Vietstock - Khi phân bổ danh mục, cần nhìn vào giá trị doanh nghiệp
Đó là lời khuyên của ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) dành cho nhà đầu tư trong năm 2022.
Xung lực tăng năm 2022 sẽ không còn mạnh như trước
Trao đổi với người viết về sức hấp dẫn của thị trường trong năm 2022, ông Bùi Nguyên Khoa nhận định, kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2022 vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn. Việc có hơn 200,000 tài khoản mở mới trong tháng 11/2020 cho thấy ngày càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp phần nào sẽ ủng hộ những thị trường tài sản như chứng khoán hay bất động sản.
Mặt khác, nếu gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng được Quốc hội thông qua trong thời gian tới thì đây sẽ là sự kiện trong nước ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường trong năm 2022.
Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng xung lực tăng của thị trường 2022 sẽ không còn mạnh như giai đoạn 2020-2021 do 2 yếu tố.
Một là, sau 2 năm tăng trưởng rất mạnh, định giá của thị trường chứng khoán đang tương đối cao, định giá thời điểm hiện tại không còn hấp dẫn như giai đoạn trước đó. Thị trường hiện tại không ở mức quá đắt đỏ nhưng cũng không còn rẻ nữa.
Nếu mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp thì kênh bất động sản vẫn sẽ tiếp tục lạc quan, điều này phần nào được phản ánh qua đà tăng giá của các cổ phiếu bất động sản. Trong khi đó, ngoại tệ và vàng sẽ khá ảm đạm trong năm 2022. Còn với tiền kỹ thuật số, ông cho rằng đây là kênh có rủi ro rất cao do ở Viêt Nam chưa thực sự cho phép đầu tư tiền số hợp pháp, đầu tư vào tiền số mà không được pháp luật bảo vệ, nếu có xảy ra tranh chấp sẽ rất nguy hiểm. Ông Bùi Nguyên Khoa |
Hai là, dù được hỗ trợ từ xu hướng lãi suất thấp nhưng ảnh hưởng của xu hướng sẽ không còn mạnh như trước. Ở Việt Nam, mặt bằng lãi suất trong tương lai gần sẽ vẫn ở mức thấp, tuy nhiên, theo xu hướng chung của thế giới, lãi suất cũng đã bắt đầu tăng trở lại.
Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản có tính chọn lọc cao
Với nhận định thị trường chứng khoán vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn, ông Khoa kỳ vọng ngành chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2022 do đây là ngành gắn bó chặt chẽ với sự tăng trưởng của thị trường. Dù vậy, vị chuyên gia lưu ý rằng xung lực tăng của ngành sẽ không còn mạnh như trong năm 2021.
Ngoài ngành chứng khoán, những ngành như hàng không và giáo dục sẽ quay trở lại đà tăng. Riêng ngành hàng không, dù mở cửa lại đường bay quốc tế nhưng các hãng bay sẽ phục hồi khá chậm, thay vào đó, các công ty chuyên về dịch vụ hàng không phục hồi nhanh hơn.
Ngành điện cũng là ngành được vị chuyên gia chú ý đến do tiêu thụ điện trong năm 2022 được dự báo sẽ phục hồi trở lại sau 1 năm trì trệ.
Đối với những ngành có vốn hóa lớn như ngân hàng và bất động sản, tiềm năng vẫn còn nhưng sẽ có tính chọn lọc rất cao. Những ngân hàng đã hạch toán nợ xấu trong năm 2021 sẽ có khả năng hút dòng tiền. Còn với bất động sản, những công ty có dự án rất tiềm năng mới có thể bứt phá.
Nhà đầu tư khi phân bổ danh mục cần nhìn vào giá trị doanh nghiệp
Đối với hoạt động đầu tư, ông Khoa khuyến nghị nhà đầu tư nên nhìn sâu sắc và dài hạn về lợi nhuận của doanh nghiệp chứ không nên ưu tiên biến động thị trường. Việc thị trường điều chỉnh vài chục điểm là chuyện bình thường, nhà đầu tư cần có tâm lý vững vàng và phải hiểu công ty mình đang đầu tư.
Trong quá trình phân bổ danh mục thay vì nhìn vào vốn hóa thì nên nhìn thẳng vào cổ phiếu, nhìn vào bản thân doanh nghiệp, đây mới là điều quan trọng. Cổ phiếu Mid Cap nhưng có kết quả kinh doanh xuất sắc thì không có lý do gì lại không đầu tư. Ngược lại, những công ty có vốn hóa lớn nhưng kinh doanh nghèo nàn thì nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi quyết định đầu tư.
Gần đây, xu hướng cổ phiếu của những công ty thua lỗ liên tiếp lại tăng “nóng”, những nhà đầu tư tham gia vào xu hướng này đang đặt cược rất nhiều vào vận may của bản thân. Ông Khoa khuyên nhà đầu tư nếu coi đầu tư là một công việc nghiêm túc và dài hạn thì không nên dựa vào vận may bởi khi không gặp may, hậu quả sẽ rất lớn.
Hà Lễ