mốc 1.200 sau phiên tăng 28,2 điểm ngày 24/4.
>> Đếm ngược 8 ngày trước sự kiện go-live KRX, nhìn nhanh định giá cổ phiếu ngành chứng khoán
VN-Index đã có lần thứ "n" quay trở lại mốc 1.200 điểm kể từ năm 2007 |
Trong 2 phiên phục hồi ngày 22 và 24/4, VN-Index dù tăng tổng cộng 40 điểm song trạng thái tích cực không diễn ra ở tất cả các nhóm ngành. Nhà đầu tư sợ bull trap, đứng ngoài quan sát khiến thanh khoản thị trường giảm về mức thấp; sàn HoSE đạt giá trị giao dịch trung bình chỉ hơn 17.000 tỷ đồng/phiên. Nói cách khác, dù thị trường tăng giá song danh mục của nhà đầu tư mới chỉ "túc tắc" phục hồi.
Trong cập nhật mới nhất, quỹ PYN Elite Fund đến từ Phần Lan vừa thông tin, giá trị danh mục cổ phiếu của quỹ đã giảm khoảng 9,5% trong 3 tuần vừa qua.
Trước đó, Pyn Elite Fund đã công bố báo cáo hoạt động tháng 3 với hiệu suất đầu tư đạt 2,57%, qua đó nâng hiệu suất đầu tư luỹ kế 3 tháng đầu năm 2024 đạt 15,34%, khả quan hơn so với mức tăng 13,6% của VN-Index trong cùng thời kỳ. Cú rơi chỉ sau hơn nửa tháng của thị trường đã thổi bay thành quả tháng 2 và 3 của quỹ này.
Xét trên góc độ tổng thế, sau nhịp tăng dài 240 điểm sau 5 tháng, chuỗi 4 phiên giảm mạnh liên tục trong tuần qua đã khiến phần lớn nhà đầu tư trên thị trường "chiến bại". Nói cách khác, không riêng nhà đầu tư cá nhân, thậm chí nhiều "cá mập" cũng bị thị trường khuất phục.
Cổ phiếu "lóp ngóp bò lên"
Phiên 24/4, toàn bộ nhóm cổ phiếu VN30 cùng đóng cửa tăng giá. Có 10 mã tăng trên 3% trong đó FPT và GVR (HM:GVR) là hai cổ phiếu được kéo trần. Một số khác ghi nhận phiên tăng ấn tượng như TPB (HM:TPB) (+4,3%), HPG (HM:HPG) (+4,3%), CTG (HM:CTG) (+4,6%)...
Dù vậy, hầu hết các mức tăng này vẫn chưa thể khiến những cổ đông vùng VN-Index 1.270-1.290 điểm hài lòng.
Dù tăng hết biên độ, cổ phiếu GVR vẫn cách giá đỉnh 2 năm (thiết lập hồi đầu tháng 4) hơn 16%. Những cổ đông mua vào HPG từ cuối tháng 6 đang tạm lỗ 6%. Những nhà đầu tư mua cổ phiếu BCM (HM:BCM) từ giữa tháng 3 tạm lỗ 25%. Thậm chí trong quãng thời gian này, cổ đông Becamex chưa một lần được chốt lời đúng nghĩa.
Diễn biến giá cổ phiếu VN30 |
Điểm khác biệt trong nhóm VN30 đến từ cổ phiếu MWG của Thế giới Di động (HM:MWG). Kết phiên 24/4, MWG tăng 5% lên mức 52.300 đồng/cp - vùng giá cao nhất kể từ cuối tháng 9/2023. Thậm chí mức giá này cũng cao hơn giá tại thời điểm VN-Index chạm 1.290 điểm.
11,5 triệu cổ phiếu MWG đã được sang tay trong phiên; giao dịch mua chủ động chiếm gần 59% so với mức 36,4% ở chiều ngược lại. Vị thế giao dịch của dòng tiền lớn gia tăng trong đó khối ngoại mua ròng 3,1 triệu đơn vị, giá trị tương ứng gần 160 tỷ đồng.
>> Từng quyết liệt xả 70 triệu cổ phiếu MWG hơn nửa năm trước, khối ngoại rót ròng nghìn tỷ trở lại Thế giới Di động
Diến biến giá cổ phiếu MWG |
Ấn tượng hơn ở nhóm VN30, phiên tăng trần hôm nay tiếp tục giúp cổ phiếu FPT thiết lập mức đỉnh cao mới 120.100 đồng/cp. Kể từ đầu tháng 2 tới nay, việc cổ phiếu FPT ghi nhận cả chục phiên phá đỉnh đã không còn là điều hiếm gặp trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu mảng công nghệ.
Với vị thế là doanh nghiệp tăng trưởng hiếm hoi trên thị trường chứng khoán kể từ giai đoạn đầu niêm yết, FPT tiếp tục là điểm đến của dòng tiền đầu tư giá trị.
Trong nỗ lực duy trì tăng trưởng, ngày 23/4, Tập đoàn FPT (HM:FPT) đã công bố hợp tác chiến lược toàn diện với tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới NVIDIA với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD để xây dựng AI Factory, cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam.
Tại lễ ký kết, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT cũng nhấn mạnh “cam kết đưa Việt Nam trở thành Trung tâm phát triển AI của thế giới”.
Ông Bình tâm sự: “25 năm trước, FPT nuôi giấc mơ xuất khẩu phần mềm. Đến nay, Việt Nam đã có 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực CNTT, phục vụ nhiều khách hàng trên toàn cầu. Hôm nay, chúng ta nuôi một giấc mơ khác: Quốc gia AI với 3-5% công nhân trong lĩnh vực AI”.
>> CTCK tiếp tục thông tin về KRX: Hệ thống dự kiến go-live ngày 2/5 nhưng còn một số vấn đề