Vietstock - Grab lấn sang cả xe đạp
Bên cạnh ô tô và xe gắn máy, công ty cung cấp ứng dụng gọi xe này đang lấn sân sang loại hình di chuyển khác, đó là xe đạp.
Nguồn ảnh: Vulcan Post
|
Đa dạng dịch vụ
Tuần trước, Grab tuyên bố sẽ sớm giới thiệu ứng dụng chia sẻ xe đạp và xe máy điện GrabCycle. Ứng dụng này dự kiến sẽ ra mắt trong nửa đầu năm nay, đầu tiên là tại Singapore. Đây là dự án do Grab Ventures, công ty con của Grab chuyên vào việc đầu tư các dự án, thực hiện.
Từ trước đến nay, ở Singapore đã có các công ty chuyên về dịch vụ cho thuê xe đạp, xe máy điện, cả các thiết bị di chuyển cá nhân khác như ván trượt điện oBike, Gbikes, Anywheel, PopScoot. Các công ty này cũng hoạt động theo mô hình như các công ty khởi nghiệp (start-up) khác, cho thuê qua ứng dụng di động. Tuy nhiên, mỗi công ty có một ứng dụng, khách hàng đôi khi cảm thấy rối khi phải cài đặt vào điện thoại của mình quá nhiều ứng dụng.
Với GrabCycle, khách hàng dường như sẽ không còn rối nữa. Họ chỉ cần mở ứng dụng này là có thể thuê được xe từ bất kỳ công ty nào. Các công ty kia vẫn cung ứng dịch vụ cốt lõi là cho thuê xe, GrabCycle đơn giản là gom khách hàng của họ về chung một đầu mối.
Không khó để hiểu địa vị tầm cao của Grab trong làng xe cộ. Tháng 9 năm ngoái, Grab được cho là đã đầu tư một phần khá lớn vào vòng gọi vốn được 45 triệu USD của oBike. Tháng 1.2018, Grab và oBike ký thỏa thuận đối tác chiến lược, trong đó có phần kết hợp nền tảng thanh toán GrabPay vào ứng dụng oBike.
Mới chỉ thành lập vào tháng 1.2017, ứng dụng chia sẻ xe đạp oBike đã có hơn 1 triệu người dùng ở Singapore (bằng 20% dân số nước này) và đã mở rộng ra 24 quốc gia và vùng lãnh thổ ở cả châu Á lẫn châu Âu như Đức, Áo, Hà Lan, Bỉ, Ý, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Thái Lan và Hong Kong.
Ở các nước phát triển có hệ thống giao thông công cộng và hạn chế xe hơi riêng (bằng việc rất khắt khe trong phân bổ suất đăng ký xe hơi cho các hộ gia đình) như Singapore, dân chúng chủ yếu đi tàu điện ngầm và đi bộ. Có xe đạp kiểu công cộng với giá thuê rẻ thay cho đi bộ xem ra rất hấp dẫn người dân. Mặt khác, 20% số tuyến xe buýt ở Singapore có quãng đường từ 3 km trở xuống, nên người dân có thể thay xe buýt bằng xe đạp.
Grab cũng ký với công ty quản lý hòn đảo vui chơi Sentosa để triển khai 10 bãi đỗ xe GrabCycle nhằm tránh tình trạng đỗ xe bừa bãi trên hòn đảo này. Đây là tình trạng xảy ra phổ biến ở Trung Quốc, nơi có nhiều ứng dụng chia sẻ xe đạp hoạt động.
“Grab muốn làm đối tác với tất cả các công ty chia sẻ phương tiện giao thông. Với sự hợp tác này, chúng ta sẽ nghiên cứu tất cả các phương thức di chuyển của người dân, xây những đường đi xe đạp và bãi đỗ mới phù hợp với lợi ích của họ”, ông Ruben Lai, người đứng đầu Grab Ventures trả lời phỏng vấn tờ báo địa phương The Straits Times.
Mảnh đất mới, không đối thủ
Công ty này cũng vừa ký được thỏa thuận hợp tác với YCH, tập đoàn logitics, vận chuyển, kho bãi hàng đầu Singapore. Rõ ràng, đây là những bước tiến gần hơn đến tầm nhìn của Grab là trở thành nền tảng vận chuyển đa phương tiện.
Bước đi của Grab với oBike cũng như của Didi Chuxing, ứng dụng gọi xe hàng đầu ở Trung Quốc, đã sáp nhập ứng dụng chia sẻ xe đạp Ofo vào nền tảng của họ. Điều này giúp oBike cạnh tranh hơn trong bối cảnh ngay tại Singapore, oBike có dấu hiệu lép vế trước các đối thủ đến từ Trung Quốc là Ofo và Mobike.
Hiện tại, lĩnh vực cốt lõi của Grab vẫn là chia sẻ miếng bánh từ các hãng taxi, các cá nhân xe ôm truyền thống và các hãng vận chuyển hàng qua các sản phẩm GrabTaxi, GrabCar, GrabBike, GrabExpress, GrabHitch, GrabShare, GrabCoach, GrabShuttle, GrabFood, GrabNow, JustGrab.
Grab đã hiện diện ở tám nước Đông Nam Á, với 86 triệu người tải ứng dụng dùng đặt xe và 2,6 triệu lái xe hợp đồng. Tuy nhiên, Grab chưa có chỗ đứng đáng kể ở Indonesia, nước đông dân nhất khu vực, nơi có công ty địa phương Go Jek hoạt động hiệu quả.
Nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng việc mua lại hoạt động của đối thủ trong khu vực sẽ giúp Grab và Go Jek cắt dần các khoản khuyến mãi, trợ cấp, chi phí để xây dựng thói quen người dùng và thị trường. Các công ty này sẽ tập trung vào kiếm lợi nhuận hơn, có nghĩa là sẽ không còn các cuốc xe “rẻ như cho” nữa.
TRANG LÊ (Nguồn Nikkei)