Giảm 40%
Mới! 💥 Dùng ProPicks để xem chiến lược đã đánh bại S&P 500 tới 1,183%+Nhận ƯU ĐÃI 40%

“So găng”: TOP 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất đang làm ăn ra sao?

Ngày đăng 14:30 06/02/2023
Cập nhật 09:10 06/02/2023
“So găng”: TOP 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất đang làm ăn ra sao?

Năm 2022 rất nhiều công ty chứng khoán gia nhập cuộc đua tăng vốn khủng, ngôi vị quán quân về vốn điều lệ đã đổi chủ. Thị trường chứng khoán Việt Nam những năm vừa qua ngày càng mở rộng cả về quy mô và chất lượng. Đây cũng là áp lực khiến các công ty chứng khoán phải liên tục gia tăng quy mô vốn nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhà đầu tư.

Chứng khoán VPBank (HM:VPB): Hành trình soán “ngôi vương” về vốn điều lệ

Những ngày cuối tháng 12/2022 CTCP Chứng khoán VPBbank (VPBank Securities) thông báo đã chào bán thành công 608 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng khiến nhiều nhà đầu tư vừa bất ngờ. Sau phát hành thành công, VPBank Securities đã chiếm “ngôi vương” về vốn điều lệ mà Chứng khoán SSI (HM:SSI) nắm giữ trước đó.

Cái tên Chứng khoán VPBank có thể vẫn còn có chút lạ lẫm với nhà đầu tư, thực sự cái tên Chứng khoán VPBank cũng mới chỉ xuất hiện hơn nửa năm nay. Chứng khoán VPBank tiền thân là CTCP Chứng khoán Châu Á, được thành lập từ năm 2009. Năm 2015 công ty đổi tên thành Chứng khoán ASC, cũng từng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán với mã chứng khoán ASC. Tuy vậy tháng 9/2016 công ty đã gửi hồ sơ lên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh xin tạm ngừng giao dịch tự nguyện, chấm dứt tư cách thành viên.

Âm thầm hoạt động, dưới thời tên gọi Chứng khoán ASC công ty không có dấu ấn nổi bật. Nếu như vốn điều lệ nhiều năm trước giai đoạn năm 2020 đang 56 tỷ đồng thì đến hết 2021 ở mức 268,8 tỷ đồng – là dấu ấn lớn nhất về tăng trưởng quy mô của công ty. Doanh thu các năm 2018, 2019, 2020, 2021 cũng chỉ quanh mức 7 đến chưa đến 11 tỷ đồng.

Ấn tượng mạnh nhất công ty chứng khoán này mang lại là việc tăng vốn “thần tốc” năm 2022 nhờ sự hậu thuẫn của VPBank. Hiện tại chứng khoán VPBank cũng chưa giao dịch cổ phiếu trên sàn dù đang là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tiến trình tăng vốn thần tốc, cụ thể, đầu năm 2022 Chứng khoán ASC bất ngờ phát hành 865,12 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ 268,8 tỷ đồng lúc đó lên 8.920 tỷ đồng – tương ứng tăng vốn gấp hơn 33 lần. Ngân hàng VPBank là đơn vị được phân phối toàn bộ 865,12 triệu cổ phiếu mới phát hành, trở thành công ty mẹ sở hữu 99,9222% vốn điều lệ của Chứng khoán ASC.

Sau đó không lâu, tháng 6/2022 Chứng khoán ASC đổi tên thành Chứng khoán VPBank, thay đổi nhân sự và lên tiếp kế hoạch tăng vốn khủng lần thứ 2 trong năm. Tháng 12/2022, hơn nửa năm sau lần tăng vốn trước đó, Chứng khoán VPBank thành công chào bán 608 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng, trở thành quán quân về vốn điều lệ trong nhóm các công ty chứng khoán.

Về tay VPBank, năm 2022 vừa qua doanh thu hoạt động của VPBank Securities bắt đầu khởi sắc, doanh thu tăng vọt gấp 71 lần lên 773 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay, phải thu đạt 241 tỷ đồng, lãi từ tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ FVTPL đạt 460 tỷ đồng… Kết quả ghi nhận cả năm Chứng khoán VPBank lãi trước thuế 542 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 434 tỷ đồng, gấp 72 lần số lãi 6 tỷ đồng đạt được năm 2021.

Giá trị giao dịch của nhà đầu tư trong năm đã đạt hơn 37.700 tỷ đồng, gấp 25 lần cùng kỳ. Tuy vậy một điểm nhấn của VPBank Securities là giá trị giao dịch trái phiếu của nhà đầu tư rất lớn: giá trị giao dịch cổ phiếu chiếm hơn 12.700 tỷ đồng còn lại là giao dịch trái phiếu với tổng giá trị hơn 25.000 tỷ đồng. Bản thân Công ty chứng khoán VPBank cũng thực hiện các giao dịch trong năm tổng giá trị hơn 67.640 tỷ đồng – và tất cả đều là các giao dịch trái phiếu.

Tổng giá trị cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán đạt 3.280 tỷ đồng, trong đó cho vay margin 2.850 tỷ đồng. Năm 2021 công ty không phát sinh hoạt động này.

Về tài sản, tiền và tương đương tiền đến 31/12/2022 đạt hơn 5.100 tỷ đồng (đầu kỳ 81 tỷ đồng), trong đó tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là toàn bộ hơn 5.100 tỷ đồng. Tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ FVTPL 7.452 tỷ đồng, trong đó nắm giữ hơn 7.200 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết và 225 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi.

Báo cáo tài chính cũng ghi nhận, các giao dịch trọng yếu của VPBank Securities trong năm 2022 với bên liên quan là ngân hàng mẹ VPBank rất lớn, trong đó chủ yếu là dòng tiền gửi không kỳ hạn. Số dư tiền gửi không kỳ hạn thời điểm đầu năm khi đang dưới tên Chứng khoán ASC là hơn 12,6 tỷ đồng và đến cuối năm hơn 5.100 tỷ đồng. Dòng tiền gửi không kỳ hạn luân chuyển tăng/giảm trong năm rất lớn, số tăng thêm 58.182 tỷ đồng và số giảm đi 53.082 tỷ đồng. Vì vậy lãi tiền gửi nhận về lũy kế đến cuối năm đạt khoảng 3,4 tỷ đồng, trong đó lãi tiền gửi không kỳ hạn đã gần 3,4 tỷ đồng còn lãi tiền gửi có kỳ hạn chỉ vỏn vẹn 31 triệu đồng.

Chứng khoán SSI trở thành á quân về vốn điều lệ

Năm 2022 là năm nhiều công ty chứng khoán tiến hành tăng vốn điều lệ, mở rộng quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Tính cụ thể, trong năm 2021 Chứng khoán SSI tăng vốn điều lệ từ mức 6.029 tỷ đồng lên hơn 9.800 tỷ đồng, tương ứng tăng khoảng 63%. Còn trong năm 2022 tăng tiếp lên trên 14.900 tỷ đồng, tương ứng tăng 51,4%. Trước khi Chứng khoán VPBank tăng vốn thần tốc, Chứng khoán SSI thường xuyên nắm giữ vị trí về quán quân vốn điều lệ của nhóm các công ty chứng khoán.

Không chỉ tăng vốn, tổng tài sản của Chứng khoán SSI cũng gia tăng nhanh chóng trong 3 năm gần đây từ 2020 đến 2022, đặc biệt từ các năm 2021, 2022. Nếu tổng tài sản đến cuối năm 2019 đang quanh mức 27.000 tỷ đồng thì đến hết năm 2022 đã đạt trên 52.200 tỷ đồng, tương ứng gần gấp đôi.

Quy mô tổng tài sản tăng cũng kèm theo nợ phải trả tăng. Tổng nợ phải trả đến 31/12/2022 hơn 29.800 tỷ đồng trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 27.900 tỷ đồng (giảm 3.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Trong đó có hơn 8.500 tỷ đồng vay thấu chi, còn lại là vay ngân hàng và vay khác. Chủ nợ lớn nhất của SSI đang là Vietcombank (HM:VCB) (3.950 tỷ đồng); BIDV (HM:BID) (2.800 tỷ đồng); Vietinbank (HM:CTG) (2.400 tỷ đồng) và các ngân hàng khác hơn 8.500 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, cộng doanh thu hoạt động năm 2022 đạt 6.336 tỷ đồng, giảm 14,9% so với năm 2021, trong đó lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 1.800 tỷ đồng (tăng 230 tỷ đồng so với cùng kỳ); doanh thu môi giới chứng khoán đạt 1.706 tỷ đồng (giảm 800 tỷ đồng so với cùng kỳ); lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ hơn 2.020 tỷ đồng (giảm khoảng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ)…

Lợi nhuận trước thuế đạt 2.108 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.698 tỷ đồng, giảm đến 37% so với số lãi gần 2.700 tỷ đồng đạt được năm 2021.

Ghi nhận cụ thể, tổng giá trị giao dịch trong năm của nhà đầu tư đạt 454.700 tỷ đồng, trong đó giao dịch cổ phiếu 168.748 tỷ đồng, giao dịch trái phiếu 1.773 tỷ đồng, còn lại là giao dịch chứng khoán khác 284.178 tỷ đồng. Giao dịch của bản thân công ty SSI trong năm cũng gần 49.852 tỷ đồng, trong đó giao dịch cổ phiếu 3.366 tỷ đồng; giao dịch trái phiếu hơn 19.700 tỷ đồng và giao dịch chứng khoán khác 26.782 tỷ đồng.

Về tài sản FVTPL, đến 31/12/2022 Chứng khoán SSI còn có 545 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán niêm yết, trong đó riêng khoản đầu tư vào cổ phiếu SGN (HM:SGN) có giá trị gốc hơn 407 tỷ đồng và “tạm lỗ” khoảng 36 tỷ đồng tính theo giá trị hợp lý. Danh sách chứng khoán đầu tư còn có HPG (HM:HPG), VPB và FPT (HM:FPT) cùng các cổ phiếu và chứng khoán niêm yết khác. Khoản đầu tư vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ chưa niêm yết hơn 576 tỷ đồng.

Ngoài ra tài sản tài chính FVTPL còn có khoản đầu tư trái phiếu niêm yết 792 tỷ đồng và 12.175 tỷ đồng vào trái phiếu chưa niêm yết; 16.436 tỷ đồng vào chứng chỉ tiền gửi. Trong số các tài sản tài chính này, SSI đã dùng một số cổ phiếu, chứng chỉ tiền gửi (10.980 tỷ đồng) làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay và phát hành chứng quyền của công ty.

Đến cuối năm 2022 dư cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán của khách hàng còn 11.057 tỷ đồng, giảm đến 53% so với đầu năm, trong đó cho vay margin hơn 10.871 tỷ đồng và ứng trước tiền bán chứng khoán 185 tỷ đồng.

Chứng khoán VNDirect cũng tăng vốn thần tốc trong năm 2022

Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán VND (HM:VND)) hiện tại là công ty chứng khoán thuộc TOP 3 có vốn điều lệ cao nhất nhóm với 12.178 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,217 tỷ cổ phiếu giao dịch trên sàn.

VNDirect thành lập từ tháng 11/2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Đến nay vốn điều lệ công ty tăng nhanh chóng lên trên 12.100 tỷ đồng. Những năm 2009, 2019 VnDirect từng có giai đoạn lãi trăm tỷ trước khi giảm sút những năm sau đó. Mãi đến 2015 VNDirect mới một lần nữa trở về giai đoạn lãi trên trăm tỷ đồng và gia tăng nhanh chóng cả về quy mô và lợi nhuận. Năm 2021 VnDirect bất ngờ báo lãi 2.383 tỷ đồng - số lãi kỷ lục, hơn gấp 3 lần năm 2020. Còn năm 2022 VnDirect đạt mức kỷ lục về doanh thu hoạt động với hơn 6.800 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm sút 49% so với năm 2021 về mức 1.220 tỷ đồng.

Trên thực tế, quy mô vốn, tổng tài sản cuả VNDirect cũng mới chỉ tăng mạnh mấy năm gần đây. Trước năm 2020 vốn điều lệ công ty đang ở mức 2.200 tỷ đồng, cuối năm 2021 đã tăng hơn gấp đôi lên 4.349 tỷ đồng và cuối 2022 là 12.178 tỷ đồng. Trong đó năm 2022 VNDirect cũng là một trong những công ty chứng khoán tăng vốn thần tốc, gấp 2,8 lần đầu năm.

Tăng vốn, quy mô tổng tài sản cũng gia tăng nhanh chóng , vượt 38.800 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Tuy vậy cơ cấu tổng tài sản - nợ phải trả cũng điều chỉnh theo. Tổng nợ phải trả đến 31/12/2022 hơn 24.300 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 19.300 tỷ đồng và còn có khoản vay trái phiếu dài hạn 800 tỷ đồng.

Về cơ cấu nợ vay, chủ nợ lớn nhất của VnDirect là BIDV với dư nợ 3.441 tỷ đòng; Vietcombank với dư nợ 2.399 tỷ đồng; Vietinbank với dư nợ 483 tỷ đồng; vay hợp vốn ngóm ngân hàng Taipei và Maybank hơn 2.300 tỷ đồng, và các ngân hàng, đối tác khác hơn 8.800 tỷ đồng. Tổng vay trái phiếu ngắn hạn và dài hạn đến 31/12/2022 là 1.650 tỷ đồng trong đó có 850 tỷ đồng trái phiếu phát hành ngắn hạn và 800 tỷ đồng trái phiếu phát hành dài hạn.

Về tình hình kinh doanh, VnDirect đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư, giảm hoạt động cho vay ký quỹ. Tổng dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán đến 31/12/2022 còn 9.060 tỷ đồng (giảm 6.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm).

Hoạt động đầu tư được đẩy mạnh với tổng giá trị tài sản tài chính FVTPL lại ngày 31/12/2022 đạt 18.887 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp (tăng 6.300 tỷ đồng so với đầu kỳ), 7.300 tỷ đồng vào chứng chỉ tiền gửi (tăng 1.500 tỷ đồng so với đầu kỳ). Khoản đầu tư vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đã niêm yết và chưa niêm yết hơn 1.065 tỷ đồng (giảm khoảng 400 tỷ đồng so với đầu kỳ).

Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội ( SHS (HN:SHS)) gia nhập cuộc đua tăng vốn

Nằm trong làn sóng đua tăng vốn, năm 2022 Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội cũng gia nhập đường đua, tăng vốn điều lệ từ 3.253 tỷ đồng đầu năm lên hơn 8.131 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 2,5 lần. Sau tăng vốn, SHS trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn thứ 4.

Quy mô tổng tài sản của Chứng khoán SHS cũng gia tăng, đạt xấp xỉ 10.900 tỷ đồng. Đáng chú ý, Chứng khoán SHS chú trọng giảm dư nợ. Tổng nợ phải trả đến 31/12/2022 còn 1.463 tỷ đồng, giảm gần 3.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó SHS đã thanh toán lô trái phiếu dài hạn 500 tỷ đồng, chỉ còn lại số trái phiếu ngắn hạn 660 tỷ đồng. Về vay nợ tài chính, cũng đã giảm từ 2.748 tỷ đồng đầu năm xuống còn 407 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, dù tăng vốn “khủng” nhưng kết quả kinh doanh trong năm 2022 lại giảm sút. Cộng doanh thu hoạt động cả năm đạt 1.542 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm đến 88% xuống còn hơn 162 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư trong năm đạt 273.995 tỷ đồng trong đó tập trung vào giao dịch cổ phiếu (199.884 tỷ đồng). Bản thân công ty chứng khoán cũng giao dịch hơn 41.060 tỷ đồng tập trung vào giao dịch trái phiếu (35.178 tỷ đồng).

Tài sản tài chính FVTPL tính đến 31/12/2022 đạt gần 4.100 tỷ đồng, tăng 1.900 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết hơn 2.100 tỷ đồng và đầu tư vào trái phiếu niêm yết, chưa niêm yết tổng xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Các cổ phiếu mà SHS đang đầu tư gồm EIB (HM:EIB), GEE, SAF, PMC và các cổ phiếu khác, trong đó tỷ trọng đầu tư vào EIB có giá trị mua gần 422 tỷ đồng; vào cổ phiếu GEE có giá trị mua gần 139 tỷ đồng…

Trái phiếu mà SHS đang nắm giữ có trái phiếu Ngân hàng Bắc Á (203 tỷ đồng); trái phiếu Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (HM:LPB) (200 tỷ đồng); trái phiếu Bamboo Capital (358 tỷ đồng) và các trái phiếu khác hơn 1.200 tỷ đồng.

Chứng khoán VIX (HM:VIX) tăng vốn, đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu

Cái tên chứng khoán VIX đã trở nên quen thuộc với các nhà đầu tư, quen đến nỗi nếu không nhắc, số nhà đầu tư nhớ rằng tên trước đó là Chứng khoán IB lại không nhiều. Chứng khoán VIX hiện nay tiền thân là Chứng khoán Vincom, được thành lập từ tháng 12/2007. Công ty chứng khoán này đã nhiều lần đổi tên. Trước đó năm 2011 đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành, năm 2014 đổi tên thành chứng khoán IB và hiện tại mang tên Chứng khoán VIX.

Năm 2022 Chứng khoán VIX cũng tham gia cuộc đua tăng vốn điều lệ của nhóm các công ty chứng khoán, với tỷ lệ tăng hơn gấp đôi từ mức 2.746 tỷ đồng đầu năm lên hơn 5.821 tỷ đồng.

Tăng vốn “khủng, nhưng tình hình kinh doanh của Chứng khoán VIX lại không bùng nổ theo, mà thậm chí còn giảm sút mạnh. Cộng doanh thu hoạt động cả năm đạt 1.187 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm hơn một nửa xuống còn 312 tỷ đồng.

Đáng chú ý trước đó năm 2021 Chứng khoán VIX cũng từng tiến hành tăng vốn 115% trong năm từ 1.277 tỷ đồng lên 2.746 tỷ đồng và tình hình kinh doanh khởi sắc ngay trong năm với doanh thu đạt mức kỷ lục, hơn gấp đôi năm 2021, và lợi nhuận sau thuế cũng tăng 124% lên 736 tỷ đồng - mức lãi kỷ lục.

Kết quả kinh doanh không gia tăng, nhưng Chứng khoán VIX đã hạ được dư nợ trái phiếu dài hạn (từ 500 tỷ đồng về 0) và giảm dư nợ vay tài chính ngắn hạn, trái phiếu ngắn hạn về 0.

Về tình hình đầu tư, Chứng khoán VIX đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu. Tổng giá trị tài sản tài chính FVTPL đến 31/12/2022 xấp xỉ 4.900 tỷ đồng, tăng 3.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong số đó có hơn 2.500 tỷ đồng giá trị đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, 672 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết và hơn 1.740 tỷ đồng vào trái phiếu chưa niêm yết.

Các hoạt động cho vay margin được giảm xuống. Tổng dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán đến 31/12/2022 còn gần 1.800 tỷ đồng (giảm 1.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm), trong đó dư nợ cho vay margin gần 1.700 tỷ đồng.

Các công ty chứng khoán đua tăng vốn năm 2022

Các công ty chứng khoán đang đua tăng vốn thần tốc năm 2022. Tuy vậy quán quân về tăng vốn vẫn thuộc về Chứng khoán VPBank với sự “hậu thuẫn” của công ty mẹ VPBank. Tỷ lệ tăng vốn lớn thứ 2 thuộc về VnDirect và thức 3 thuộc về Chứng khoán SHS.

]]>

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.