Vietstock - Đề xuất giảm giờ làm cho lao động khối doanh nghiệp
Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm giờ làm việc xuống 44 giờ mỗi tuần cho khối doanh nghiệp để hạn chế sự bất bình đẳng với khối hành chính sự nghiệp.
Cho ý kiến vào dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban về các vấn đề Xã hội sáng 2/10, nhiều đại biểu "mổ xẻ" về thời gian làm việc bình thường của người lao động.
Đại biểu Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh uỷ Đăk Lăk, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lao động ở khu vực hành chính sự nghiệp hiện làm việc 40 giờ một tuần, còn khu vực doanh nghiệp là 48 giờ mỗi tuần, thể hiện sự bất bình đẳng nên ông đề nghị bổ sung nội dung này vào báo cáo trình Quốc hội.
Bí thư tỉnh uỷ Đăk Lăk, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường. Ảnh: CTV |
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị giảm giờ làm của khu vực doanh nghiệp xuống 44 giờ mỗi tuần để giảm bớt sự bất bình đẳng giữa hai khối. Khi đó, người lao động sẽ được nghỉ chiều thứ 7 và chủ nhật, tạo điều kiện cho họ chăm sóc giá đình, tái tạo sức khoẻ.
"Không để khu vực doanh nghiệp làm việc quần quật trong khi khu vực hành chính sự nghiệp nhàn nhã. Đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới, chúng ta là nước chủ nghĩa xã hội thì không có lý do gì không thực hiện tiến bộ ấy", ông Cường nói.
Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng bổ sung, có báo cáo nói 30% cán bộ công chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" nên phải loại bỏ số lao động "hưởng lương mà không làm việc" và tăng giờ làm cho đội ngũ còn lại. "Nhiều cán bộ nhàn nhã, thiếu trách nhiệm, trong khi đó chúng ta lại kéo dài thời gian làm việc của những người chân lấm, tay bùn. Quốc hội phải bênh vực người dân yếu thế", ông Nhưỡng nói.
Nhưng cũng có những ý kiến trái ngược với quan điểm này. Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Trương Anh Tuấn cho biết, khi tổ chức lấy ý kiến về đề xuất giảm giờ làm của người lao động trong các doanh nghiệp xuống còn 44 giờ, những người lao động trực tiếp lại có ý kiến hoàn toàn khác. "Họ nói, lương của chúng tôi được tính theo sản phẩm hoặc tính theo giờ lao động, nếu luật mà quy định giảm giờ làm là chúng tôi nghỉ ăn luôn", đại biểu Trương Anh Tuấn nói và cho biết thêm, đã có những công nhân xây dựng kể rằng, để đảm bảo tiến độ công trình, chủ lao động yêu cầu đi làm là họ phải đi.
"Đừng quá lạm dụng làm thêm nhưng bớt giờ làm của người lao động trong thời điểm này tôi cho rằng chưa phù hợp lắm", ông Tuấn nói.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Trương Anh Tuấn. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về thời giờ làm việc giữa khu vực hành chính với khu vực sản xuất đang không bình đẳng. Những đại biểu này đề nghị nghiên cứu quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ mỗi tuần.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề này chưa được Chính phủ trình trong hồ sơ dự án Bộ luật, Ủy ban đã đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo tổng kết thi hành việc thực hiện quy định khuyến khích áp dụng chế độ làm việc không quá 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ mỗi tuần của Bộ luật hiện hành.
Tài liệu Chính phủ gửi bổ sung cho thấy, quan điểm của Cơ quan soạn thảo cũng như giới chủ, người sử dụng lao động chưa đồng thuận về việc quy định theo hướng giảm thời giờ làm việc bình thường. Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đồng tình với việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Chính phủ đề xuất.
"Do vậy, trước mắt, xin phép Quốc hội cho giữ quy định về thời giờ làm việc bình thường như Bộ luật hiện hành", Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi nói.
Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ tiếp tục được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8, khai mạc ngày 21/10.
Hoàng Thùy