Vietstock - Loạt tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành được đôn đốc xử lý vướng mắc
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2026. Tuy nhiên, hiện nhiều tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành lại đang chậm tiến độ.
Ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công thư giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra, đôn đốc, xử lý ngay các vướng mắc để triển khai các tuyến giao thông kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cụ thể, dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TPHCM–Long Thành: Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (UBQLVNN), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện, kịp thời báo cáo để chỉ đạo xử lý và phấn đấu hoàn thành cùng tiến độ sân bay Long Thành trước ngày 31/12/2025.
Trước đó, UBQLVNN đã đề xuất Chính phủ giao VEC đầu tư nâng cấp cao tốc Long Thành - Dầu Giây từ 4 lên 8-10 làn xe. Đoạn dự kiến triển khai dài 22 km, từ nút giao Vành đai 2 TPHCM đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Tổng mức đầu tư dự án này ước tính khoảng 14,955 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành: Bộ GTVT, UBQLVNN, VEC khẩn trương hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và tập trung tổ chức thi công, phấn đấu hoàn thành cùng tiến độ sân bay Long Thành trước ngày 31/12/2025.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, khởi công tháng 07/2014; điểm đầu ở nút giao cao tốc Trung Lương và vành đai 3 TPHCM (thuộc địa phận tỉnhLong An), điểm cuối giao quốc lộ 51 (thuộc tỉnh Đồng Nai). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 30,000 tỷ đồng.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành vào tháng 09/2025, tuy nhiên, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành lùi thời gian hoàn thành thêm 1 năm, tức sang tháng 09/2026, do còn đang vướng mắc cho gói thầu J3-1 của dự án.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu: Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương triển khai thi công, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54km được khởi công giữa tháng 06/2023, với quy mô 4-6 làn xe, có tổng mức đầu tư hơn 17,800 tỷ đồng. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản dự án thành phần 1 dài 16km, tổng mức đầu tư hơn 6,000 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài hơn 18km, tổng mức đầu tư được duyệt hơn 6,850 tỷ đồng do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản. Còn dự án thành phần 3 dài khoảng 19.5km, tổng mức đầu tư gần 5,000 tỷ đồng do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM: UBND TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An khẩn trương triển khai thi công, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài khoảng 76.34 km quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc; sơ bộ tổng mức đầu tư 75,378 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Dự án được chia thành 8 dự án thành phần bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng và 4 dự án thành phần giải phóng mặt bằng, giao UBND TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản, triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Dự án đường Vành đai 4 TPHCM: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 2/2025.
Đường vành đai 4 có quy mô là đường cao tốc với mặt cắt ngang 6-8 làn xe, chiều dài toàn tuyến là 207km, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 128,000 tỷ đồng. Theo Bộ GTVT, đường Vành đai 4 TPHCM có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có tính kết nối giao thông liên vùng rất lớn. Theo quy hoạch, đường Vành đai 4 TPHCM được đầu tư trước năm 2030.
Tổng chiều dài dự án vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài 207km đi qua TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
|
Ngoài ra, còn có các dự án đường sắt như tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, tuyến đường sắt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu: Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng trong quý 1/2025 để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025.
Tuy nhiên, hiện các tuyến giao thông phục vụ kết nối sân bay Long Thành đều tập trung vào khu vực phía Nam của sân bay này. Trong khi đó, các khu vực khác vẫn chưa có các dự án giao thông kết nối được triển khai xây dựng. Do đó, Đồng Nai đang tiến hành các thủ tục để đầu tư xây dựng tuyến đường tỉnh 769E. Đây là tuyến đường sẽ kết nối từ sây bay Long Thành đến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, hình thành tuyến kết nối mới vào khu vực phía Bắc sân bay Long Thành.
Trong tờ trình về việc thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Sở GTVT cho biết quy mô đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tuyến đường tỉnh 769E có điểm đầu giáp ranh với Sân bay Long Thành, điểm cuối tuyến giao với đường tỉnh 770B. Tổng chiều dài tuyến hơn 8km. Dự án được chia làm 2 đoạn để thực hiện đầu tư. Trong đó, đoạn 1 từ ranh giới sân bay Long Thành đến deport đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Đoạn 2 từ deport đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến đường tỉnh 770B.
Theo GTVT, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án là hơn 1.4 ngàn tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là gần 600 tỷ đồng. Dự án được triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2024-2029.
Thanh Tú