Theo khảo sát 285 doanh nghiệp tại TP Hồ Chí MInh cho thấy 159 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm là 43.000 lao động. Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh,, Phó giám đốc Nguyễn Văn Lâm cho biết, năm 2021 có 122.700 người lao động ở TP. Hồ Chí Minh nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong 10 tháng đầu năm 2022, thành phố có 128.647 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ.
Hiện, toàn TP. Hồ Chí Minh có 248.897 doanh nghiệp đang hoạt động. Đến hết tháng 10/2022, gần 2,5 triệu lao động đang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội, tăng hơn 345.000 người so cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 100.000 người so với 6 tháng đầu năm 2022.
Tp.HCM dự kiến tuyển 43.000 lao động
Do ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở một số nước châu Âu, một số doanh nghiệp gia công giày da, may mặc xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt buộc phải sắp xếp, tổ chức lại, giảm lao động như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng (quận Bình Tân)...
Để ứng phó với khó khăn, một số doanh nghiệp đã sắp xếp lại thời giờ làm việc hợp lý với nhu cầu sản xuất (không tăng ca, cho người lao động nghỉ thêm thứ 7 hàng tuần) nhằm giữ chân người lao động, để có đủ nguồn nhân lực khi có các đơn hàng mới.
Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm là 43.000 lao động, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ, Tết”
Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động, đặc biệt các địa bàn có doanh nghiệp sắp xếp lại lao động để nhanh chóng tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và tổ chức cho người lao động gặp gỡ phỏng vấn. Thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề).
Giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp sớm ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lap động; phối hợp thực hiện chương trình chăm lo Tết cho công nhân lao động theo kế hoạch chung của Liên đoàn Lao động thành phố.
Những xu hướng của thị trường lao động trong tương lai
Nhận định về xu hướng phát triển thị trường lao động Việt Nam trong ba năm tới, các doanh nghiệp cho rằng sẽ nổi lên 4 xu hướng, bao gồm: Gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng lao động “phi chính thức” gia tăng.
Công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, ngân hàng… là những ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong khảo sát tại VBE500.
Gần 40% các doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định có kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới cho những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, và có đến hơn 35% doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục giữ ổn định số lượng nhân viên công ty thông qua việc gia tăng chính sách và phúc lợi cho người lao động.
Bên cạnh đó, khảo sát xu hướng chọn nghề nghiệp sau đại dịch của người lao động cho thấy nhóm ngành sử dụng công nghệ như: Fintech, bán hàng tiếp thị số, công nghệ thông tin và bảo mật, y tế và chăm sóc sức khỏe… chiếm tỷ trọng cao. Động thái trên cũng bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam và sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa hiện nay.