Vietstock - Nhịp đập Thị trường 16/05/2018: Bên bán quyết liệt chốt lời
VN-Index điều chỉnh mạnh về cuối phiên khi áp lực chốt lời gia tăng. Họ dầu khí nâng đỡ thị trường.
VN-Index kết phiên giao dịch tại 1,054.62 điểm, giảm 1.76%. HNX-Index có diễn biến tương tự, chỉ số điều chỉnh mạnh 1.75% về 121.49 điểm. Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 3,830.9 tỷ đồng.
Có 03/20 nhóm ngành đi lên với độ rộng toàn thị trường ở mức yếu khi có 168 mã tăng và 291 mã giảm, hàm ý lực cung cổ phiếu trên diện rộng làm thị trường đi xuống.
Thực phẩm - đồ uống chìm trong sắc đỏ, VNM và MSN điều chỉnh. Điểm sáng trong ngành là sự tăng trưởng từ SAB, giá vượt vùng đỉnh tháng 03/2018 qua đó xác nhận khả năng giai đoạn tích lũy có thể kết thúc. Kháng cự trong thời gian tới có thể là quanh mốc 260,000 (vùng giao dịch dày đặc đầu năm 2018).
Ngân hàng có diễn biến tương tự, ba đại gia đầu ngành (VCB, BID, CTG) và các cổ phiếu nhóm dưới (VPB, ACB) đều suy yếu. Tuy nhiên, lực bán tập trung vào BID làm cổ phiếu này giảm mạnh 4%, giá thất bại khi cố vượt đường MA 100 nên hiện tượng rung lắc ngắn hạn có thể còn tiếp diễn.
Bất động sản thoái lui, các cổ phiếu trụ đều rung lắc, nhưng vẫn có những điểm sáng như: NLG đã quay về lại giá tham chiếu hay dòng tiền vẫn có xu hướng chảy vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ (FLC, TCH, HQC).
Chiều ngược lại, sắc xanh của nhóm dầu khí là sự nâng đỡ chính cho thị trường. Bốn đại gia trong ngành (GAS, PVD, PVT, PVS) đều bứt phá, qua đó tạo hiệu ứng tích cực. Hiện, giá dầu vẫn duy trì ở mức cao nên nhóm được hỗ trợ trong thời gian tới, hiện tượng rung lắc ngắn hạn có thể chỉ mang tính kỹ thuật.
14h: Sắc đỏ “lây lan”
Bên bán trở nên quyết liệt trong phiên chiều làm VN-Index bắt đầu giảm mạnh. Tài chính - ngân hàng chịu áp lực lớn.
Ngân hàng suy yếu, các đại gia trong ngành (VCB, BID, CTG) đều giảm mạnh trên 1.5%. Không những vậy, chứng khoán có diễn biến tương tự khi áp lực xuất hiện trên hai ông lớn SSI và HCM. Điểm sáng trong nhóm đền từ VND, giá đi lên sau khi chạm hỗ trợ quanh đường MA 200. Sự tăng trưởng trong phiên với VND có thể là hiện tượng phục hồi kỹ thuật do giai đoạn điều chỉnh đang được xác nhận khi nhóm MA ngắn hạn đã phá vỡ nhóm MA trung hạn.
Biến động giá của VND từ tháng 06/2017 đến nay
Bất động sản chìm trong sắc đỏ, lực bán có phần gia tăng trên các ông lớn như VIC, NVL, ROS. VIC đang gặp khó khi tiếp cận đỉnh cao lịch sử, vùng 135,000-140,000 (đỉnh tháng 04/2018), nhưng giá vẫn đóng cửa trên các nhóm MA quan trọng và tín hiệu tích cực vẫn duy trì nên giai đoạn tăng trưởng vẫn còn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư vẫn chú ý đền những cổ phiếu còn tiềm năng thuộc top dưới trong ngành như: TCH, HQC…
Chiều ngược lại, dầu khí giữ được sức nóng khi sắc xanh vẫn duy trì trên ba cổ phiếu trụ của ngành là PVD, PVS, PVT. Nhà đầu tư có dấu hiệu chốt lời với nhóm nên làm mức tăng có phần thu hẹp.
Trên sàn HNX, HNX-Index diễn biến tương tự, áp lực bán gia tăng làm chỉ số chìm dần trong sắc đỏ. Dự kiến, vùng 118-122 điểm (trendline dài hạn) sẽ là hỗ trợ tốt với chỉ số.
Phiên sáng: Giằng co quanh mốc 1,070 điểm
VN-Index chìm trong sắc đỏ và rung lắc quanh mốc 1,070 điểm. Họ dầu khí thu hút sự chú ý từ nhà đầu tư.
Kết phiên sáng, VN-Index điều chỉnh khi đóng cửa tại 1,068.02 điểm, giảm 0.51%. HNX-Index có diễn biến tương tự, chỉ số điều chỉnh 0.58% về 122.93 điểm.
Có 05/20 nhóm ngành bứt phá, độ rộng thị trường khá yếu khi có 154 mã tăng và 246 mã giảm hàm ý bên bán đang tỏ ra quyết liệt với nguồn cung trên diện rộng.
Dòng tiền có xu hướng tập trung vào dầu khí, qua đó giúp ngành tăng tốt, các ông lớn (PVD, GAS, PVT, PVS) đều có sắc xanh. PVD tăng 4.4%, giá được hỗ trợ quanh mốc 14,500. Tín hiệu phá vỡ đường MA 10 cho thấy giai đoạn điều chỉnh có thể bị đảo ngược trên PVD.
Bất động sản rung lắc, hàng loạt các cổ phiếu đầu ngành đi xuống. Tuy nhiên, nhà đầu tư chuyển sự chú ý vào các cổ phiếu thuộc nhóm dưới, có tiềm năng như: FLC, TCH, HQC… Đáng chú ý là TCH, cổ phiếu này duy trì đà tăng trong ngắn hạn. Giá vượt vùng đỉnh lịch sử năm 2016 (vùng 30,000-30,500) nên xu hướng đi lên còn tiếp tục, kháng cự trong những phiên tới có thể là quanh mốc 40,000.
Lực cầu trên nhóm vật liệu xây dựng tuy không mạnh nhưng vẫn giúp HSG phục hồi. Bên cạnh đó, HPG cũng có diễn biến tích cực hơn khi dao động quanh đường MA 100 với mức độ biến động giảm cho thấy giai đoạn tích lũy hình thành. Do đó, nếu giữ được những đường MA quan trọng thì xu hướng tăng có thể hình thành.
Chiều ngược lại, lực bán duy trì trên ngân hàng làm ngành suy yếu. Tuy nhiên, áp lực chỉ tập trung chủ yếu ở một số cổ phiếu trụ như: BID, CTG, VCB.
10h30: Dầu khí tỏa sáng
Tuy vẫn chìm trong sắc đỏ nhưng đà giảm đã bị thu hẹp đáng kể. Họ dầu khí bắt đầu bứt phá trong phiên.
Dầu khí được hỗ trợ từ đà đi lên của giá dầu thế giới nên các cổ phiếu trong ngành đều có mức tăng tốt. Bốn đại gia đầu ngành (GAS, PVD, PVT, PVS) đều duy trì sắc xanh. Lực cầu tập trung vào PVD và PVS do hai cổ phiếu này đã điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn trong thời gian trước đó.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng tại khu vực Trung Đông là động lực chính cho giá dầu thế giới. Theo đó, giá dầu WTI giao tháng 6 tăng 0.5% lên 71.31 USD/thùng, giá dầu Brent giao tháng 7 đi lên 0.3% đạt 78.43 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2014. Tuy nhiên, đà đi lên có phần chững lại trước dự báo sản lượng dầu của Mỹ tăng.
Biến động của giá dầu Brent từ đầu năm 2017 đến nay
Sản phẩm cao su bứt phá trong phiên, trụ cột của ngành là CSM đi lên. Nhóm này vẫn đóng cửa dưới các đường MA quan trọng nên hiệu tượng giằng co ngắn hạn có thể tiếp tục bất chấp đà tăng trong phiên.
Thực phẩm - đồ uống rung lắc khi sắc xanh từ VNM và SAB trung hòa tác động không tốt từ MSN. Đáng chú ý là SAB, giá đang bứt phá qua vùng đỉnh tháng 03/2018, cho thấy giai đoạn tăng trưởng có thể hình thành trở lại.
Tài chính - ngân hàng vẫn chìm trong sắc đỏ nhưng áp lực không còn quá lớn, VCB có lúc lấy lại sắc xanh. Điểm sáng trong ngành còn đến từ đà tăng của STB, giá được hỗ trợ tốt quanh mốc 12,500-13,000.
Mở cửa: Rung lắc đầu phiên
Sự điều chỉnh của chứng khoán thế giới đã tạo hiệu ứng không tích cực lên VN-Index, làm chỉ số rung lắc đầu phiên.
Chứng khoán Mỹ điều chỉnh phiên tối qua khi nhà đầu tư lo ngại về đà tăng của lạm phát, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Theo đó, Dow Jones giảm 0.78% về 24,706.41 điểm, S&P 500 đi xuống 0.68% còn 2,711.45 điểm, Nasdaq Composite điều chỉnh 0.81% xuống 7,351.63 điểm.
Biến động của Dow Jones từ đầu năm 2017 đến nay
Nguồn: tradingview.com
|
Lực bán tập trung vào nhóm ngân hàng khi các đại gia đầu ngành (VCB, CTG, BID) đều đi xuống. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất tập trung trên BID, giá gặp khó khi vượt MA 100.
Bất động sản có diễn biến tương tự, các ông lớn đều chìm trong sắc đỏ. Dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, có mức biến động lớn trong quá khứ như: FLC, TCH, HQC…
Sự tăng trưởng của một số cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 cũng tạo hiệu ứng tích cực giúp thị trường tránh được phiên giảm sâu như: VNM, BMP, GMD…
Mạnh Hiếu
FiLi