Theo Dong Hai
Investing.com – Thị trường Việt Nam thứ Sáu ngày 4/6 kết thúc tuần với các thông tin: Nhập khẩu phân bón Việt Nam tăng mạnh trong tháng 4/2021. Loạt ngân hàng chuẩn bị chia cổ tức. Cước vận tải tăng cao, doanh nghiệp thủy sản Trung Quốc phải tạm dừng sản xuất để cầm cự. Nội dung chi tiết dưới đây.
1. Nhập khẩu phân bón Việt Nam tăng mạnh trong tháng 4/2021
Theo Tổng cục Hải quan thống kê, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Indonesia trong tháng 4/2021 đạt 973,3 triệu USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của nước ta lần lượt là 328,5 triệu USD và 644,8 triệu USD. Thâm hụt thương mại hơn 316,3 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất sang thị trường Indonesia 1,3 tỷ USD và nhập về 2,3 tỷ USD. Cán cân thương mại thâm hụt 971,9 triệu USD.
Một số mặt hàng xuất khẩu chính sang Indonesia có kim ngạch giảm đáng kể so với tháng trước là: sắt thép các loại giảm 31%; hàng dệt, may giảm 10%; chất dẻo nguyên liệu giảm 24%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 13%... Trong khi đó, gạo và than các loại là hai nhóm hàng có trị giá tăng mạnh nhất, lần lượt là 187% và 133%. Nhóm hàng nhập khẩu chính của nước ta từ Indonesia, kim ngạch trên 30 triệu USD là: than các loại; dầu mỡ động thực vật; ô tô các loại; sắt thép các loại; kim loại thường khác. Phân bón các loại là mặt hàng nhập khẩu có trị giá tăng mạnh nhất, cụ thể tăng 10.308% so với tháng 3/2021.
2. Loạt ngân hàng chuẩn bị chia cổ tức
Một loạt các ngân hàng đã chuẩn bị chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu chia cổ tức trong nửa đầu tháng 6 như:
- MSB sẽ phát hành 352,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức 30% cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ lên 15.275 tỷ đồng.
- ACB (HM:ACB) đăng ký cuối cùng để trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu là ngày 11/6/2021, tỷ lệ trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu là 25%, tương đương phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu. Sau khi phát hành cổ tức, tổng vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng.
- VietBank vừa có Nghị quyết thông qua việc chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền là ngày 11/6/2021. VietBank sẽ phát hành hơn 58,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019, tương ứng tỷ lệ 14%. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VietBank sẽ tăng thêm hơn 586 tỷ đồng lên gần 4.800 tỷ đồng.
- VIB mới đây đã ra quyết định ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông VIB hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là ngày 10/06/2021. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phần hiện hữu sẽ được nhận thêm 40 cổ phần mới.
- VietinBank dự kiến sẽ phát hành hơn 1.082 triệu cổ phiếu, tương đương với 29,0695% số cổ phần đang lưu hành để trả cổ tức. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III-IV. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng.
- MB cũng dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức 35% bằng cổ phiếu trong nửa cuối năm 2021, qua đó tăng vốn từ 27.987 tỷ đồng lên 37.782 tỷ đồng.
- SHB (HN:SHB) cho biết đang hoàn thiện hồ sơ trình NHNN phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua. Trong đó chi trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10,5% bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:28.
Ngoài ra cũng có một số ngân hàng khác có kế hoạch chia cổ tức trong nửa cuối năm 2021 như: HDBank (HM:HDB) chia cổ tức tỷ lệ 25%, KienLongBank tỷ lệ chia cổ tức là 13%, NamA Bank là 10,2%, SeABank là 9,12%, BIDV (HM:BID) là 12,2%, Bac A Bank là 6,3%, Saigonbank là 5%, Vietcombank (HM:VCB) là 8% tiền mặt và 27,6% cổ phiếu, Vietinbank (HM:CTG) có thể sẽ còn chia 12,6-17,7% năm 2020 trong nửa cuối năm nay.
3. Cước vận tải tăng cao, doanh nghiệp thủy sản Trung Quốc phải tạm dừng sản xuất để cầm cự
Chi phí vận chuyển một container từ Trung Quốc đến châu Âu đã chạm ngưỡng 13.000 - 14.000 USD, trong khi cước đến Mỹ và Canada hiện dao động quanh mức 9.000 - 10.000 USD và đến Mỹ Latin khoảng 10.000 USD. Tình trạng thiếu hụt container chính là nguyên nhân hàng đầu khiến giá cước vận tải biển nhảy vọt.
Giá cước vận tải biển tăng vọt đã buộc một số nhà máy chế biến cá rô phi cỡ nhỏ ở Trung Quốc phải tạm ngừng sản xuất hoặc tạm thời đóng cửa vì chi phí chồng chất.
Hiện tại, chi phí vận chuyển một container hải sản từ Trung Quốc đến Boston hiện có giá khoảng 12.500 USD, gấp đôi con số của hai tháng trước; trong khi cước đến Chicago chạm mốc 17.000 USD so với 6.000 USD hồi tháng 3 năm nay.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc cước vận chuyển cá minh thái và một số loại hải sản khác từ Trung Quốc cũng có xu hướng tăng cao hơn trong bối cảnh chính phủ đưa ra các hạn chế nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan COVID-19 ở các cảng lớn, từ đó gây ra tình trạng thiếu container và các nhà máy phải đóng cửa sớm trước Tết Nguyên đán 2021.
Vào tháng 4, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez khiến khoảng 300 tàu bị kẹt lại và buộc hàng trăm tàu khác phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng cũng góp phần làm tăng chi phí vận tải biển.
Ngoài ra, đợt tăng mới nhất được cho là do tình trạng gián đoạn logistics quốc tế sau làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới của Ấn Độ.
Gần đây, Singapore và Fujairah - một trong 7 tiểu vương quốc hình thành nên Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã cấm các tàu đổi thuyền viên đến từ Ấn Độ. Tại Trung Quốc, cảng Zhoushan đã cấm các tàu và thủy thủ đoàn từng ghé qua Ấn Độ hoặc Bangladesh trong ba tháng qua, theo Financial Times. Do có nhiều trường hợp dương tính trong thủy thủ đoàn, khiến chính phủ các nước buộc phải ban hành các lệnh hạn chế nghiêm ngặt. Dịch bệnh lây lan trong thủy thủ đoàn sẽ gây ảnh hưởng lịch trình của các chuyến tàu biển, và có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Giá hàng hóa tiêu dùng có nguy cơ leo thang vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy.