Vietstock - Doanh nghiệp SPE phát hành trái phiếu ngày càng tăng
Doanh nghiệp SPE đặc biệt phổ biến trong nhóm bất động sản khi phát hành trái phiếu. Điểm chung là không hoạt động thật để trả nợ khoản vay trái phiếu. 1/3 doanh nghiệp nhóm này không có trang thông tin điện tử, thể hiện sự thiếu minh bạch; trong khi đó, bên mua lại trái phiếu chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Đó là chia sẻ của ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc VIS Rating. Dễ hình dung hơn, từ mặt khái niệm, SPE là viết tắt của cụm từ special purpose entities, nhằm phân loại những doanh nghiệp thành lập chỉ với mục đích đặc biệt, thông thường là huy động vốn, không có dòng tiền đáng kể từ hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ ở mức rất yếu. Hiểu nôm na là doanh nghiệp “vỏ bọc”.
Loạt trái phiếu của các SPE sắp đáo hạn
Theo dữ liệu từ VIS Rating, tháng 6/2024 chứng kiến 41 mã trái phiếu thuộc 34 tổ chức phát hành trị giá hơn 23 ngàn tỷ đồng sẽ đáo hạn. Trong đó, khoảng 6.9 ngàn tỷ đồng (tỷ lệ 30%) có rủi ro cao, tương ứng có nguy cơ chậm trả nợ gốc, lãi. Xét theo nhóm ngành, lĩnh vực bất động sản dân cư chiếm đến 77% giá trị trái phiếu rủi ro cao; kế đến là du lịch, nghỉ dưỡng chiếm 7%; còn lại 16% thuộc các ngành khác.
Đáng chú ý, có 6 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Cát Liên Hoa, CTCP Hưng Thịnh Land, CTCP Tập đoàn Địa ốc Hoàng Cát, Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh, CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản HTL Việt Nam và CTCP Mua bán nợ Thuận Minh được VIS Rating xác định thuộc nhóm SPE. Các doanh nghiệp này đều gặp trình trạng chậm trả gốc, lãi trong năm 2023, trừ HTL Việt Nam.
Trái phiếu có rủi ro cao trong tháng 6/2024 theo nhóm ngành và theo loại hình doanh nghiệp
Nguồn: VIS Rating
|
Danh sách trái phiếu của các doanh nghiệp SPE đáo hạn trong tháng 6/2024
* Cập nhật đến báo cáo tình hình tài chính bán niên 2023
Nguồn: VIS Rating, người viết tổng hợp
|
Trong đó, 300 tỷ đồng trái phiếu mã HCGCH2124001 của CTCP Tập đoàn Địa ốc Hoàng Cát đã không thể tất toán theo đúng kế hoạch vào ngày 14/06/2024. Trong ngày đáo hạn, Công ty lại thông báo chậm trả 300 tỷ đồng tiền gốc và hơn 33 tỷ đồng tiền lãi, đồng thời cho biết đang đàm phán với trái chủ và hiện vẫn chưa có thông báo mới.
Được biết, số tiền thu về từ phát hành trái phiếu được Hoàng Cát dùng để mua lại phần vốn góp của các thành viên trong Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh BĐS Hoàng Gia Phú (vốn điều lệ 410 tỷ đồng).
Chứng khoán VNDirect (VND (HM:VND)) là tổ chức tư vấn hồ sơ phát hành. VPBank (HM:VPB) là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo, bao gồm nhiều quyền sở hữu đất tại xã An Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương; quyền tài sản về khai thác, quản lý phát sinh giữa nhiều cá nhân. Lô trái phiếu trên có duy nhất nhà đầu tư mua là một tổ chức tín dụng.
Tình hình kinh doanh của Hoàng Cát không khả quan khi chịu lỗ sau thuế hơn 62 tỷ đồng trong năm 2023, lớn hơn khoản lỗ gần 48 tỷ đồng của năm 2022. Do thua lỗ, vốn chủ sở hữu cuối năm 2023 của Công ty giảm tương ứng về còn 430 tỷ đồng, đẩy hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lên hơn 1.4 lần.
* Tập đoàn Địa ốc Hoàng Cát tiếp tục lỗ 48 tỷ đồng
Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Cát Liên Hoa cũng phát sinh chậm tất toán trái phiếu CLHCH2124002, bao gồm 310 tỷ đồng tiền gốc và gần 9 tỷ đồng tiền lãi. Theo thông báo của Cát Liên Hoa gửi HNX vào ngày 05/06, Công ty cho biết đang đàm phán với trái chủ để gia hạn thanh toán phần gốc, còn phần lãi do chưa thu xếp kịp nguồn và cho biết sẽ thanh toán vào ngày 01/07.
Theo tìm hiểu, mục đích phát hành trái phiếu là nhận chuyển nhượng 99.99% vốn Công ty TNHH Khu Đô thị Phước Thiền; quyền sử dụng đất, quyền tài sản liên quan đến dự án khu dân cư tại xã Phước Thiền và một số tài sản khác.
Cũng trong thông báo nêu trên, Cát Liên Hoa còn cho biết không thể trả đúng hạn tiền lãi tại hai trái phiếu khác, bao gồm CLHCH2126001 hơn 9 tỷ đồng và CLHCH2125003 hơn 8 tỷ đồng, cũng với lý do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.
Như vậy, Cát Liên Hoa vẫn còn 4 trái phiếu cần thanh toán trong tương lai, tổng trị giá 951 tỷ đồng. Năm 2023, Cát Liên Hoa từng chậm thanh toán gốc, lãi cho nhiều trái phiếu.
Cát Liên Hoa hiện chỉ mới công bố dữ liệu tài chính bán niên 2023, kết quả lỗ hơn 75 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 lỗ hơn 61 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cũng ở mức rất cao, đến 6.6 lần, riêng trái phiếu gấp 5.6 lần vốn chủ sở hữu.
Cát Liên Hoa được biết đến là doanh nghiệp có liên quan đến Novaland (HM:NVL), thành lập vào ngày 8/1/2020 với tên Công ty TNHH Địa ốc Nova. Vốn điều lệ ban đầu 100 triệu đồng. Tháng 3/2021, Doanh nghiệp đổi tên như hiện nay, đồng thời nâng vốn điều lệ lên 359 tỷ đồng, do bà Võ Thị Kim Khoa sở hữu 99.99% và giữ chức Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty. Cuối năm 2021, Công ty tăng vốn lên 500 tỷ đồng. Tháng 6/2022, CTCP Đầu tư Nova SQN thay thế bà Khoa nắm 99.99% vốn. Đồng thời, bà Cao Ngọc Kiều Trinh giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty.
Bà Khoa hiện còn đứng tên và nắm 99.98% vốn Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh (vốn điều lệ 350 tỷ đồng) - doanh nghiệp cũng thuộc loại SPE và có trái phiếu đáo hạn trong tháng 6 như đã nêu trên.
Ngọc Minh hiện chỉ lưu hành trái phiếu NGOCMINH2019, phát hành vào tháng 6/2019, trị giá 1.3 ngàn tỷ đồng. Ban đầu trái phiếu có kỳ hạn đến 31/12/2024, nhưng sau khi không thu xếp được nguồn để thanh toán đúng hạn, Ngọc Minh đã gia hạn đến 28/06/2024. Mới đây vào ngày 26/06/2024, người sở hữu trái phiếu là CTCP Chứng khoán VPS đã công bố Nghị quyết chấp thuận cho Ngọc Minh gia hạn thêm một năm, đến ngày 28/06/2025, tức kỳ hạn đã kéo dài đến 6 năm. Sau nhiều lần mua lại, hiện dư nợ trái phiếu này còn gần 381 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2023 của Ngọc Minh lỗ gần 115 tỷ đồng, năm trước đó cũng lỗ gần 82 tỷ đồng. Hệ quả là Công ty âm vốn chủ sở hữu hơn 51 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023.
* Bất động sản Minh Ngọc mua lại trước hạn hàng trăm tỷ đồng trái phiếu dù âm vốn chủ
CTCP Mua bán nợ Thuận Minh đang lưu hành duy nhất lô TMDCH2123001, khối lượng phát hành 4,959 tp, hiện còn lại 2,199 tp, tương ứng giá trị cần thanh toán gần 220 tỷ đồng trong tháng 6/2024.
Theo cập nhật từ HNX, Thuận Minh đã hủy toàn bộ trái phiếu này. Tuy nhiên, vừa qua vào ngày 26/06, Thuận Minh lại có công văn gửi đến người sở hữu trái phiếu là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) xin đề xuất trả nợ lãi trái phiếu quá hạn.
Cụ thể, Thuận Minh đề xuất trả toàn bộ tiền lãi của 2,199 tp phát sinh từ ngày 18/10/2023 – 19/04/2024 hơn 15 tỷ đồng; trả toàn bộ tiền lãi phạt do chậm trả phát sinh từ ngày 19/04 - 26/06/2024 hơn 323 triệu đồng; mua lại 10 tp với tổng mệnh giá 1 tỷ đồng. Tất cả đều được Thuận Minh cho biết thực hiện vào ngày 26/06/2024.
Thuận Minh từng gây chú ý khi dư nợ phải trả cuối năm 2023 lên đến hơn 5,834 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 100 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu gần 75 lần. Tình hình kinh doanh của Công ty liên tiếp thua lỗ hơn 15 tỷ đồng trong năm 2023, gần 7 tỷ đồng ở năm 2022.
Với tình hình kinh doanh không khả quan, không khó để nhận ra ra việc Thuận Minh có thể tất toán trái phiếu đúng hạn là không hề dễ dàng. Hồi tháng 3/2023, Công ty cũng từng không thể thanh toán đúng hạn gần 263 tỷ đồng tiền gốc và hơn 10 tỷ đồng tiền lãi.
Thuận Minh thành lập ngày 16/7/2018, do ông Trần Khắc Trường làm đại diện pháp luật; hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
Doanh nghiệp còn lại là CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản HTL Việt Nam, phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu HLNCH2124001 vào tháng 6/2021, đáo hạn ngày 29/06/2024. Trái phiếu đã được HTL nhiều lần mua lại và hiện đã ở trạng thái “hủy toàn bộ” theo dữ liệu trên HNX.
Số tiền huy động từ trái phiếu dùng để nộp tiền sử dụng đất trúng đấu giá và đầu tư, phát triển dự án khu nhà ở tại 2 lô đất phía đông đường Hùng Vương, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Cũng tại ngày phát hành trái phiếu trên, HTL Việt Nam đã thế chấp 2 lô đất tại ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).
Tình hình kinh doanh của HTL Việt Nam năm 2023 có lãi sau thuế hơn 45 tỷ đồng, gấp gần 16 lần năm 2022.
* HTL Việt Nam của em trai ông Vũ Văn Tiền giảm nợ, tăng lợi nhuận nửa đầu năm
Xuất hiện trong các đợt phát hành mới
Trái phiếu phát hành mới trong tháng 5 không có sự xuất hiện của các doanh nghiệp SPE, nhưng những tháng trước đó luôn chiếm tỷ trọng nhất định, cao nhất là 30% vào tháng 3/2024, đến từ 2 lô trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng.
Phát hành mới hàng tháng theo loại hình doanh nghiệp
Nguồn: VIS Rating
|
Cụ thể, ngày 12/3/2024, Hải Đăng phát hành 2 lô gồm 1,300 tỷ đồng trái phiếu HDRCB2425001, lãi suất 9.8%/năm, đáo hạn ngày 12/9/2025; 1,200 tỷ đồng trái phiếu HDRCB2425002, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn đến 12/3/2027.
Theo tìm hiểu, Hải Đăng thành lập ngày 30/8/2022, kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản, hoạt động quản lý nhà, chung cư và có trụ sở chính tại khu đô thị sinh thái Dream City, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Vốn điều lệ gần 5,260 tỷ đồng được giữ nguyên từ lúc thành lập cho đến nay, nhưng cơ cấu sở hữu lại nhiều lần thay đổi. Ban đầu, VHM (HM:VHM) nắm 99.9% và bà Nguyễn Thủy Hà 0.1%, vị trí Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật do bà Vũ Thái Ninh đảm nhiệm. Sau nhiều lần thay đổi, tháng 4/2023, VHM giảm sở hữu còn 0.5%, bà Phương nắm 1.5%, Công ty TNHH Đầu tư Dream City Villas Hưng Yên nắm 98%.
Trong lần công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp vào ngày 28/2/2024, ông Đinh Hào Hiệp được ủy quyền toàn bộ phần vốn của Dream City Villas Hưng Yên và bà Vũ Thái Ninh được ủy quyền toàn bộ phần vốn của VHM. Chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật do ông Nguyễn Xuân Phước đảm nhiệm.
Nhiều rủi ro
Tại buổi hội thảo Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm, ông Nguyễn Đình Duy - Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp Khối xếp hạng và nghiên cứu VIS Rating nhận định: “Các doanh nghiệp SPE gặp vấn đề về minh bạch thông tin kém hơn các doanh nghiệp khác, cũng như khả năng trả nợ cũng kém hơn”.
Theo dữ liệu ông Duy chia sẻ ở thời điểm đó, 20% giá trị TPDN lưu hành đến từ các doanh nghiệp SPE có tỷ lệ chậm trả lên đến 38%, trong khi 80% giá trị từ các doanh nghiệp còn lại chỉ có tỷ lệ chậm trả là 10%.
Trước đó, Tổng Giám đốc VIS Rating Trần Lê Minh cho biết, hình thức doanh nghiệp SPE đặc biệt phổ biến trong nhóm bất động sản, có điểm chung là không hoạt động thật để trả nợ khoản vay trái phiếu. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là 1/3 doanh nghiệp nhóm này không có trang tin điện tử, thể hiện sự thiếu minh bạch; trong khi đó, bên mua lại trái phiếu chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Tỷ trọng SPE/tổng số trái phiếu phát hành đang ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, chạm ngưỡng 35% vào cuối năm 2023. Bên cạnh đó, 54% SPE có vấn đề trong trả nợ.
Tỷ trọng SPE/tổng số trái phiếu phát hành đang ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây
* Quy mô TPDN phát hành bởi các tổ chức phi ngân hàng
Nguồn: HNX, VIS Rating
|
Ông Minh nêu ví dụ điển hình về SPE là CTCP Vinam Land, thành lập 25/5/2018, vốn điều lệ 3.6 tỷ đồng. Ngày 9/4/2023, Doanh nghiệp đổi tên thành CTCP Vinam Land, tăng vốn lên 490 tỷ đồng, tháng 5 cùng năm tiếp tục tăng vốn lên 520 tỷ đồng. Ngày 23/6/2023, VinamLand phát hành 1,500 tỷ đồng trái phiếu, cao gấp 3 lần vốn điều lệ. Lãi suất hỗn hợp, kỳ đầu 14%/năm, rất cao so với mặt bằng chung.
Cập nhật sau khi năm 2023 khép lại, Vinam Land từ lãi hơn 108 triệu đồng thành lỗ gần 119 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 0.007 lần lên 4.01 lần; riêng trái phiếu gấp 3.73 lần vốn chủ sở hữu.
Theo ông Minh, dù thị trường TPDN có thể kết thúc điều chỉnh, chuyển sang chu kỳ mới, nhưng rủi ro từ nhóm SPE cần đặc biệt lưu ý. Chu kỳ mới mà ông Minh nhắc đến sẽ bắt đầu từ năm 2024, khi một số quy định của Nghị định 65 tạm hoãn sẽ có hiệu lực trở lại.
* Nhiều doanh nghiệp lập ra chỉ để... huy động trái phiếu
Huy Khải