Chủ tịch Fed Powell có thể bị điều tra hình sự, vụ việc đã được chuyển cho Bộ Tư pháp Mỹ
Theo Dong Hai
Investing.com – Tiêu thụ điện cao kỷ lục; Chưa điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng; GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 7,6% trong quý III. Thị trường Việt Nam hôm nay sẽ có các tin tức mới với nội dung dưới đây.
1. Tiêu thụ điện cao kỷ lục
Diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ giữa tháng 6 trở lại đây đã làm tiêu thụ điện của toàn quốc và miền Bắc tăng rất mạnh. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, vào trưa ngày 21/6/2022, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 45.000 MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 45.528 MW. Bên cạnh đó, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc cũng đã lập mức kỷ lục mới, với công suất đỉnh của miền Bắc là 22.330 MW vào trưa ngày 21/6/2022.
Như vậy, nếu so với mức trung bình của tuần trước đó, công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia ngày 21/6/2022 đã tăng tới hơn 6500 MW; đối với riêng miền Bắc thì công suất đỉnh cũng đã tăng hơn 5200 MW - tương đương tăng gần 31% so với mức trung bình tuần trước đó.
Nếu so với mức đỉnh năm 2021, công suất tiêu thụ toàn quốc ngày 21/6/2022 cao hơn tới gần 3100 MW và công suất đỉnh miền Bắc cũng cao hơn gần 1400 MW.
Về sản lượng tiêu thụ điện, trên cả quy mô toàn quốc và miền Bắc cũng đều thiết lập những con số kỳ lục mới trong đợt nóng này. Đặc biệt, ngày 21/6/2022 cũng là lần đầu tiên sản lượng điện ngày toàn hệ thống điện quốc gia lần đầu tiên vượt 900 triệu với con số cụ thể là 909 triệu kWh, vượt xa mức đỉnh năm 2021 là 880 triệu kWh. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ điện của miền Bắc cũng lên mức đỉnh mới là 459 triệu kWh trong ngày 21/6/2022.
2. Chưa điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Bộ Tài chính cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia,..., ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm xăng gốc hóa thạch hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,.... Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ áp dụng đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Tuy vậy, theo số liệu thống kê năm 2019, giai đoạn trước dịch COVID-19 thì sản lượng tiêu thụ trong nước của mặt hàng xăng chiếm tỷ trọng khoảng 37% trong tổng sản lượng xăng, dầu. Do đó nếu thực hiện giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng thì chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của việc giảm thuế là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát vì dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cho phù hợp trong trường hợp mặt hàng này tiếp tục tăng giá, ảnh hưởng đến nguồn cung.
3. GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 7,6% trong quý III
Căn cứ vào dữ liệu mới nhất, Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo tăng trưởng GDP trong quý II năm nay của Việt Nam sẽ đạt 6% so với cùng kỳ năm trước và sau đó tăng lên 7,6% trong quý III.
Theo UOB, dữ liệu gần đây cho thấy đà tăng trưởng cơ bản của Việt Nam vẫn giữ nguyên trong quý II. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng mạnh, 5 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng 9,24% so với cùng kỳ, từ mức 8,28% trong 4 tháng đầu năm. Kết quả này cũng được phản ánh trong Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) có tháng thứ 8 tiếp tục gia tăng.
Một chỉ báo nữa là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã phần nào tăng trở lại trong tháng 5 bất chấp những bất ổn địa chính trị trên thế giới và giá hàng hóa tăng.
Về phía người tiêu dùng, việc dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 trong nước và mở lại các hoạt động du lịch quốc tế cũng đã tạo ra sức sống mới trong lĩnh vực dịch vụ. UOB kỳ vọng các lĩnh vực phụ thuộc vào du lịch như lưu trú và ẩm thực sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 2/2022 sau 9 quý giảm liên tiếp.