Vietstock - Fed nâng lãi suất và động thái ngược chiều từ Việt Nam
Các chuyên gia cho rằng việc Fed nâng lãi suất vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến chính sách tiền tệ của Việt Nam và thậm chí trong thời gian tới NHNN có thể giảm tiếp lãi suất.
* Fed nâng lãi suất lên cao nhất trong 22 năm
Tại cuộc họp gần nhất, đúng như dự báo trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 5.25%-5.5%, đây cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm 2001.
Đa phần các chuyên gia đều nhận định việc Fed nâng lãi suất sẽ không gây ra tác động nhiều đến chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Việt Nam có thể đón thêm đợt giảm lãi suất nữa
Trước động thái này, PGS (HN:PGS).TS. Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng việc Fed nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vừa qua không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam. Thực ra, việc Fed nâng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản vào tháng 7 là điều đã được dự báo từ trước đó. Các nhà kinh tế trên thế giới cũng như Việt Nam cũng đã có dự báo và theo dõi, xem xét tương đối chặt chẽ động thái này.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính
|
Về lý thuyết, khi Fed tăng lãi suất, đồng USD sẽ lên giá so với các đồng tiền khác, và khi USD lên giá trong khi lạm phát vẫn cao, cho nên sản xuất trì trệ.
Trên thực tế, giá USD đã đứng lại và xuống giá trong khoảng tháng 4-5 vừa rồi, cho nên đồng USD đang ổn định và mất giá, dù Fed có tăng 25 hay 50 điểm cơ bản cũng không gây ra tác động đáng kể.
“Sau việc Fed tăng lãi suất, chỉ số USD-Index cũng có thể tăng lên một chút, nhưng sau đó sẽ ổn định và thậm chí lại giảm xuống. Vì thế cho nên chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn ổn định, đó là ổn định tỷ giá đồng VND (HM:VND) so với đồng USD. Rõ ràng tỷ giá VND/USD sẽ ổn định và mức tỷ giá như thế có nghĩa là chính sách lãi suất nếu tiếp tục giảm, chính sách điều hành tỷ gía hối đoái cũng như chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế vẫn sẽ ổn, không có gì thay đổi”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia chia sẻ thêm việc Fed nâng lãi suất đã nằm trong dự báo mà Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị, mức tăng nhẹ này đã được tính toán và có chuẩn bị trước, do đó chính sách tiền tệ của Việt Nam không có thay đổi.
Trước thông tin Fed dự báo từ nay đến cuối năm có thể tăng thêm từ 25-50 điểm cơ bản cũng không ảnh hưởng nhiều đến chính sách của Việt Nam. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng kể cả khi chính sách Việt Nam có thể tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới cũng không có gì mâu thuẫn với hành động của Fed.
Vì bản chất lạm phát của Mỹ đang cao, trong khi lạm phát Việt nam chỉ khoảng 2-3%, rõ ràng chính sách tài chính tiền tệ của Việt Nam phải phù hợp với lạm phát thấp của Việt Nam, cho nên hạ giá VND là đương nhiên.
Ông Thịnh kỳ vọng đến cuối năm 2023, tỷ giá và lãi suất sẽ đưa về mức trước dịch COVID-19, thì mới có thể thúc đẩy được quá trình hồi phục nền kinh tế. Đương nhiên, NHNN điều hành thực tiễn cần phải cân nhắc nhiều thông tin khác nhau cả trong và ngoài nước, để có điều chỉnh hợp lý.
“Tôi cho rằng giảm lãi suất là điều cần thiết, và từ đầu năm đến nay đã có 4 lần giảm lãi suất, trong thời gian tới có thể giảm tiếp đợt lãi suất nữa”, ông Thịnh nói thêm.
Xu hướng giảm lãi suất gần như là chắc chắn
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học Viện Tài chính nhận định việc Fed tăng lãi suất không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam, nếu có cũng không quá lớn. Thực ra lãi suất USD tăng cũng gây sức ép lên tỷ giá nhưng không nhiều. Việc Fed tăng lãi suất đã ở giai đoạn cuối rồi nên đồng USD trên thị trường thế giới cũng khó tăng mạnh lại.
Thứ hai, Việt Nam là nước xuất siêu khá lớn, cho nên trước các chính sách hiện tại, tỷ giá Việt Nam sẽ không biến động nhiều.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính
|
Kể cả việc Việt Nam đang trong xu thế tiếp tục giảm lãi suất và lạm phát hiện đang giảm mạnh khi nền kinh tế suy yếu thì nhu cầu giảm lãi suất vẫn cần thiết.
Trước áp lực lạm phát hiện không lớn, thậm chí đang ở mức thấp, thì việc chính sách tiền tệ Việt Nam đi ngược chiều dù có khó khăn nhất định nhưng có thể khắc phục được. Nhìn chung, trong thời gian tới lạm phát cơ bản sẽ giảm, điều kiện hạ lãi suất sẽ thuận lợi hơn.
Chia sẻ thêm về tình hình giảm lãi suất, TS. Nguyễn Đức Độ cho biết khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm theo, nhưng cần có độ trễ. Khi các ngân hàng không cho vay được nhiều thì họ sẽ cạnh tranh nhau trong lãi suất. Thanh khoản ngân hàng hiện tại cũng tương đối thừa, nên xu hướng giảm lãi suất gần như là chắc chắn, có điều tốc độ giảm đến mức nào. Nếu như NHNN có những tác động về chính sách thì việc giảm lãi suất sẽ nhanh hơn.
Cát Lam