Vietstock - Góc nhìn 23/01: Tiếp tục rung lắc?
Các công ty chứng khoán (CTCK) nhận định rung lắc vẫn là xu hướng chủ động của VN-Index trong thời gian tới nhưng rủi ro ngắn hạn đang giảm dần.
Lực bán vẫn hiện hữu
CTCK Beta: Beta nhận định VN-Index duy trì xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn khi nằm dưới các đường trung bình quan trọng (trừ MA10). Ở chiều ngược lại, các chỉ báo SAR và MACD duy trì trạng thái tích cực, mở ra khả năng đảo chiều xu hướng giảm hiện tại. Dù vậy, cặp chỉ báo DI+ và DI- vẫn duy trì trạng thái tiêu cực, phản ánh lực bán vẫn hiện hữu trên thị trường.
Thị trường đang đối mặt với nhiều thách thức khi dòng tiền nội không đủ mạnh để bù đắp áp lực bán từ khối ngoại và các nhà đầu tư ngắn hạn.
Rung lắc vẫn là xu hướng chủ đạo
CTCK Asean (Aseansc): Aseansc cho rằng thị trường chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục có các phiên phục hồi trong thời gian tới, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng khi diễn biến rung lắc vẫn là xu hướng chủ đạo trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2024 (âm lịch).
Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực, sẵn sàng lượng tiền mặt để thiết lập vị thế chắc chắn khi thanh khoản thị trường đang cạn kiệt và định giá rất hấp dẫn.
Phe mua dần suy yếu
CTCK KB Việt Nam (KBSV): KBSV đánh giá VN-Index hình thành nến giảm điểm thân đặc và đóng cửa ở mốc thấp nhất phiên trong phiên 22/01. Mặc dù xuất hiện lực đỡ đan xen từ nhóm cổ phiếu trụ, phe mua dần suy yếu và nhường lại thế kiểm soát cho bên bán chủ động, tiếp tục gia tăng sức ép lên chỉ số. Với việc mặt bằng thanh khoản cho thấy sự hạn chế của dòng tiền bắt đáy và thiếu vắng nhóm cổ phiếu giữ nhịp, áp lực rung lắc sẽ còn hiện hữu trong các phiên giao dịch cận Tết sắp tới.
VN-Index đang giao dịch trong biên độ hẹp với hỗ trợ gần nhất quanh 1,240 điểm
CTCK Sài Gòn – Hà Nội ( SHS (HN:SHS)): SHS nhận định Xu hướng ngắn hạn VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh khi gặp vùng kháng cự mạnh vùng kháng cự mạnh 1,255-1,260 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023 và giá trung bình 200 phiên. VN-Index đang giao dịch trong biên độ hẹp với hỗ trợ gần nhất quanh 1,240 điểm.
Trong khi VN30 chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá trung bình 200 phiên, trường hợp VN30 không giữ được vùng hỗ trợ này, tâm lý ngắn hạn có thể trở nên tiêu cực hơn, áp lực bán gia tăng mạnh hơn. Trong xu hướng ngắn hạn của VN-Index, VN30 chỉ cải thiện khi giữ được các vùng hỗ trợ mạnh, tâm lý trên và vượt lên lại kháng cự tương ứng.
Vận động trong khoảng 1,236-1,255 điểm
CTCK Đông Á (DAS): DAS cho rằng trong những phiên giao dịch còn lại của tuần này, VN-Index có thể vận động trong khoảng 1,236-1,255 điểm trong thị trường thanh khoản thấp. Giai đoạn tiếp theo sau kỳ nghỉ Tết, thị trường sẽ chịu ảnh hưởng bởi thông tin kết quả kinh doanh quý 4/2024 của các doanh nghiệp niêm yết.
Rủi ro ngắn hạn tiếp tục giảm dần
CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN): YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ còn điều chỉnh trong phiên 23/01 và chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1,240 - 1,245 điểm. Chỉ số VNMidcaps có diễn biến tích cực với thanh khoản cao cho thấy dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu Mid Caps.
Đồng thời, thị trường đang ở giai đoạn điều chỉnh sau chuỗi tăng trước đó và YSVN vẫn đánh giá rủi ro ngắn hạn tiếp tục giảm dần. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy cơ hội mua mới tiếp tục gia tăng.
* Tiếp tục cập nhật…
Bài cập nhật
Thượng Ngọc