Vietstock - Góc nhìn 31/05: Thận trọng và quan sát?
Beta khuyến nghị trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên thận trọng và quan sát, giữ tâm lý bình tĩnh và không nên đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên cảm tính.
Xu hướng tăng ngắn hạn được bảo lưu
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index mở gap giảm điểm và lao dốc mạnh ngay từ đầu phiên 30/05, sau đó dần chững lại và đảo chiều hồi phục khi sang phiên chiều. Chỉ số cho phản ứng hồi phục tích cực với việc hình thành mẫu nến rút chân, bất chấp những sức ép áp đảo từ phe bán ngay từ đầu phiên.
Mặc dù rủi ro VN-Index gặp áp lực rung lắc trở lại khi tiếp cận vùng đỉnh, xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn vẫn đang được bảo lưu và chỉ số được kỳ vọng sẽ vượt mốc điểm 1,300 điểm trong những phiên tới trước khi có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh trở lại.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mở, có thể cân nhắc chốt lời 1 phần nhỏ tỷ trọng khi các mã mục tiêu vượt đỉnh và đạt lợi nhuận kỳ vọng.
Thận trọng và quan sát
CTCK Beta: Theo quan điểm kỹ thuật, xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn duy trì tích cực, tuy nhiên sau các phiên điều chỉnh gần đây, dấu hiệu xu hướng suy yếu càng gia tăng. Cùng với đó các chỉ báo MACD và cặp (DI+,DI-) đồng loạt cho thấy tín hiệu tiêu cực và rủi ro vẫn hiện hữu trên thị trường. Trong giai đoạn này, vùng 1,250-1,260 điểm vẫn đóng vai trò là mức hỗ trợ ngắn hạn quan trọng cho VN-Index, giúp duy trì xu hướng tăng nếu không bị phá vỡ.
Trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên thận trọng và quan sát, giữ tâm lý bình tĩnh và không nên đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên cảm tính. Đồng thời, nên xem xét giảm tỷ trọng các cổ phiếu có tính biến động cao và tăng tỷ trọng các cổ phiếu ít bị ảnh hưởng bởi biến động ngắn hạn, đa dạng hóa danh mục đầu tư có thể giúp hạn chế rủi ro trong giai đoạn này.
Dòng tiền có thể sẽ phân hóa mạnh khi các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm cơ hội trong các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, kinh doanh ổn định và có tiềm năng tăng trưởng sau các nhịp điều chỉnh. Ngoài ra, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ các hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài cùng với biến động của tỷ giá.
Cân nhắc hạ tỷ trọng nếu VN-Index thủng hỗ trợ 1,240-1,250 điểm
CTCK Shinhan (SSV): Trường hợp cơ sở, VN-Index tiếp tục duy trì trong biên độ 1,230-1,280 điểm với tâm lý thận trọng và giằng co của cả bên mua và bán. Trường hợp tích cực, nếu VN-Index bứt lên trên vùng 1,280-1,300 thì sẽ là tín hiệu mua tốt. Chỉ số VN-Index đang giao dịch trên EMA50 cho thấy xu hướng chính trong trung và dài hạn vẫn là xu hướng tăng giá.
Nhà đầu tư nên mua tại những vùng hỗ trợ tương ứng với vùng 1,250 của thị trường nếu thị trường tích lũy thành công. Cân nhắc hạ tỷ trọng nếu VN-Index thủng hỗ trợ 1,240-1,250 điểm.
Lực cầu gia tăng khá tốt
CTCK Sài Gòn – Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): Trong ngắn hạn, VN-Index sau khi vượt lên trên vùng kháng cự mạnh 1,250 điểm để quay trở lại kênh giá 1,250 - 1,300 điểm, lại một lần nữa chịu áp lực kiểm tra lại vùng dưới của kênh giá này. Điểm tích cực là lực cầu vẫn gia tăng khá tốt ở vùng giá 1,250 điểm khi có nhiều mã/nhóm mã phục hồi mạnh với kỳ vọng, triển vọng kết quả kinh doanh quý 2/2024 tăng trưởng.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên giữ tỷ trọng thấp và tiếp tục quan sát diễn biến thị trường tại vùng hỗ trợ trong các phiên tới. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục và nếu tỷ trọng thấp vẫn có thể tiếp tục chiến lược giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm, mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có triển vọng tích cực trong cuối năm.
Vẫn giằng co
CTCK BIDV (HM:BID) (BSC): VN-Index tiếp tục mở rộng biên độ giao dịch, vùng 1,250-1,285 điểm. Thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ kết thúc xu hướng giằng co.
Vận động trung lập trong biên độ 1,250-1,285
CTCK Asean (Aseansc): Bảo lưu quan điểm thị trường vẫn sẽ vận động trung lập trong biên độ 1,250-1,285 điểm và nhà đầu tư có thể tận dụng vùng sideway này để thực hiện chiến lược trading.
Giằng co mới trong biên 1,250-1,285
CTCK Phú Hưng (PHS): Tín hiệu xuất hiện nến rút chân khi về lại hỗ trợ 1,234-1,257. Tuy vậy nến rút chân này chưa phá qua mức low nào nên PHS chưa cân nhắc xem là rũ bỏ, mà có thể chỉ thiên về tạo vùng giằng co mới trong biên 1,250-1,285. Kỳ vọng biến động nến và khối lượng trong những phiên tới sẽ thu hẹp dần.
Áp lực điều chỉnh còn lớn
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách lại mức 1,270 điểm hoặc cao hơn là 1,285 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên Yuanta cho rằng áp lực điều chỉnh vẫn còn lớn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn tỏ ra thận trọng và dòng tiền đang phân hóa.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Yuanta nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40-45% danh mục và chưa nên mua mới trong giai đoạn này.
Khang Di