Vietstock - Cổ phiếu toàn cầu lao dốc là cơn bão hoàn hảo, ngay lúc tâm lý chứng trường Việt suy yếu
Giới giao dịch hoảng hồn vì bối cảnh thế giới, trong khi không nhìn thấy động lực tích cực đủ lớn từ nội địa. Sắc đỏ của cổ phiếu toàn cầu xảy ra đúng lúc tâm lý người tham gia thị trường Việt Nam chỉ chờ một đợt điều chỉnh.
Ngày 05/08 chắc chắn nằm trong danh sách những thứ Hai đen tối của thị trường chứng khoán toàn cầu. Tại châu Á, tâm điểm là cú rơi của thị trường chứng khoán Nhật Bản, với đại diện là chỉ số Nikkei 225 (-12.4%). Đêm 05/08 theo giờ Việt Nam, thị trường cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thế giới là Mỹ có chung số phận, khi S&P 500 giảm 3%, Dow Jones giảm 2.6% và NASDAQ giảm 3.4%.
Sắc đỏ ở hải ngoại tạo nên lý do hoàn hảo - đủ lớn và đủ bất định - để thị trường cổ phiếu Việt Nam đổ nhào, khi mà tâm lý e ngại vốn đã hiện diện kể từ nửa cuối tháng 6.
“Gần đây thị trường không tăng, và cũng khó lựa chọn được cổ phiếu. Tâm lý nhà đầu tư từ đó cũng chán nản, dè dặt giao dịch”, T.K, môi giới 6 năm kinh nghiệm tại một công ty chứng khoán lớn, mô tả quan sát của anh về trạng thái thị trường hai tuần gần nhất.
“Nhưng bởi sự dè dặt đó, nên tình trạng căng margin không xảy ra”, T.K cho biết.
Không hề bị ép bán vì những lệnh gọi ký quỹ, mức độ giảm điểm của VN-Index trong phiên 05/08 càng làm cho giới quan sát ngạc nhiên về cách mà những nhà giao dịch nội địa - vốn chiếm đa phần là cá nhân - tháo chạy khi bị đánh động bởi một cơn địa chấn bất ngờ. Dù rằng, tâm lý âu lo đã được quan sát thấy trong suốt mấy tuần gần đây.
Giá trị giao dịch bình quân hàng ngày tại HOSE trong tháng 7
là thấp nhất kể từ đầu năm 2024
Tỷ đồng
Thanh khoản bình quân hàng ngày trong tháng 8 tăng lên khi xảy ra 2 phiên VN-Index sụt mạnh là 01/08 và 05/08. Nguồn: VietstockFinance
|
VN-Index trong phiên 05/08 giảm 48.53 điểm (-3.92%) thì đã sụt về vùng đáy của tháng 4 năm nay, thời điểm mà thị trường còn quay cuồng với nỗi lo tỷ giá và nguy cơ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lãi suất điều hành.
Áp lực tỷ giá - từ đó dẫn đến khả năng NHNN thắt chặt trở lại một phần chính sách tiền tệ - là tác nhân chính gây nên hai đợt biến động đáng kể của thị trường trong quý 4/2023 và quý 2/2024.
Bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế Mỹ tăng nguy cơ suy thoái, đi kèm với lập trường thay đổi của Fed đã tạo điều kiện cho sự giải tỏa của áp lực tỷ giá USD/VNĐ. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt lại không thở phào.
Rủi ro trong tâm trí nhà đầu tư luân chuyển từ chuyện này sang chuyện khác, từ tỷ giá đến lượng nợ margin kỷ lục tại công ty chứng khoán, đến chuyện khối ngoại bán ròng, nợ xấu ngân hàng, cho đến những vấn đề quốc tế mà họ nhiều khả năng còn chưa thông hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, duy nhất một thực tế mấu chốt là giá trị tài sản ròng (NAV) trong danh mục của người tham gia thị trường cứ tụt dần những ngày qua.
Chẳng điều gì tác động mạnh vào tâm lý hơn các mức giá biến động. Trước cả phiên 05/08, không ít người tham gia thị trường thậm chí lo sợ một đợt sụt giảm mà họ cũng khó để đặt tên.
Giữa lúc màn sương bất định phủ lên vĩ mô quốc tế, thêm khía cạnh quan trọng là thị trường thiếu vắng lý do đáng kể về mặt cơ bản (fundamental) để đảo ngược kỳ vọng của nhà đầu tư trong nước.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự tiến triển của đà hồi phục, thông qua các thông tin mới nhất về lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, du lịch hay sự chuyển động của tín dụng ngân hàng vào cuối tháng 6. Nhưng chừng đó có lẽ chưa đủ với thị trường chứng khoán, thể hiện qua xu hướng ảm đạm của cổ phiếu từ giữa tháng 6.
Một mùa báo cáo kết quả kinh doanh chưa có gì đặc sắc cũng là khía cạnh cần xem xét. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự phục hồi ở kết quả kinh doanh tương ứng với kỳ vọng, nhưng điều đó mang ý nghĩa khác so với việc tăng trưởng.
Chỉ số VN-Index đã bước sâu vào ngưỡng thị trường giá lên (bull-market), khi tăng gần 27.5% từ đầu năm 2023 đến ngày 10/07/2024, cho nên câu chuyện về sự phục hồi kinh doanh chỉ còn tác động hạn chế đến dịch chuyển của thị trường chứng khoán.
Thị trường e sợ những rủi ro từ bên ngoài trong khi không tìm thấy động lực từ bên trong, hoặc những động lực đã cũ. Dường như, nhà đầu tư trong nước đang không biết đặt chỗ dựa vào đâu trong một giai đoạn thường được khắc họa là “chuyển giao kỳ vọng”.
Nhưng đối với chứng khoán, sự rõ ràng luôn chỉ có được khi mọi việc đã xảy ra. Cơ hội thường ẩn giấu giữa bất định. Chí ít, so với các động lực mù mờ mà thị trường đang tìm kiếm, điểm uốn mạnh mẽ và đáng mong đợi hơn cả có lẽ là một mức giá cổ phiếu thấp hơn.
Phiên giao dịch sáng 06/08, chứng khoán Việt có phần giải tỏa nhưng sự ngập ngừng vẫn hiện diện. VN-Index đi lên hơn 10 điểm, khi mà tâm chấn của phiên lao dốc hôm qua là chỉ số Nikkei đã tăng mạnh trở lại.
“Sáng nay đến công ty, anh em tại cơ quan tôi đều nhẹ lòng khi thấy chứng khoán Nhật hồi mạnh”, anh V.T, nhân viên văn phòng đã tham gia giao dịch cổ phiếu được hai năm, chia sẻ.
“Việt Nam hồi không chưa biết, nhưng ít nhất, chúng tôi cũng đỡ hoảng”, anh nói thêm.
Kết phiên chiều 06/08, VN-Index đã nới rộng đà tăng thành 22.2 điểm.
Thừa Vân