Investing.com -- Theo báo cáo vừa phát hành của Chứng khoán FPT, quý III/2024, nhóm ngân hàng ghi nhận hơn 56.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chiếm 45,3% tổng lợi nhuận toàn thị trường. Tuy nhiên, nợ xấu cao kỷ lục trở thành điểm nhấn đáng lo ngại.
Công ty Chứng khoán FPT (FPTS - FTS) vừa cập nhật báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 toàn thị trường với điểm nhấn đáng chú ý từ nhóm ngân hàng.
Cụ thể, 27 ngân hàng được thống kê tạo ra hơn 56.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt chiếm 93,6% nhóm tài chính và 45,3% toàn thị trường.
Tổng thu nhập hoạt động ngành tăng trưởng đều với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) xấp xỉ 10,5%/năm từ 2021 tới nay, trong đó trên 80% tới từ thu nhập lãi thuần.
Trong quý III, tổng thu nhập hoạt động ngành tăng 13% so với cùng kỳ năm trước trong đó:
- Thu nhập lãi thuần tăng 17,9%. FPTS đánh giá, hoạt động cho vay tại các ngân hàng vẫn tích cực khi biên lãi ròng (NIM) đi ngang trong năm 2024 ở mức 3,4% sau đà giảm trong 2023 (tới từ tiền gửi không kỳ hạn và giấy tờ có giá kỳ hạn ngắn tăng cao). Cùng với đó, nhu cầu tín dụng dần trở lại.
- Thu nhập ngoài lãi giảm nhẹ 3,9% so với cùng kỳ, chỉ chiếm 18,7% tổng thu nhập hoạt động.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9% từ đầu năm cho thấy nhu cầu vay vốn đã hồi phục sau sụt giảm nhẹ tháng 7 (giảm từ 6,1% xuống 5,9%). Như vậy, toàn hệ thống đã đạt 60% mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024.
Hoạt động cho vay tích cực nhờ dấu hiệu hồi phục của nhu cầu tín dụng: Ở nhóm ngân hàng niêm yết, tổng mức cho vay khách hàng tiếp tục tích cực với tăng trưởng 19,3% so với cùng kỳ. Bước sang quý IV/2024, FPTS kỳ vọng hoạt động cho vay sẽ tiếp tục tích cực nhờ: Kỳ vọng nhu cầu tín dụng tiếp tục cao khi các ngành sản xuất cũng như bất động sản đang hồi phục; lãi suất cho vay dự kiến tiếp tục được giữ ở mức thấp bởi điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Hoạt động huy động vốn khả quan với chi phí giảm: Trong quý III/2024, tổng vốn huy động tăng +16,9% so với cùng kỳ, trong đó: Tiền gửi khách hàng (chiếm hơn 75%, +14,3%); tiền gửi và cho vay của tổ chức tín dụng (chiếm 16%, +24,3%); các giấy tờ có giá (chiếm 8% và +29,6%). Ngược lại, chi phí vốn huy động (COF) cũng giảm đáng kể từ cuối 2023 xuống mức 3,9% nhờ kỳ hạn nguồn vốn nhìn chung giảm và mặt bằng lãi suất huy động thấp.
Nhóm ngân hàng quốc doanh có lợi thế ở cả tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và COF nhờ uy tín thương hiệu và quy mô lớn. Với nhóm ngân hàng thương mại, MBBank là điểm đáng chú ý với tỷ lệ CASA cao nhất toàn hệ thống ở 37,8% (và COF thấp thứ 4 toàn ngành).
- Về CASA: Có 7/27 ngân hàng cao hơn trung bình ngành với MBB cao nhất (37,8%) và BAB thấp nhất (2,6%).
- Về COF: Có 8/27 ngân hàng tốt hơn trung bình, trong đó VCB đạt mức COF thấp nhất (2,5%) và BAB cao nhất (6,7%).
Nợ xấu toàn ngành cao nhất 3 năm, riêng nợ nhóm 5 tăng 62,4%
Thời điểm cuối quý, tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng đạt mức cao nhất 3 năm với 2,24%. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 62,4% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) giảm trên toàn ngành.
Xét về định giá, Chứng khoán FPT nhấn mạnh, P/B nhóm ngân hàng không biến động nhiều trong 1 năm gần đây. Cụ thể, P/B ngành đạt 1,48x tại ngày 27/11, nhỉnh hơn trung bình 10 năm
Trong 27 ngân hàng niêm yết, có 9 ngân hàng hiện đang giao dịch với P/B dưới 1,0x bao gồm NVB, SGB, BAB, OCB, MSB, KLB, SHB, VBB, ABB và VAB.