Investing.com -- Chia sẻ tại Talkshow The Investors, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital cho rằng 2,6 tỷ USD là một con số khá bất ngờ và đáng để suy nghĩ.
Theo Chủ tịch Dragon Capital, nguyên nhân có lẽ đến từ cả yếu tố nội và yếu tố ngoại. Thế giới không thiếu thách thức, thậm chí nỗi lo, mối đe doạ như các vấn đề địa chính trị ở Trung Đông, Nga – Ukraine…Thông thường, khi các nhà đầu tư nước ngoài sợ, nhận thấy rủi ro, hành động sẽ là bán và đem tiền về nước cho an toàn.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa, theo người đứng đầu Dragon Capital là bong bóng tài chính. Nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển 10 năm gần đây không ngừng in tiền, dẫn đến nợ công, nợ tư, lạm phát, giá trị tài sản, đặc biệt là chi phí sống tăng cao. Trên góc độ nhà phân tích, điều này là không hiểu nổi và nó gây ra những sự bất ngờ. Điển hình như việc đồng yên và thị trường chứng khoán Nhật Bản thay đổi rất nhanh trong thời gian ngắn vừa qua. Những yếu tố này làm cho chiến lược đầu tư của các quỹ lớn trên thế giới phải điều chỉnh.
Ông Dominic Scriven cũng chỉ ra các yếu tố trong nước cũng ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại. Hai năm gần đây, Dragon Capital phân tích 80 công ty lớn chiếm khoảng trên 80% giá trị vốn hoá thị trường, nhận thấy không có sự tăng trưởng lợi nhuận. Một thị trường không tăng trưởng lợi nhuận trong 2 năm (2022-2023), nhà đầu tư sẽ bỏ đi. Đây là một yếu tố rất lớn trong tầm nhìn của nhà đầu tư nước ngoài gần đây.
"Chúng ta ở Việt Nam suy nghĩ 24/24 đến chứng khoán Việt Nam, còn đối với nhà đầu tư nước ngoài, chứng khoán Việt Nam mới chỉ là một yếu tố, một nhân vật nhỏ trên sân khấu của họ. Mình nghe nói, một số nhà đầu tư nước ngoài đang không hiểu rõ hướng đi của Việt Nam", Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ.
Theo ông Dominic Scriven, Việt Nam nên làm tốt hơn việc truyền tải thông điệp đối với giới đầu tư nước ngoài. Với nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam là siêu sao, không ai cạnh tranh nổi. Nhiều quốc gia mơ có một sức cạnh tranh như Việt Nam. Nhưng nếu nói riêng về các nhà đầu tư tài chính, thông điệp của Việt Nam cần phải rõ ràng hơn.
Mặc dù khối ngoại bán ròng triền miên tuy nhiên nhiên một điểm tích cực dòng tiền trong nước vẫn "back up" được.
Bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch VNDirect cho rằng, thị trường không sụt giảm mạnh trước áp lực từ khối ngoại phần nào cho thấy được mức độ trưởng thành của chứng khoán Việt Nam.
"Giai đoạn khủng hoảng tiền tệ năm 2008, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán rất nhiều và khi đó tài sản lại là cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước. Đôi khi, dòng vốn nước ngoài không nói lên tất cả. Thị trường vẫn rất thú vị, lượng tiền chờ đầu tư tại các công ty chứng khoán còn rất lớn", bà Phạm Minh Hương nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, ông Dominic Scriven cho biết "các nhà đầu tư nước ngoài có thể là người sớm nhất nhưng đôi khi cũng lại là muộn nhất. Vì thế, đừng quá lo lắng".