Theo Dong Hai
Investing.com – Công trình Viettel niêm yết ở HOSE, F88, công ty nổi tiếng với dịch vụ chuỗi cầm đồ dự kiến chào sàn năm 2024 và KSA bị hủy giao dịch là những thông tin nổi bật tuần này. Có những chi tiết nào đặc biệt về những vụ niêm yết và hủy giao dịch này?
1. Viettel Construction đã niêm yết thành công lên HOSE
Sáng ngày 23/02, gần 93 triệu cp của Tổng CTCP Công trình Viettel (HN:CTR) đã niêm yết thành công lên HOSE với giá tham chiếu 85,400 đồng/cp. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là 20%. Giá mở cửa của phiên giao dịch đầu tiên đạt 90,000 đồng/cp.
Viettel Construction hiện đang vận hành 6 mảng kinh doanh có sự tăng trưởng chủ yếu gắn liền với lĩnh vực viễn thông gồm: Đầu tư Hạ tầng, Xây dựng (bao gồm xây dựng hạ tầng viễn thông, xây dựng dân dụng B2C và B2B), Công nghệ thông tin, Giải pháp Tích hợp, Dịch vụ Kỹ thuật và Vận hành Khai thác. Các lĩnh vực kinh doanh này đều đang mở ra kết quả kinh doanh tăng trưởng rõ rệt cho CTR.
Doanh thu xây dựng của CTR thường đi theo đầu tư cơ sở hạ tầng mạng lưới của Viettel trong khi doanh thu hoạt động được thúc đẩy bởi quy mô mạng Viettel. Ngoài Viettel, CTR còn cung cấp dịch vụ xây dựng nhà ở (chưa đến 10% doanh thu năm 2019) cho các hộ gia đình cũng như các công ty bất động sản như Tập đoàn Vingroup (HM:VIC) và Tập đoàn FLC (HM:FLC). Ngoài ra, CMC (HM:CMG) Telecom, Bộ Công an và Myanmar Tower Development là một số khách hàng ngoài Viettel của CTR trong mảng vận hành.
Trong mảng tích hợp hệ thống phục vụ các hộ gia đình, chính quyền thành phố và các tập đoàn có sự đóng góp cao nhất từ các khách hàng ngoài Viettel. Một số dự án đáng chú ý của CTR trong phân khúc tích hợp hệ thống là hệ thống camera giám sát cho Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB (HM:OCB), cơ điện cho các showroom của VinFast, nhà thông minh và hệ thống an ninh cho dự án Vinhomes (HM:VHM) Imperia Hải Phòng và dự án năng lượng mặt trời Thuận Minh 2 (50 MWp).
Năm 2021, CTR đạt doanh thu 7,454 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận trước thuế đạt 472 tỷ đồng, tăng trưởng 37%. Công ty đã vượt 13% chỉ tiêu doanh thu và vượt 34% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Với thành quả trên, CTR dự kiến chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 33% (trong đó 23% bằng cổ phiếu, 10% bằng tiền).
Như vậy, chỉ sau 5 năm, doanh thu và lợi nhuận CTR đã tăng trưởng lần lượt 130% và gần 140% so với 2017. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 35.7%.
2. F88 dự kiến niêm yết trên HOSE vào năm 2024, mục tiêu vốn hóa 1 tỷ USD
Chuỗi F88 – có sự hậu thuẫn của Mekong Capital – nhắm tới mức vốn hóa thị trường 1 tỷ USD khi dự tính niêm yết lên HOSE vào năm 2024. F88 là công ty tài chính chuyên cung cấp các khoản vay nhỏ với tài sản thế chấp là phương tiện và các dịch vụ tài chính như bảo hiểm, chuyển tiền.
Đại diện F88, Giám đốc điều hành Phùng Anh Tuấn cho biết, cũng đang đàm phán với các đối tác chiến lược tiềm năng, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Bên cạnh Mekong Capital, Công ty hiện đang có thêm một nhà đầu tư khác là Granite Oak Advisors Ltd.
Bên cạnh đó, F88 dự định tăng số điểm giao dịch trên toàn quốc lên 800 vào cuối năm nay từ mức 521 hồi cuối năm 2021. Ngoài ra, F88 sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động thông qua quan hệ đối tác với các công ty bán lẻ và công nghệ hàng đầu.
Năm 2021, F88 đã hợp tác với CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HM:MWG) để cung cấp các khoản vay không quá 10 triệu đồng. Công ty đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tại hơn 3,000 cửa hàng đối tác trên toàn quốc trong năm nay. F88 cũng đã ký hợp tác với CIMB Bank Vietnam cuối năm 2021 để cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân chưa thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Để thúc đẩy kế hoạch tăng trưởng, F88 đang kỳ vọng huy động được 4,000 tỷ đồng trong năm nay bằng hình thức phát hành trái phiếu hoặc vay từ các quỹ quốc tế
3. KSA bị hủy đăng ký giao dịch
Hơn 93 triệu cp KSA của CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận sẽ chính thức bị hủy đăng ký giao dịch vào ngày 25/02. Ngày giao dịch cuối cùng trên UPCoM là 24/02/2022 , theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Lý do rời sàn là do KSA hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cổ phiếu KSA trước đó đã gây sự chú ý trong giới đầu tư do lùm xùm liên quan đến hành vi thao túng giá cổ phiếu của Ban Lãnh đạo. Cụ thể, Nguyên Chủ tịch KSA - bà Phạm Thị Hinh đã chỉ đạo, lập nhiều tài khoản liên tục thực hiện mua, bán cổ phiếu KSA nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo trên thị trường chứng khoán để thu hút các nhà đầu tư. Trong thời gian từ ngày 11/12/2015 đến ngày 08/07/2016, hành vi của Phạm Thị Hinh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho 1,496 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA với tổng thiệt hại hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 CTCK gồm Mirae Asset, Phú Hưng, CTCK Dầu khí cho vay margin cũng bị thiệt hại 761 triệu đồng.