Vietstock - Đầu tư chứng khoán: Đừng chơi theo kiểu 'đỏ đen'
Đầu tư vào bất cứ nơi đâu đều phải có chiến lược, vào chứng khoán cũng vậy. Mỗi nhà đầu tư chứng khoán đều cần tìm ra những cổ phiếu đáng tin cậy, có triển vọng rồi lập chiến lược để đầu tư.
* Nhà đầu tư cá nhân nói gì về đầu tư chứng khoán năm 2020?
* Đầu tư chứng khoán năm 2020: Còn nhiều thách thức…
* Hoa hậu Mai Phương Thúy: 'Đầu tư chứng khoán chắc chắn không nghèo'
Dưới đây là những gợi ý chiến thuật của Alvin Hall, cùng những nhận xét từ kinh nghiệm của người viết bài này. Đó là đầu tư tập trung, đa dạng hóa danh mục đầu tư, lựa chọn giữa mua và bán hay mua và giữ, rút lui một cách hợp lý và biết bình quân giá. Chúng có thể giúp xây dựng được một chiến lược đúng đắn.
Chiến thuật đầu tư tập trung sẽ đem lại thành công trong dài hạn. Ảnh minh họa: Thành Hoa |
Alvin Hall, tác giả của nhiều sách về đầu tư tài chính, trong đó có cuốn Giải thích thị trường chứng khoán, từng thực hiện chương trình hướng dẫn đầu tư chứng khoán “Tiền hay cuộc sống của bạn” của đài BBC. Còn tác giả bài báo thì từng thua lỗ kha khá với một số cổ phiếu của các công ty Việt Nam, nhưng giờ đã... có lời vì thôi chơi theo kiểu “đỏ đen”.
Cần đầu tư tập trung
Khi bắt đầu bước chân vào thị trường chứng khoán, đặt lệnh mua những cổ phiếu đầu tiên, bạn nên đặt ra một giới hạn hợp lý. Không ai có thể hiểu hết mọi chuyện trên thị trường chứng khoán vì có quá nhiều cổ phiếu. Vậy chỉ nên tập trung những ngành nghề bạn thông hiểu, thấy có tiềm năng phát triển.
Rồi tìm những công ty tốt nhất trong lĩnh vực đó, những công ty kinh doanh ổn định, có các chỉ số tài chính cơ bản tốt. Và mua cổ phiếu của những công ty đó ở mức giá vừa phải, kiên nhẫn giữ nếu chúng tiếp tục cho thấy triển vọng trong dài hạn.
Mua ít thôi. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp thường khuyên chỉ nên mua cổ phiếu của năm đến sáu công ty; càng mua nhiều càng khó theo dõi và quản lý. Sau một năm, nếu nhận thấy có công ty làm ăn không hiệu quả thì loại cổ phiếu của công ty đó ra, và mua cổ phiếu của công ty khác thế vào.
Thường thì chiến thuật đầu tư tập trung sẽ đem lại thành công trong dài hạn. Warren Buffett đã làm như thế và kiếm được hàng tỉ đô la. Nghe qua quả có vẻ khá đơn giản, nhưng để thực hiện được bạn phải có kỷ luật. Nếu đơn giản, mọi nhà đầu tư chứng khoán đều đã trở thành Buffett con hết rồi!
Đa dạng hóa danh mục
Một cách tiếp cận thị trường quen thuộc khác: đa dạng hóa danh mục đầu tư. Khi mua cổ phiếu của một công ty nào đó, có thể gặp phải hai loại rủi ro: rủi ro của bản thân công ty đó và rủi ro ngành nghề. Rủi ro công ty xuất hiện khi công ty phá sản. Rủi ro ngành nghề thì xảy ra do sự sụp đổ của một ngành công nghiệp. Đối với ngành xi măng, chẳng hạn, nếu doanh nghiệp xây quá nhiều nhà máy, xi măng sẽ dư thừa và xuống giá. Hai loại rủi ro này có thể được giảm thông qua việc đa dạng hóa.
Rủi ro sẽ được giảm thiểu, khi chọn mua cổ phiếu của những công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau - công ty này có thể đi xuống, công ty khác lại đi lên. Hiện giờ, ngành bất động sản của Việt Nam đã bớt khởi sắc; những ai chỉ mua cổ phiếu bất động sản thì đều có thể đụng phải rủi ro ngành nghề.
Cũng không nên mua cổ phiếu của những công ty cùng ngành hay ngành gần giống nhau, như phần cứng và phần mềm máy tính; bán lẻ và thời trang; bất động sản và xây dựng... Ngành này sụp đổ có thể kéo theo ngành kia đi xuống.
Mua - giữ - bán đúng lúc
Khi mua được cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng thì cứ giữ đấy, chờ cho nó đi lên. Nhưng mà vẫn phải quan sát. Đến lúc nào đó, mình sẽ phải bán nó đi.
Mua và giữ đối lập với lướt sóng - tức mua và bán liên tục. Mua và giữ được xem là chiến thuật tốt hơn nhiều so với mua bán liên tục. Trong dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ đi lên. Trên thực tế, Việt Nam, một thị trường mới nổi, luôn tăng trưởng cho dù vẫn trồi sụt như mọi thị trường chứng khoán khác.
Người lướt sóng sẽ dễ bị thua lỗ do luôn cố gắng khôn ngoan hơn thị trường, cố dự báo khi nào giá xuống thấp nhất để mua, lên cao nhất để bán. Làm sao mà khôn ngoan hơn thị trường được chứ? Giá của bất kỳ loại hàng hóa nào lên xuống đều do quyết định của hàng ngàn, hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn nhà đầu tư. Vậy nên chẳng thể nào dự đoán được cả.
Hơn nữa, khi lướt sóng, nhà đầu tư vẫn thường mắc sai lầm do theo dõi liên tục giá chứng khoán. Như thế rất dễ bị phấn khích, dễ ra những quyết định mua bán thiếu cân nhắc: sợ hãi nên bán khi thấy thị trường đi xuống; tham lam mua nhiều lúc thị trường đi lên. Xúc cảm luôn không tốt cho việc mua bán.
Hơn nữa, mỗi lần mua hay bán một cổ phiếu, đều phải trả phí giao dịch và thuế. Giữ cổ phiếu lâu dài thì sẽ giảm được những chi phí này.
Rút lui đúng thời điểm
Một điều quan trọng nữa: phải biết rút lui đúng lúc. Những năm thị trường liên tục đi xuống, nhiều nhà đầu tư lẽ ra đã không thua lỗ nhiều đến thế nếu rút bớt tiền ra sớm một chút. Nhưng sau khi giá xuống sâu, họ vẫn giữ lại số chứng khoán đã mua với hy vọng thị trường sẽ phục hồi, ít ra cũng bằng giá lúc mua. Những ai đã mua cổ phiếu HAG (HM:HAG), lúc giá cao, và cố giữ khi nó xuống giá, giờ đây đều thấm thía cả - không biết khi nào nó bằng lại được ngày xưa... Một số cổ phiếu khác cũng vậy.
Hay năm 2011 chẳng hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc. Những người vay tiền của công ty chứng khoán để mua cổ phiếu đều phải chịu cảnh trắng tay vì bị công ty chứng khoán bán cổ phiếu của họ để giải chấp.
Do đó, nên vạch sẵn kế hoạch cắt lỗ ngay từ khi bắt đầu mua cổ phiếu. Hai tiêu chí phải tuân thủ: giá cổ phiếu lên bao nhiêu thì bán, xuống bao nhiêu thì bán. Ví dụ: giá giảm hơn 8% là bán; cũng sẽ bán khi giá lên 20% hoặc 50%. Hiện nay, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều nhà đầu tư bán ngay khi lời 20%, có người chỉ chờ lên 5% cũng bán.
Chiến thuật trên liệu có đảm bảo bạn sẽ mất ít tiền hơn hay có lãi? Không hẳn vậy. Có trường hợp giá cổ phiếu xuống 10% rồi bật lên lại. Có khi giá còn lên đến 70-80%. Nếu bán cổ phiếu công ty A khi nó mới xuống có 8% hay khi mới lên 5%, bạn đã mất cơ hội kiếm lời.
Dẫu vậy, không ai có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra trên thị trường chứng khoán cả.
Mua dần, bình quân giá
Chiến thuật cuối cùng: không bao giờ mua hết tiền mà mua dần dần. Như vậy sẽ gặp ít rủi ro hơn là mua vào ngay một lần. Đây trông cũng giống như việc đa dạng hóa đầu tư.
Cứ mỗi tháng mua vào với một số tiền cố định, sẽ mua cổ phiếu được ở nhiều giá khác nhau: có lúc cao, có lúc thấp. Cộng các giá này lại và chia ra, sẽ thành giá bình quân.
Thường nên mua theo tháng hay tuần. Vào một ngày của tháng hay tuần, mình sẽ mua cổ phiếu A. Cổ phiếu đó xuống giá, sẽ mua được nhiều hơn; giá lên thì mua ít hơn.
Ví dụ: mỗi tuần đều đặn mua vào 3.000.000 đồng. Tuần đầu, mua 100 cổ phiếu giá 30.000 đồng. Đến tuần sau đó, cổ phiếu xuống còn 28.000 đồng, sẽ mua được nhiều hơn. Tuần sau nữa, cổ phiếu lên giá, mua được ít hơn. Cứ như thế, có thể đến suốt cả năm.
Cách trên thì khá an toàn, ai cũng có thể làm được. Nhưng với điều kiện phải giữ được kỷ luật và thật vững vàng, không để cho xúc cảm chi phối. Nhiều sách hướng dẫn mua bán chứng khoán đều nói đến chiến lược bình quân giá này. Thường là nên bình quân giá lên; giá xuống mà cứ tiếp tục mua thì chỉ có từ lỗ đến lỗ.
Nếu cần thêm gợi ý thì sẽ như sau: không mua bán theo “mách nước” của môi giới chứng khoán. Người viết bài này từng nghe lời một môi giới và mất tiền khá nhiều.
Cũng không ngóng tin đồn, hoặc tìm đọc bình luận, dự báo của những công ty chứng khoán hay... nhà báo. Đương nhiên, luôn phải theo dõi tin tức liên quan, nhưng không để cho chúng chi phối.
Càng không nên nghe theo lời... thầy bói, kiểu Canh Tý sẽ là năm tốt cho người cầm tinh tuổi Thìn, Tỵ và Hợi; nhưng người cầm tinh tuổi Ngọ hoặc Mùi thì nên cẩn thận.
Tôi tuổi Mùi đây, không tin đâu!
Ngọc Trân