Vietstock - Nghịch lý chăn nuôi: Tăng trưởng cao, xuất khẩu èo uột, giải cứu quanh năm
Dù tăng trưởng vượt bậc về sản lượng nhưng giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp, sản phẩm chăn nuôi có lúc còn cần “giải cứu”.
Ngành chăn nuôi cần những nhà máy giết mổ, chế biến hiện đại để hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Ảnh: P.Hậu
|
Đó là vấn đề nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đặt ra tại hội nghị bàn về Chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Hà Nội ngày 15.9, có sự chủ trì của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Tồn tại nhiều nghịch lý
Thông tin tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, giai đoạn 2008 - 2018, ngành chăn nuôi đạt được nhiều thành tựu to lớn, phát triển với tốc độ cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước và tăng xuất khẩu. Trong 10 năm qua, sản lượng thịt tăng 1,5 lần, từ 3,6 triệu tấn năm 2008 lên 5,4 triệu tấn năm 2018. Sản lượng trứng tăng 2,3 lần, từ 5 tỉ quả lên 11,6 tỉ quả. Sữa tươi tăng 3,6 lần, từ 262.200 tấn lên 936.700 tấn. Thức ăn chăn nuôi tăng 2,4 lần, từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn. Chăn nuôi có một số sản phẩm xuất khẩu khẳng định được thương hiệu như: thịt heo choai, mật ong, trứng muối, thịt gia cầm, tổ yến…
Ngành nông nghiệp xuất khẩu 40 tỉ USD, sản phẩm đi 120 nước mà soi kính hiển vi không thấy ông chăn nuôi đâu, được có tí mật ong, trứng muối, heo sữa... chả có nghĩa lý gì Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Nhưng trao đổi với chúng tôi, TS Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, cho rằng thực tế những năm gần đây, chăn nuôi là ngành vẫn cần tới những cuộc giải cứu với các quy mô từ nhỏ đến lớn. Cuộc giải cứu lớn nhất, chưa từng có diễn ra gần nhất là năm 2017, khi giá thịt heo xuống thấp nhất đến mức “khủng hoảng”. Bộ NN-PTNT và khắp các địa phương tổ chức hàng loạt chương trình, hoạt động vận động, kêu gọi người dân gia tăng “ăn thịt heo”. Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ hỗ trợ bằng các gói tài chính, giãn giảm lãi suất...
Gần 2 năm sau, khi dịch tả lợn châu Phi càn quét, lại có một cuộc “khủng hoảng” tăng giá thịt heo chưa từng có trong lịch sử ngành chăn nuôi. Khi thiếu thịt heo, giá tăng cao, Bộ NN-PTNT lại tá hỏa tuyên truyền vận động người tiêu dùng tăng tiêu thụ các thực phẩm khác thịt gà, bò, hải sản… để thay thế thịt heo.
Trong ngành chăn nuôi đang tồn tại những nghịch lý: khi giá heo cao thì giá gà lại xuống thấp. Cập nhật mới nhất từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), giá gia cầm và sản phẩm gia cầm trong tháng 8 biến động trái chiều, miền Bắc, miền Trung tăng thì miền Nam lại giảm. Giá gà thịt lông màu tại miền Bắc tăng 2.000 đồng/kg so với tháng trước, lên 40.000 đồng/kg; khu vực miền Trung tăng 6.000 - 7.000 đồng/kg, lên 39.000 - 40.000 đồng/kg. Còn giá gà thịt lông màu ở miền Đông và miền Tây Nam bộ giảm 10.000 - 11.000 đồng/kg so với tháng trước, xuống còn 26.000 - 27.000 đồng/kg.
Giá trứng gà miền Bắc và miền Trung tăng 100 đồng/quả lên mức 2.100 - 2.200 đồng/quả. Giá trứng gà miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ giảm 400 - 650 đồng/quả, ở mức 1.500 - 1.650 đồng/quả. Dù tăng hơn so với thời điểm thấp nhất trong tháng 5 nhưng người chăn nuôi vẫn bị thua lỗ nặng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Cũng theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, giá gia cầm và trứng đang ở mức thấp nếu so với 5 - 10 năm trở lại đây, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 một phần nhưng phần lớn là mất cân đối cung cầu khi các trang trại nuôi heo trước đây đổ sang nuôi gia cầm.
Nguồn: Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) - Đồ họa: Hồng Sơn
|
Tiến ngoạn mục nhưng lại mất cân đối
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, không phủ nhận trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi có bước tiến ngoạn mục, tăng trưởng từ 4 - 6%/năm nhưng lại mất cân đối, thịt heo vẫn chiếm 70% trong rổ thực phẩm tiêu thụ bữa ăn hằng ngày. Điều này khiến chỉ số CPI suốt ngày chỉ lo thịt heo lên giá. VN có nhiều lợi thế chăn nuôi nhưng người dân đang phải ăn thịt bò với giá rất cao, thịt bò chỉ chiếm 8% trong cơ cấu thực phẩm.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, trong 3 khâu quan trọng của ngành chăn nuôi hiện nay: sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì hiện nay mới chỉ làm tốt sản xuất; còn lại chế biến thì lõm bõm, nhà máy chế biến hiện đại thì có nhưng chưa nhiều; tiêu thụ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống các chợ truyền thống, sản phẩm luân chuyển qua nhiều khâu trung gian. “Chăn nuôi dù có tăng trưởng, sản xuất thì tốt rồi nhưng cứ nhòe (nhiều) lên là lại phải đi giải cứu bởi vì không liên hoàn, liên kết thành chuỗi”, ông Cường nói.
Xuất khẩu èo uột, giá trị thấp
Cũng theo Bộ NN-PTNT, nhiều lĩnh vực chăn nuôi VN đang có lợi thế cao so với khu vực và thế giới. Chăn nuôi heo đang đứng thứ 5 về đầu con, đứng thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới. Năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng nhìn lại, giá trị xuất khẩu của ngành này lại thấp kém thậm chí là lép vế so với nhiều ngành hàng. Báo cáo của Bộ NN-PTNT trong năm 2019, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp cán mốc lịch sử 43 tỉ USD nhưng trong đó xuất khẩu ngành chăn nuôi, dù tăng hơn 10% so với năm 2018 cũng chỉ đạt 710 triệu USD.
Thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 26,1 tỉ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của ngành chăn nuôi chỉ đạt 250 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu so sánh, giá trị xuất khẩu ngành chăn nuôi hoàn toàn lép vế so với hàng rau quả và lúa gạo, đều đạt trên 2,1 tỉ USD; gỗ và lâm sản 7,3 tỉ USD; thủy sản 5,2 tỉ USD. Giá trị xuất khẩu toàn ngành chăn nuôi thậm chí còn thua xa so với nhóm nông sản chính như cà phê, điều đều có giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỉ USD; hạt tiêu đạt trên 400 triệu USD.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, giá trị xuất khẩu trong ngành chăn nuôi đạt thấp cũng là mặt tồn tại phải khắc phục trong chiến lược 10 năm tới đây. “Ngành nông nghiệp xuất khẩu 40 tỉ USD, sản phẩm đi 120 nước mà soi kính hiển vi không thấy ông chăn nuôi đâu, được có tí mật ong, trứng muối, heo sữa… chả có nghĩa lý gì”, ông Cường nói.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhắc lại chuyện năm 2017 cả nước phải giải cứu thịt heo dư thừa. Nhưng từ cuối năm 2019 đến nửa đầu năm nay, thịt heo thiếu hụt dẫn đến giá lên cao. Chính phủ, các bộ, ngành lại phải tìm giải pháp thậm chí kêu gọi các doanh nghiệp giảm giá thịt heo. Trong khi thịt heo thiếu thì nhiều thực phẩm khác lại dư thừa. “Ngành chăn nuôi phải khắc phục bằng được thách thức lớn nhất hiện nay là phải tính toán dự báo được cân đối cung cầu thì mới giải quyết được vấn đề về giá cả”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhưng ngành chăn nuôi vẫn là ngành khó khăn và nếu tiếp tục mở cửa thị trường thì sản phẩm chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh ngay trong thị trường trong nước. Nhưng với sức sản xuất hiện nay, doanh nghiệp đầu tư mạnh nguồn lực và công nghệ, sự phát triển về quy mô dân số, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao thì chăn nuôi vẫn là ngành có tiềm năng rất lớn để hướng đến xuất khẩu nhưng để tăng sức cạnh tranh cần đặc biệt quan tâm tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; cải thiện về chất lượng và giá; kiểm soát an toàn thực phẩm.
Phan Hậu