Vietstock - Dư vị cổ phiếu bảo hiểm 2024
Nếu như năm 2023, cổ phiếu bảo hiểm phi nhân thọ khiến nhà đầu tư nếm trải không ít “trái đắng”, thì câu chuyện 2024 bước sang một trang mới.
Vượt chông gai!
Áp lực từ lãi suất cao kéo dài để kìm chế lạm phát và bất ổn địa chính trị leo thang tác động lớn đến giá cả hàng hóa đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái trì trệ trong năm 2023. Đứng trước tình thế đó, năm 2024 các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã xoay trục chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, mở ra chu kỳ cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nhờ chi phí vốn giảm bớt, đầu tư và tiêu dùng được thúc đẩy, nhu cầu ở các nước đối tác lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu bắt đầu “ấm” dần, tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, từ đó lan tỏa sang hoạt động sản xuất trong nước.
Các doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu gia tăng mua những gói bảo hiểm về sức khỏe và tài sản khi hoạt động kinh tế dần phục hồi cùng yếu tố bất ngờ như cơn bão Yagi.
Đặc biệt, khuôn khổ pháp lý mới cơ bản đã được hoàn thiện, kết hợp với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, ổn định và bền vững của thị trường bảo hiểm. Trong bối cảnh đó, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường khả năng tư vấn để giúp khách hàng có thể tiếp cận thông tin, so sánh sản phẩm dễ dàng hơn.
Với nhu cầu bảo hiểm đi lên cùng việc dần lấy lại được niềm tin của khách hàng thông qua nâng cao chất lượng sản phẩm là những yếu tố quan trọng đưa doanh thu phí bảo hiểm và lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vượt qua giai đoạn khó khăn, tăng trưởng trở lại.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 78.3 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2023. Nhờ đó phản ánh tích cực lên giá cổ phiếu và thanh khoản với chỉ số ngành bảo hiểm tăng 32.5% so với cuối năm 2023 (theo thống kê từ dữ liệu VietstockFinance).
Diễn biến chỉ số ngành bảo hiểm năm 2024
Nguồn: VietstockFinance
|
Bất ngờ hơn đó chính là năm 2024 cũng đánh dấu bước ngoặt “thăng hoa” của cổ phiếu bảo hiểm khi không chỉ có hiệu suất chiến thắng VN-Index mà còn đánh bại cổ phiếu “bank, chứng” (chỉ số ngành ngân hàng tăng gần 23% và chỉ số ngành chứng khoán chỉ tăng hơn 3%) - vốn là cổ phiếu ngành tài chính nhận được sự “ưu ái” của nhà đầu tư bấy lâu nay.
Niềm vui không dành cho tất cả
Diễn biến giá cổ phiếu bảo hiểm phi nhân thọ năm 2024
Nguồn: VietstockFinance
|
Mặc dù được hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế chung, sự cạnh tranh khốc liệt giành thị phần của ngành bảo hiểm phi nhân thọ vẫn luôn tồn tại, khiến đường đi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm lệch pha nhau. Phần thắng thuộc về “kẻ mạnh nhất” trong cuộc đua tăng trưởng doanh thu bảo hiểm là ông lớn PVI (HN:PVI) và BIC (HM:BIC) (9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm của BIC tăng 19% và PVI tăng 13% - mức tăng cao hơn so với bình quân ngành).
Nguồn: VietstockFinance
|
Với mức tăng 45% và 41%, cổ phiếu PVI và BIC là 2 ngôi “sao sáng” có thị giá tăng mạnh nhất ngành bảo hiểm trong năm qua. Qua đó, đưa vốn hóa tăng tương ứng, lần lượt lên 14,289 tỷ đồng và 3,970 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Ngược lại, những cổ phiếu bảo hiểm có vốn hóa đi xuống do thị giá giảm mạnh có thể kể đến như: BHI (giảm 43%), AIC (giảm 25%) và BLI (giảm 11%).
Thanh khoản dâng cao
Sau 1 năm bị nhà đầu tư “ngó lơ”, dòng tiền đã quay trở lại với cổ phiếu bảo hiểm khi thanh khoản bình quân tăng thêm gần 852 ngàn cp/ngày, tương ứng với tỷ lệ tăng 60% so với năm 2023, lên gần 2.3 triệu cp/ngày. Giá trị giao dịch cũng tăng 43%, đạt gần 66 tỷ đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
BHI (gấp 761 lần), AIC (gấp 62 lần), BLI (gấp 4.2 lần), PRE (gấp 2.5 lần), ABI (gấp 2.4 lần) và PVI (gấp 2.1 lần) là 6 mã có thanh khoản tăng bằng lần giúp thanh khoản toàn ngành tăng vọt trong năm qua.
Khối ngoại mua ròng gần 2,800 tỷ đồng cổ phiếu bảo hiểm
Năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài “mua nhiều hơn bán” cổ phiếu bảo hiểm phi nhân thọ với khối lượng mua ròng gần 148 triệu cp, giá trị đạt 2,762 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong đó, BHI và AIC được nhà đầu tư nước ngoài “rót” tiền mạnh nhất, khối lượng mua ròng cùng xấp xỉ 75 triệu cp, giá trị mua ròng lần lượt 1,628 tỷ đồng và 1,263 tỷ đồng.
Còn nhớ giữa tháng 2/2024, Công ty bảo hiểm phi nhân thọ đến từ Hàn Quốc - DB Insuarance thông báo chính thức về việc mua thỏa thuận 75 triệu cp BHI. Cuối tháng 1/2024, công ty bảo hiểm Hàn Quốc này cũng đã mua 75% cổ phần AIC.
Sở dĩ nhà đầu tư ngoại “thâu tóm” BHI và AIC là vì 2 công ty này chủ yếu bán bảo hiểm xe máy và ô tô. Được kỳ vọng sẽ là hậu thuẫn giúp DB Insuarance gia tăng thị phần trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam.
Ngược lại, PVI, BMI (HM:BMI), MIG (HM:MIG) là các cổ phiếu bị khối ròng bán mạnh, giá trị lần lượt 222 tỷ đồng, 41 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.
Triển vọng tiếp tục khả quan?
Là ngành phụ thuộc lớn vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng nên khi kinh tế tăng trưởng sẽ thúc đẩy doanh thu của bảo hiểm phi nhân thọ.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), việc Trump quay trở lại Nhà trắng lần thứ 2 sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến nền kinh tế Việt Nam năm 2025. Tuy nhiên, PHS kỳ vọng với những định hướng của Chính phủ về các mục tiêu tăng trưởng mới (lần đầu tiên Chính phủ mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng lên đến 8%), đầu tư công và các đại dự án trong tương lai với vốn đầu tư lớn từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới.
Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cũng cho rằng, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2025 sẽ tích cực với tăng trưởng GDP quanh mức 7.2%, được hỗ trợ bởi đầu tư công triển khai mạnh mẽ; các ngành hàng xuất khẩu hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế tại Mỹ và châu Âu và sự căng thẳng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; sức tiêu dùng của người dân hồi phục mạnh hơn năm 2024…
Khang Di