Vietstock - Tín hiệu suy thoái lại xuất hiện, lợi suất 30 năm xuống dưới 2%
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài lại suy giảm trong ngày thứ Ba (27/08), từ đó dẫn tới hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm – vốn nhạy cảm hơn với chính sách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – giảm xuống 1.526%, cao hơn 5 điểm cơ bản so với lợi suất kỳ hạn 10 năm (1.476%), sau khi bị đảo ngược trong ngày thứ Hai (26/08).
Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 3 tháng và 10 năm – chỉ báo ưa thích của Fed – giảm xuống -52 điểm cơ bản, thấp nhất kể từ tháng 3/2007.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm mang lại lợi suất 1.955% và sắp rơi xuống dưới lợi suất kỳ hạn 3 tháng lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Việc lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm rơi xuống dưới kỳ hạn 2 năm được xem là một chỉ báo sớm và quan trọng về suy thoái. Hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược xảy ra khi trái chủ nhận được lợi suất cao hơn khi bỏ tiền vào trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn. Chỉ số Dow Jones xóa sạch đà tăng 155 điểm trong ngày thứ Ba (27/08) khi lợi suất trái phiếu suy giảm.
Trên thực tế, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã vượt mặt kỳ hạn 10 năm ở mỗi lần suy thoái trong 50 năm vừa qua và trong 5 lần gần nhất xảy ra hiện tượng này, nền kinh tế đều đi đến suy thoái. Tuy nhiên, việc định thời điểm xảy ra suy thoái có phần khó nhằn: Ngay cả khi hiện tượng đường cong lợi suất dự báo đúng suy thoái, thì tính trung bình, suy thoái sẽ xảy ra vào 22 tháng sau khi đường cong lợi suất bị đảo ngược, dựa trên dữ liệu từ Credit Suisse (SIX:CSGN).
Hiện tượng đảo ngược ngày càng trầm trọng hơn “chắc chắn đang báo hiệu khả năng xảy ra suy thoái trong vòng 1 năm hoặc 1 năm rưỡi nữa là khá cao”, Kevin Giddis, Trưởng bộ phận thị trường trái phiếu tại Raymond James, cho hay.
Những nhà đầu tư đang tỏ ra bối rối khi đề cập về những định hướng của Fed và khả năng Mỹ-Trung tiến tới thỏa thuận, ông nói thêm.
Kỳ vọng lạm phát ảm đạm và việc Fed không thể đẩy lạm phát tăng trưởng cao hơn đã tạo ra lý do để nhà đầu tư mua trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 30 năm. Nhà đầu tư thường bán trái phiếu Chính phủ Mỹ khi lạm phát ở mức cao vì nó làm xói mòn sức mua của các khoản chi trả cố định của trái phiếu.
Fed cố gắng giữ lạm phát quanh mức mục tiêu 2% - nhịp độ mà họ cảm thấy lành mạnh và bền vững cho nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, bất chấp lãi suất ở mức thấp lịch sử, lạm phát vẫn chẳng thể tăng như họ muốn.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát yêu thích của Fed – tăng nhẹ 0.1% trong tháng 6/2019 khi giá thực phẩm và năng lượng suy giảm. Trong giai đoạn 12 tháng kết thúc vào tháng 6/2019, chỉ số PCE tăng 1.4%.
Mặc dù khó mà giải thích về diễn biến trên thị trường trong ngày thứ Ba (27/08), nhưng một số chuyên gia đổ lỗi cho những nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở hội nghị thượng đỉnh G7. Ông Trump cho biết Trung Quốc đã gọi và tỏ ra rất muốn tiến tới thỏa thuận với Mỹ, nhưng phía Trung Quốc không xác nhận về cuộc gọi này.
Dữ liệu từ Credit Suisse cho thấy:
- Năm lần gần nhất xảy ra sự đảo ngược giữa lợi suất kỳ hạn 2 và 10 năm đều dẫn tới suy thoái.
- Tính trung bình, sau khi xuất hiện sự đảo ngược trên, thường phải đến 22 tháng sau thì suy thoái mới diễn ra.
- S&P 500 thường tăng trung bình 12%/năm sau khi xảy ra hiện tượng đảo ngược.
- Sau khi xảy ra hiện tượng đảo ngược khoảng 18 tháng, chứng khoán Mỹ thường đảo chiều và ghi nhận tỷ suất sinh lợi âm.
Vũ Hạo (Theo CNBC)