Theo Dong Hai
Investing.com – Thị trường Việt Nam có 3 tin tức mới trong phiên giao dịch hôm nay thứ Năm ngày 23/12: Lũy kế từ tháng 10 đến nay, kho bạc Nhà nước đã có 5 đợt chào mua ngoại tệ từ các ngân hàng với tổng khối lượng 1,2 tỷ USD, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ phục hồi trong năm 2022 và giá khí đốt liên tục lập đỉnh, các tàu chở khí đốt chuyển hướng tới châu Âu…, dưới đây là nội dung chính.
1. KBNN đã có 5 đợt chào mua ngoại tệ từ các ngân hàng từ tháng 10
Từ đầu tháng 12 tới nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã ra 3 lần thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại, với tổng khối lượng mua vào dự kiến là 800 triệu USD. Với loại hình giao dịch giao ngay và giá mua vào niêm yết trên ngân hàng Nhà nước là 22.650 VND/USD, lượng tiền VND (HM:VND) được bơm ra ngân hàng thương mại tương đương là 18.120 tỷ đồng.
Trước đó, KBNN đã mua vào 150 triệu USD từ các nhà băng, tương đương khoảng 3.430 tỷ đồng theo tỷ giá cùng thời điểm vào tháng 10. Đến tháng 11, cơ quan này chào mua thêm 250 triệu USD, giá trị quy đổi tương đương 5.660 tỷ đồng.
Lũy kế từ tháng 10/2021 đến nay, KBNN đã có 5 đợt chào mua ngoại tệ từ các ngân hàng với tổng khối lượng 1,2 tỷ USD. Đây là tần suất và quy mô hiếm thấy trong những năm gần đây.
Về phía ngân hàng Nhà nước, cơ quan này vẫn không thực hiện một hoạt động nào mới trên kênh thị trường mở trong suốt gần 10 tháng nay.
2. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ phục hồi trong năm 2022
Số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2021 phải ít ngày nữa mới được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố chính thức. Tuy vậy, cho tới thời điểm này, có thể khẳng định, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong thu hút đầu tư nước ngoài, bất chấp dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Trong 11 tháng, đã có 26,46 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả phần vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn một tháng cuối cùng của năm, thêm vài tỷ USD được đăng ký, số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay sẽ không hề nhỏ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư toàn cầu đã phục hồi rõ nét trong những tháng gần đây, bất chấp những khó khăn do Covid-19 mang lại. Chỉ số theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài (fDI) trong tháng 9 đứng ở mức 939 điểm (tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước). Đây là điểm số cao nhất kể từ tháng 11/2019. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tập trung vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật số, phát triển lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, lượng vốn đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch cũng đang tăng cao thay vì năng lượng tái tạo, khi giá dầu và khí đốt gia tăng.
3. Giá khí đốt liên tục lập đỉnh, các tàu chở khí đốt chuyển hướng tới châu Âu
Các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến châu Á đang thay đổi hành trình giữa đường để cung cấp hàng cho châu Âu, nơi sẵn sàng trả một khoản phí chênh lệch lớn trong bối cảnh nguồn cung khí đốt eo hẹp và giá lập đỉnh mới. Tuy nhiên, khi các kho bãi khắp khu vực này đã đầy, những lô hàng chưa cam kết đi từ Đại Tây Dương hướng đến châu Á đang được chủ tàu yêu cầu quay đầu để đến châu Âu lợi dụng lúc giá cả cao kỷ lục và nhu cầu cao. Ngày 21/12, giá khí đốt châu Âu tăng 23% lên kỷ lục mới ở 182 euro/MWh do một đường ống dẫn quan trọng từ Nga ngừng hoạt động.
Theo số liệu từ Platts, chênh lệch giá khí đốt ở châu Âu và châu Á hiện ở mức kỷ lục. Giá LNG giao ngay tới châu Âu hiện đạt gần 48,5 USD/Mmbtu, cao hơn mức 41 USD/Mmbtu ở châu Á. Trong tháng 10 và 11, giá ở châu Á trung bình cao hơn 5 USD/Mmbtu. Giá khí đốt giao ngay tại châu Âu tăng mạnh đang thúc đẩy một số biến động hiếm có trong dòng chảy hàng hóa.
Những biến động này bao gồm việc chuyển hướng các tàu LNG của Mỹ dự kiến đến châu Á sang châu Âu cũng như việc Australia thực hiện chuyến tàu LNG đầu tiên tới châu Âu trong hơn 10 năm qua. Tàu chở LNG của Mỹ, Minerva Chios, đang đi về phía đông gần Ấn Độ vào ngày 15/12 thì quay đầu và đang trên đường tới Kênh đào Suez, chuyển hàng đến châu Âu. Một tàu chở LNG thứ hai của Mỹ đã quay đầu gần eo biển Malacca vào tuần trước. Tàu thứ ba cũng dự kiến chuyển một phần lô hàng LNG của Australia tới Barcelona vào ngày 24/12 sau khi dỡ phần lớn hàng ở Trung Quốc vào đầu tháng này.
Royal Dutch Shell, công ty có thỏa thuận bao tiêu với cảng LNG Pampa Melchorita ở Peru, đã gửi hàng của Peru đến Vương quốc Anh lần đầu tiên kể từ năm 2019. Có 7 chuyến hàng như vậy của Shell đến Vương quốc Anh kể từ cuối tháng 10, với 4 chuyến hàng nữa dự kiến đến châu Âu trong những tuần tới, theo ông Froley.
Tương tự khu vực Liên minh châu Âu, giá khí đốt tại Anh tăng gần 650% kể từ đầu năm nay, khiến hơn 20 công ty năng lượng trong nước bị phá sản. Giá khí đốt tương lai tại Anh, có liên hệ với giá bán buôn, tăng 15% lên kỷ lục 429 bảng Anh cho một đơn vị nhiệt, tăng 77% trong tháng này và tương đương 320 USD/thùng dầu.