Theo Hoang Nhan
Investing.com - VN Index có một phiên giao dịch kém sôi động trong một ngày mà kênh liên lạc thông tin chính trên thị trường có phần bị gián đoạn. Bên cạnh đó, sự xuống sức của các cổ phiếu vốn hóa lớn tại ngưỡng kháng cự quan trọng cũng khiến lực bán bắt đầu gia tăng dần trên toàn thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/10, VN-Index giảm 2.89 điểm (-0.21%) xuống 1,391.91 điểm. Toàn sàn có 195 mã tăng, 208 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX tăng 3.66 điểm (0.97%) lên 379.34 điểm. Toàn sàn có 110 mã tăng, 100 mã giảm và 74 mã đứng giá. UPCOM-Index giảm 0.03 điểm (-0.03%) xuống 98.78 điểm. Toàn sàn có 167 mã tăng, 122 mã giảm và 71 mã đứng giá.
Thanh khoản toàn thị trường giảm mạnh xuống mức 21.5 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 764 triệu cổ phiếu. Sàn HoSE ghi nhận thanh khoản 18.7 nghìn tỷ đồng. Trong đó giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm 1.9 nghìn tỷ đồng. Ngoài lý do các nhà đầu tư đang thận trọng trước vùng kháng cự và diễn biến không tích cực của thị trường thế giới, việc một trong những trang mạng xã hội lớn, thường được sử dụng để làm kênh trao đổi của các nhà đầu tư bị gặp vấn đề trên phiên bản máy tính đã phần nào đó gây đứt gãy thông tin và khiến thanh khoản suy giảm.
Khối ngoại bán ròng mạnh trong phiên hôm nay, giá trị bán ròng đạt 519.17 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị bán ròng mạnh nhất trên có (HM:HPG), (HM:SSI), (HM:VNM), (HM:PAN),... Ở chiều ngược lại, các mã được mua ròng nhiều nhất có (HM:HAH), FUESSVFL, (HM:VRE), (HM:HDG),...
VN-Index tiếp tục test lại vùng 1,400 điểm không thành công phiên thứ 2 liên tiếp. Trong 2 tiếng đầu giao dịch phiên sáng, chỉ số liên tục chạm mốc 1,400 điểm nhưng không thể vượt qua. Thất bại trong việc bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng, lực bán do đó cũng tăng dần trong phiên, chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng điểm của thị trường.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang trở lại Bollinger Bands, hiện chỉ báo Stochastic vẫn cho tín hiệu quá mua và đang đảo chiều. Trong khi đó, các chỉ báo DMI và MACD vẫn cho tín hiệu tăng tích cực. Tuy vậy, chỉ báo RSI đang có dấu hiệu đảo chiều khi tiến đến vùng quá mua. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch cần cải thiện để củng cố xu hướng tăng cho thị trường. Vùng 1,360-1,380 điểm (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 08/2021) sẽ là hỗ trợ quan trọng nếu trạng thái điều chỉnh mạnh xuất hiện bất ngờ.
Cổ phiếu phân bón-hóa chất có một phiên giao dịch khởi sắc khi ghi nhận hàng loạt mã tăng mạnh như (HN:HVT) (+9.9%), (HN:LAS) (+7%), (HM:DCM) (+6.9%), (HM:SFG) (+6.8%), (HN:DDV) (+5.9%), (HM:DPM) (+5%),... trước thông tin các doanh nghiệp phân bón thuộc tập đoàn hóa chất Việt Nam tăng mạnh. Đáng chú ý có Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam (HM:SFG) tăng 318.8%, Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì (HN:HVT) tăng 105.9%, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (HM:BFC) tăng 41.5%. Ngoài ra, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HN:LAS) và DAP – Vinachem (UPCoM: DDV) ghi nhận sản xuất kinh doanh có lãi so với 9 tháng đầu năm 2020 thua lỗ.
Cổ phiếu (HM:FPT) đã có thời điểm gia nhập CLB 3 chữ số sau khi vượt đỉnh mọi thời đại và tăng hơn 2% trong phiên sáng. Mặc dù giao dịch khởi sắc đầu phiên, sự suy yếu của thị trường cũng tác động đến FPT khiến cổ phiếu này đóng cửa ở giá 99.4. Hưởng ứng với tín hiệu tích cực từ FPT, các cổ phiếu công nghệ cũng tăng mạnh như (HM:ITD) (+7%), (HM:ELC) (+5.9%), (HN:VGI) (+5.3%),...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục điều chỉnh trong phiên hôm nay với (HM:STB) (-1.3%), (HM:MSB) (-1.1%), (HM:TCB) (-1.1%), (HM:BID) (-0.9%). Mặc dù biên độ điều chỉnh là không lớn, nhưng với vốn hóa chiếm xấp xỉ 30% vốn hóa toàn thị trường, động thái của nhóm ngân hàng có tác động rất lớn đến xu hướng chung của các chỉ số. Sự xuống sắc của nhóm ngân hàng nói riêng và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nói chung như (HM:BVH) (-3.1%0, (HM:MSN) (-1.6%), (HM:VHM) (-1.1%),... khiến tâm lý thị trường tại vùng kháng cự 1,400 điểm có phần thận trọng hơn.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP quý 3 của Việt Nam đã giảm 6.2% so cùng kỳ năm 2020, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP theo quý. Với mức suy giảm sâu này và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý 4, GDP năm 2021 hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2% đến 2.5%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 4.8% mà WB công bố hồi tháng Tám.
WB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến trình xét nghiệm và tiêm chủng phủ rộng; đồng thời khuyến khích và ưu tiên việc dịch chuyển lao động. Đồng thời áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi; trong đó nên giảm sự cứng nhắc về thủ tục hành chính trong việc chi thường xuyên để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công; mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng chính sách để đảm bảo các chính sách an sinh xã hội tiếp cận được tới các hộ gia đình và khu vực lao động.