Vietstock - Nhịp đập thị trường 28/05: Mở phiên trong sắc xanh, tiếp nối đà hồi phục
Thị trường mở phiên 28/05 với diễn biến tăng điểm trên cả 3 sàn. Tính đến 9h30, lần lượt VN-Index tăng 3.93 điểm lên 1,271.02 điểm, HNX tăng 1.42 điểm lên 244.25 điểm, UPCoM tăng 0.25 điểm lên 95.12 điểm. Thanh khoản đạt 1.7 ngàn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Dù tăng điểm, nhưng giới đầu tư còn đặt thêm kỳ vọng vào sự đồng thuận của thanh khoản, đặc biệt khi VN-Index vừa hồi phục điểm số với thanh khoản thấp trong phiên 27/05, sau khi đã giảm điểm mạnh với thanh khoản cao trong phiên trước đó.
GAS (HM:GAS) hiện đang đóng góp nhiều nhất vào điểm số của VN-Index hôm nay, với 0.6 điểm tăng, xếp sau là FPT (HM:FPT), HPG (HM:HPG), VPB (HM:VPB), MBB (HM:MBB) đều quanh ngưỡng 0.2 điểm. Ngược lại, TCB (HM:TCB) đang là cổ phiếu lấy đi nhiều điểm nhất, nhưng không đáng kể, chỉ khoảng 0.1 điểm.
Theo VS-Sector, sắc xanh lan tỏa trên toàn bộ các nhóm ngành, dẫn đầu bởi sản xuất hàng gia dụng tăng 1.19%, nổi bật với TCM (HM:TCM) tăng 0.77%, MSH (HM:MSH) tăng 1.21%, TNG (HN:TNG) tăng 2.36%, STK (HM:STK) tăng 1.85%; tiện tích tăng 1.07%, với động lực từ GAS tăng 1.11%, POW (HM:POW) tăng 2.07% hay PGV (HM:PGV) tăng 1.35%. Đặc biệt, phiên hôm nay nhóm cổ phiếu họ Apec gồm APS, API, IDJ tiếp tục tăng trần.
Nhà đầu tư nước ngoài đang tạm thời bán ròng nhẹ gần 13 tỷ đồng, tập trung vào VNM (HM:VNM) gần 16 tỷ đồng, HDB (HM:HDB) hơn 11 tỷ đồng, MSN (HM:MSN) gần 7 tỷ đồng, VCB (HM:VCB) và HPG trên 6 tỷ đồng. Lực đỡ đến từ FPT đang được mua ròng gần 74 tỷ đồng, chênh lệch lớn với các cổ phiếu xếp sau.
Trước đó, động thái bán ròng cũng được khối ngoại thường xuyên duy trì suốt nhiều tháng qua. Một trong những nguyên nhân đến từ mặt bằng lãi suất của Việt Nam thấp hơn so với Mỹ, dẫn tới áp lực khá lớn về tỷ giá mà thị trường cũng đón nhận trong suốt thời gian qua. Nếu kể đến những quốc gia đầu tư chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể kể tới như Mỹ, EU, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc… Việt Nam là một trong những quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ đầu tiên trong nhóm này.
Tuy vậy, xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ sớm kết thúc trong thời gian ngắn sắp tới, khi gần đây NHNN đã có nhiều động thái để ổn định tỷ giá và nâng nền lãi suất của Việt Nam lên. Có thể kể đến việc phát hành bills để đẩy nền lãi suất liên ngân hàng, cộng kèm với nới lãi suất OMO để giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng được tăng lên cao hơn. Bên cạnh đó SBV cũng đã dứt khoát hơn trong việc bán giao ngay USD thay vì bán kỳ hạn như giai đoạn 2022 để ổn định câu chuyện tỷ giá trong ngắn hạn.
Chia sẻ với người viết, ông Trần Quốc Toàn - Giám đốc Kinh doanh Hội Sở Chứng khoán Mirae Asset nhận định, các động thái can thiệp của SBV tới hiện tại đang làm khá tốt để ổn định tỷ giá. Áp lực có thể sẽ nhẹ nhàng hơn dần vào quý 3, khi Fed có thể sẽ giảm lãi suất trong kì họp tháng 9 sắp tới. Nền lãi suất hiện tại dù đang tăng lên, tuy nhiên vẫn đang là rất thấp so với bối cảnh hiện tại. Có thể trong vài tuần tới, SBV sẽ tiếp tục tăng lãi suất OMO cộng kèm các lãi suất điều hành khác, tuy nhiên đây vẫn chỉ ngang với giai đoạn COVID-19. Việc tăng mạnh lãi suất sẽ khó có thể xảy ra bởi mục tiêu của Chính phủ trong năm nay là tập trung vào tăng trưởng kinh tế (khác giai đoạn 2022 là ổn định vĩ mô).
Huy Khải