Vietstock - Ông Nguyễn Duy Hưng: "Cổ phiếu rác tăng bất thường hay không phải để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra"
Đối với tình trạng cổ phiếu rác tăng nhiều dù nền tảng kinh doanh không tốt lên, theo ông Hưng, trong thị trường có cầu thì giá mới lên chứ bất thường hay bình thường thì không nằm ở sự hiện diện trên thị trường mà cơ quan chức năng phải xem xét có ai không công bố, đưa ra giao dịch ảnh hưởng đến giá thì mới là bất thường...
Ông Nguyễn Duy Hưng tham gia Lễ công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2021 - Ảnh: Quang Phúc. |
Nền kinh tế tăng trưởng âm trong quý 3/2021 và đặc biệt, khoảng 120.000 doanh nghiệp Việt Nam phải tạm dừng hoạt động trong năm 2021, trong đó có cả những doanh nghiệp quy mô lớn, nhưng chứng khoán Việt Nam lên đỉnh ngoạn mục về cả điểm số và thanh khoản. Dòng tiền từ nhà đầu tư nội cuồn cuộn chảy vào sàn chứng khoán, nhưng khối ngoại bán ròng kỷ lục, gần 60.000 tỷ trong 11 tháng đầu năm.
Trong năm, nhiều mã cổ phiếu ghi nhận tăng giá đến 100-400% như CMS, CEO, VTH, SDA, VKC, DZM, TC6… chỉ trong một tháng, trong khi vị thế doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh không có gì nổi trội. Chỉ số VN-Index, HNX-Index tăng mạnh, nhưng với doanh nghiệp, việc huy động vốn mới vẫn không chút dễ dàng. Mức lãi suất trái phiếu 15%, thậm chí 18% là một thực tế nhiều doanh nghiệp đã trả cho việc gọi vốn năm 2021. Bộ Tài chính đã phải nhiều lần cảnh báo, phía sau đó là những câu chuyện bất bình thường.
Vậy đâu là những điểm bình thường và đâu là những điểm bất thường trong bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021? Dư luận rất cần những lý giải ở nhiều góc cạnh, để hiểu thực tại thị trường trước khi bước vào mùa kinh doanh mới, năm 2022.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia - Ảnh: Quang Phúc. |
3 BÌNH THƯỜNG VÀ 3 BẤT THƯỜNG CỦA THỊ TRƯỜNG NĂM 2021
Phát biểu tại Lễ công bố Top 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2021 do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức chiều 28/12, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, cho hay, có điểm 3 bình thường và 3 điểm bất thường trên thị trường chứng khoán năm 2021.
Cụ thể, ba điểm bình thường gồm: Thứ nhất, chứng khoán lập nhiều kỷ lục năm 2021 trong bối cảnh nền kinh tế lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng GDP âm trong quý 3. Tuy nhiên, nên nhớ rằng thời gian qua dòng vốn rẻ nhiều, tiền rẻ trên thế giới cũng như Việt Nam. Việt Nam ta vốn rẻ từ 3 nguồn, đâu đó có phần hỗ trợ Chính phủ; tiền gửi từ ngân hàng sang chứng khoán đầu tư; lãi suất thấp toàn cầu chính vì thế cho vay kinh doanh chứng khoán, margin tăng trưởng tích cực tốt. Đó là bình thường thứ nhất, vốn rẻ.
Thứ hai, kinh tế thế giới phục hồi khả quan tăng 5,6-5,9%. Nền tảng doanh nghiệp, theo dõi số liệu về tài chính năm nay tương đối tốt, đa số lợi nhuận doanh nghiệp tăng 20-23% dẫn đến việc thị trường tăng trưởng, lợi nhuận tích cực. Hệ số PE là 17 lần chứ không phải 25-23 lần.
Thứ ba, bình thường là sức cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán nhiều. Có ba lý do: Dịch kinh doanh khó khăn nhà đầu tư cá nhân tổ chức chuyển hướng; thứ hai là giãn cách câu chuyện kinh doanh trực tuyến phổ biến; thứ ba tương quan bất động sản và chứng khoán nhiều nhà đầu tư bất động sản chốt lời tốt sang đầu tư chứng khoán đặc biệt cuối kỳ cuối năm.
Đối với ba điểm không bình thường, theo ông Lực, thứ nhất, rõ ràng thị trường tăng nóng vì so toàn cầu, năm ngoái toàn cầu GDP âm 3,1% nhưng dòng vốn rẻ nhiều lý do nữa toàn cầu chứng khoán vẫn tăng 14%. Riêng năm nay toàn cầu phục hồi tốt kinh tế tăng trưởng 5,6% nhưng chỉ số chứng khoán tăng 20% So sánh với Philipines, năm nay khả năng họ phục hồi và tăng trưởng tốt nhưng chứng khoán tăng 2% trong khi chúng ta là 35% dù kinh tế phục hồi tương tự như họ. Do đó chứng khoán có phần hơi nóng và hơi lệch pha với kinh tế thực, thậm chí cả năm nay tăng ở mức 2,2-3% nhưng chứng khoán tăng 35% rồi. Chỉ số bớt nhạy cảm hơn với tin nóng cũng đặt ra câu hỏi phải chăng sự lệch pha nóng.
Thứ hai, có hiện tượng tâm lý đám đông, nhiều doanh nghiệp tôi không nêu chính xác nhưng có một số doanh nghiệp làm ăn không tốt giá cổ phiếu lên nhanh phát hành cổ phiếu trái phiếu thành công.
Cuối cùng, tính thiếu bền vững, chỉ số chúng ta năm nay đến thời điểm hiện tại 35% tập trung 6 lĩnh vực, ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng và dịch vụ tài chính. 6 lĩnh vực này chiếm 77% vốn hoá thị trường. Nếu như một trong 6 lĩnh vực có vấn đề thị trường cũng sẽ khó khăn. "Đó là ba cái bất thường. Cơ quan quản lý nên vào cuộc kiểm soát bất bình thường tôi vừa phân tích", Tiến sĩ Cấn Văn Lực kiến nghị.
Lễ công bố Top 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2021 do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức chiều 28/12 - Ảnh: Quang Phúc.
|
BẤT THƯỜNG HAY KHÔNG PHẢI DO CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀO CUỘC
Tuy nhiên, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI (HM:SSI) Nguyễn Duy Hưng lại cho rằng, sự tăng trưởng đột biến này thực tế lại là bình thường. Ví dụ như thanh khoản tăng kỷ lục là điều mơ ước thị trường từng nghĩ đến, số lượng tài khoản mở nhiều mà 2 năm trước đây cũng không thể ngờ tới. Nhà đầu tư chuyển tiền tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán cũng là điều mà nhiều năm chúng ta mong muốn làm được nay đã thành hiện thực.
"Khi Uỷ ban Chứng khoán ra đời, hai chức năng đưa ra là xây dựng và kiểm soát thị trường. Thời gian qua xây dựng thị trường tốt rồi và 21 năm sau là hiện nay mới quay sang tập trung kiểm soát thị trường", ông Nguyễn Duy Hưng Chủ tịch SSI. |
Trước đây khối ngoại dẫn dắt thị trường mua thì cổ phiếu nào thì cổ phiếu đó tăng, bán cổ phiếu nào thì cổ phiếu đó giảm. Năm nay bất thường nhà đầu tư nước ngoài không dẫn dắt thị trường nữa họ bán thì thị trường vẫn lên và tăng trưởng.
Đối với tình trạng cổ phiếu rác tăng nhiều dù nền tảng kinh doanh không tốt lên, theo ông Hưng, trong thị trường có cầu thì giá mới lên chứ bất thường hay bình thường thì không nằm ở sự hiện diện trên thị trường mà cơ quan chức năng phải xem xét có ai không công bố, đưa ra giao dịch ảnh hưởng đến giá thì mới là bất thường.
"Có cái bất thường tôi nghĩ cần làm đó là huy động trái phiếu doanh nghiệp không kiểm soát được, có người chào bán trái phiếu trên facebook tôi nghĩ đó mới là bất thường. Tóm lại, nếu đặt câu hỏi cái gì bất thường hay bình thường tôi nghĩ cần có cơ quan đánh giá, xem cụ thể để đánh giá" ông Hưng nhấn mạnh.
Còn ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc DCVFM cho rằng, vấn đề bất thường nhất là thị trường được tăng trưởng dựa trên nhiều người là F0 mà kiến thức tài chính chưa tốt, hội chứng Fomo sợ bỏ lỡ thị trường, sợ bỏ qua sóng và lỡ cơ hội kiếm tiền. Ngoài ra, thị trường trái phiếu có giai đoạn phát triển nóng 2 năm trở lại đây.
"Theo cá nhân tôi, để thực sự đưa ra sự hiểu biết cho nhà đầu tư thị trường trái phiếu có lẽ chúng ta cần một khoảng default của một trái phiếu nào đó để mọi người nhận ra. Ở góc độ nào đó rung tiếng chuông cảnh báo toàn thị trường. Và như thế cũng sẽ tốt để chứng minh thị trường Việt Nam hoạt động bình thường chứ không phải theo kiểu ai cũng muốn phát hành trái phiếu ai cũng có thể trả nợ", ông Minh nhấn mạnh.
Kiều Linh