Investing.com -- Ông Vicente Nguyen cho rằng những hậu quả về kinh tế từ thời Covid-19 lẫn sự sụp đổ của thị trường sau nhiều scandal trong lĩnh vực tài chính như Vạn Thịnh Phát đã gây ra tâm lý e ngại trong nhiều nhà đầu tư. Rất nhiều người gần như mất tất cả hoặc nếu vẫn còn tài sản thì lại có tâm lý thận trọng, chờ đợi sự hồi phục chắc chắn hơn của nền kinh tế. Chính vì vậy, các nhà đầu tư không vội vàng xuống tiền mua bất động sản hoặc chứng khoán.
Nền kinh tế phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục mức tăng trưởng mạnh
Sơ lược về nền kinh tế hiện tại, ông Vicente Nguyen - CIO AFC Vietnam cho biết, nền kinh tế trong nước đang dần hồi phục với các tín hiệu phục hồi từ ngành xuất khẩu và du lịch. Các chính sách về đầu tư công của nhà nước cũng thúc đẩy cổ máy kinh tế, đầu tư FDI tăng ổn định với giải ngân FDI tăng đều 7-10%/năm.
Trong khi đó, thị trường BĐS vẫn tương đối ảm đạm. Giá BĐS vẫn tăng, nhưng thanh khoản vẫn chưa cao,dẫn đến “khớp lệnh” BĐS thấp. Nhìn chung, các công ty BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn và giá BĐS vẫn ngoài tầm với đối với người mua. Ông dự báo, BĐS chỉ phục hồi khi nền kinh tế cực kỳ thăng hoa, và có nhiều khả năng thị trường BĐS sẽ nóng lại vào năm 2026-2027.
Bên cạnh đó, cú sốc thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2022 vẫn khiến các NĐT vẫn lo ngại. Nhiều NĐT có khả năng mất trắng nếu giai đoạn năm 2022 bị call margin, khiến đến một lượng lớn NĐT đã rời khỏi thị trường. Những NĐT nào còn “sống sót” vẫn chịu nhiều vết thương với tâm lý dè dặt. Lợi nhuận TTCK trong nước đi ngang cũng khiến các NĐT khối ngoại chán nản, rút vốn, dẫn đến thị trường hụt thanh khoản, chưa thể bức phá mạnh.
Ngoài ra, ở Việt Nam, hơn 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ không niêm yết. Bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước cũng không niêm yết trên sàn, dẫn đến sự hồi phục về lợi nhuận của các doanh nghiệp không tác động đến TTTCK, ông Vicente nhận định.
Ngược lại, các doanh nghiệp niêm yết cũng không đại diện cho tổng thể nền kinh tế; tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết và nền kinh tế không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau, như trong giai đoạn Covid kinh tế tăng trưởng chỉ 2-3%/năm nhưng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết lại tăng bằng lần.
Những "Ông Kẹ" khiến dòng tiền thờ ơ với thị trường
Theo ông Vicente, các vấn đề vĩ mô như tình hình căng thẳng tại Trung Đông là vấn đề ngoài tầm với, ngoài dự báo. Các ước lượng và tác động về mặt ảnh hưởng của vấn đề mang tính gián tiếp. Ngoài ra, những yếu tố được tạo ra bởi vấn đề này như giá dầu tăng hay lạm phát đều là những yếu tố mà Việt Nam đã trải qua ở giai đoạn Covid. Vấn đề cốt lõi đối với NĐT vẫn là lợi nhuận doanh nghiệp, nội tại doanh nghiệp mà mình đầu tư.
Về vấn đề lãi suất, vấn đề quan trọng ảnh hưởng đáng kể đến giá trị cổ phiếu nói riêng và TTCK nói chung, ông Vicente cho rằng ngân hàng nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm xử lý khủng hoảng từ các vụ như Vạn Thịnh Phát. Việc Việt Nam lệch pha lãi suất với Fed không đáng quan ngại, do các nhà điều hành cần phải ứng xử với nội tại nền kinh tế trong nước trước khi xem xét đến ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài cũngnhư tỷ giá. Ông Vicente tin tưởng các chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp về lãi suất và tỷ giá của các nhà quản lý hiện đã và đang giúp nền kinh tế tăng trưởng cao hơn so với dự báo.
Về vấn đề nợ xấu ngân hàng, ông Vicente nhận định phần lớn nợ xấu do ảnh hưởng từ Covid và thị trường BĐS bị đóng băng. Việc NHNN ban hành Thông tư 02 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng cho thấy rủi ro nội tại vẫn còn, khiến TTCK chưa thể bức phá.
Tuy nhiên, vĩ mô trong nước cũng nhận được những tín hiệu tích cực từ việc dịch chuyển dòng vốn FDI khỏi các doanh nghiệp có nhiều biến động trên thế giới như Bangladesh, Thái Lan, Myanma....
Ông Vicente nhận xét Việt Nam là đất nước ổn định về chính trị, điều này giúp các doanh nghiệp trong nước hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu. Qua đó, ông một lần nữa nhấn mạnh việc NĐT cần quan tâm nhất là nội tại doanh nghiệp khi đầu tư, không nên quá quan trọng các vấn đề vĩ mô.
Cơ hội gì cho năm 2025?
Khi nói về triển vọng nền kinh tế Việt Nam giai đoạn sắp tới, ông Vicente cho rằng hiện Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới có nhiều bất ổn, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác.
Mặc dù vẫn có vấn đề nội tại như BĐS đóng băng, nợ xấu… vẫn có khả năng tiếp diễn, song NĐT cần nhìn nhận các vấn đề theo cách tích cực. TTCK cũng là nơi luôn tồn tại cơ hội và rủi ro song song.
Mặt khác, để thu hút lại dòng tiền, TTCK còn phải khắc phục nhiều vấn đề cho NĐT nước ngoài như khung hành lang pháp lý, ngoại hối hay room cho NĐT nước ngoài vẫn cần được cải thiện. Hơn nữa, TTCK chính là một cái “chợ”, luôn cần các sản phẩm chứng mới, số lượng cổ phiếu niêm yết cần được gia tăng, nhằm giúp “chợ” có thêm các mặt hàng mới, nhằm thu hút lại các NĐT trong nước và nước ngoài.