Vietstock - Nước cờ vội của HOSE
Kể từ khi các thành viên thị trường được biết tới khi chính thức triển khai, việc nâng lô chẵn giao dịch chỉ kéo dài hơn 1 tháng.
* Chính thức giao dịch lô chẵn tại HOSE từ 04/01/2021
Những thông tin đầu tiên về việc nâng lô giao dịch tối thiểu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HM:HCM) (HOSE) từ 10 lên 100 cổ phiếu xuất hiện trên thị trường vào cuối tháng 11/2020. Thông tin đến từ thông báo của Sở tới các công ty chứng khoán thành viên.
Tới 16/12, HOSE công bố thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông qua phương án nâng lô giao dịch. Cũng theo kế hoạch, HOSE sẽ mở hệ thống giao dịch thử nghiệm cho các CTCK tham gia thử nghiệm từ ngày 28/12/2020.
Lưu ý rằng suốt thời gian đó, HOSE chưa hề có thông báo đại chúng nào liên quan đến việc nâng lô chẵn.
Cho đến ngày 30/12, Sở mới công bố chính thức triển khai giao dịch lô chẵn 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ kể từ ngày 04/01/2021.
Kể từ khi các thành viên thị trường được biết tới khi chính thức triển khai, việc nâng lô chẵn giao dịch chỉ kéo dài hơn 1 tháng.
Công đoạn công bố thông tin của HOSE có phần gấp gáp bởi thông tin được đưa ra vào ngày 30/12. Nếu không chuẩn bị xử lý lô lẻ từ trước mà đợi thông báo chính thức từ Sở, nhà đầu tư có 1 phiên duy nhất (31/12) để xử lý lô cổ phiếu dưới 100.
Tuy nhiên diễn biến thị trường gần đây cho thấy sự cấp thiết của phương án này. Kể từ phiên giao dịch 17/12, tình trạng “nghẽn mạng” trên sàn HOSE bắt đầu diễn ra thường xuyên. Hầu hết các phiên giao dịch gần đây, nhà đầu tư đều phản ánh về tình trạng treo lệnh giao dịch trên HOSE. Các CTCK cũng nhiều lần phải ra thông báo về việc lỗi đường truyền tới HOSE hay Sở chậm trả lệnh.
* “Nghẽn mạng” giao dịch phiên chiều và câu chuyện năng lực hệ thống
Một điểm chung của các phiên giao dịch gần đây là thanh khoản trên sàn HOSE thường dao động quanh ngưỡng 13,000 - 14,000 tỷ đồng. Trong điều kiện dòng tiền hết sức sôi động, việc thanh khoản chỉ dừng ở mức này mà không tiến tới mốc cao hơn dấy lên nghi vấn mức thanh khoản trên là giới hạn của hệ thống giao dịch tại HOSE hiện tại.
Thời gian qua nhiều công ty chứng khoán cũng sử dụng thuật toán, robot để giao dịch khiến lệnh tăng như sóng thần, HOSE cũng khó lòng kiểm soát được.
Trong trường hợp này, phương án giải quyết triệt để vấn đề này thì hệ thống phải được nâng cấp hoặc thay mới nhằm nâng cao năng lực xử lý. Tuy nhiên, lãnh đạo của Sở chia sẻ Covid-19 đã trì hoãn dự án công nghệ thông tin mới dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Theo đó, việc triển khai hệ thống giao dịch mới được đẩy sang năm sau.
Trong khi đó, việc nâng lô giao dịch sẽ làm giảm khoảng 18% lượng lệnh tới HOSE, nhờ đó giảm tải cho hệ thống của Sở.
Năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều biến động nằm ngoài dự kiến. Thị trường liên tục tăng điểm vào những tháng cuối năm với thanh khoản luôn dồi dào và có xu hướng tăng.
Trên cương vị cơ quan quản lý, HOSE có thể đã nhìn thấy trước việc năng lực của hệ thống giao dịch sắp chạm ngưỡng tối đa. Từ đó Sở đã đưa ra phương án nâng lô vào cuối tháng 11 và dự kiến áp dụng vào tháng 1/2021. Nhưng những gì diễn ra gần đây cho thấy thị trường biến động quá nhanh đã đẩy cơ quan quản lý vào thế bị động và phải đẩy nhanh tiến độ. Theo thông tin trên báo chí gần đây, việc áp dụng nâng lô vào ngày 04/01/2021 là sớm hơn 2 tuần so với kế hoạch.
Một điểm đáng nói là mọi quá trình điều chỉnh này chỉ được thực hiện giữa HOSE và các công ty chứng khoán, sau đó, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua. Không có khâu thực hiện lấy ý kiến đại chúng nhà đầu tư. Một trong những thành phần chính yếu của thị trường gần như không hề có tiếng nói đối với một thay đổi đáng kể tới hoạt động giao dịch của mình.
Ngay từ khi thông tin về việc nâng lô giao dịch được đưa ra, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã lập tức liên tiếng phản đối điều chỉnh này. Song song đó, giới nhà đầu tư cá nhân cũng không kém phần dậy sóng. Hầu hết ý kiến đều cho rằng việc nâng lô giao dịch sẽ làm hạn chế khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nhỏ lẻ với thị trường cổ phiếu. Đồng thời, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý cổ phiếu lô lẻ trong trường hợp không có giao dịch điều chỉnh trước ngày hiệu lực hoặc nhận được cổ phiếu thưởng sau này.
Với tình hình phát sinh “nghẽn mạng” hiện tại, nước đi “hi sinh” quyền tiếp cận của một số nhà đầu tư nhỏ lẻ để thị trường vận hành thông suốt có lẽ là nước cờ đầy cấp bách. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam còn tiềm năng phát triển trong tương lai, ván cờ sẽ còn kéo dài. Trong tương lai sẽ còn bao nhiều nước cờ như hiện tại?
Giờ đây, nhà đầu tư đã và đang tham gia thị trường chứng khoán mà có sở hữu dưới 100 cổ phiếu buộc sẽ phải lựa chọn: Bán hết trong phiên 31/12 hoặc mua thêm để tròn đủ lô chẵn. Hoặc không cần hành động gì, sau đó bán lại cổ phiếu lẻ cho các công ty chứng khoán, tất nhiên chấp nhận một mức giá bán có thể không tốt nhất.
Nước cờ đã đi không thể rút lại, nhà đầu tư chỉ còn cách thích ứng. Chỉ mong trong những năm tới, nhưng người ở cương vị quản lý thị trường sẽ có chiến thuật phù hợp để luôn ở thế chủ động để những nước cờ rồi sẽ bớt vội như hiện tại.
Yến Chi