Vietstock - Loạt doanh nghiệp niêm yết rót hàng ngàn tỷ đồng vào điện mặt trời
Hiệu quả kinh tế của việc sử dụng năng lượng mặt trời có lẽ không cần bàn tới nữa. Chính vì thế, đồng loạt các doanh nghiệp liên quan đến ngành điện đang tìm đường khai phá vùng đất màu mỡ này, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang có chính sách ưu đãi giá mua bán điện mặt trời áp dụng sau tháng 6/2019.
Theo đó, dự kiến giá mua bán điện mặt trời sẽ được tính theo các vùng bức xạ và các loại hình khác nhau của từng dự án như điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ, điện mặt trời mái nhà. Trong đó, giá mua điện mặt trời cao nhất là 2,486 đồng/kWh (tương đương 10.87 US cent/kWh) và thấp nhất ở mức giá 1,525 đồng/kWh (tương đương 6.67 US cent/kWh).
Bảng giá mua điện mặt trời dự kiến
|
Theo Tập đoàn điện lực VN (EVN), đến cuối năm 2018, có 365 dự án điện mặt trời tập trung với công suất 29,000 MW được đăng ký đầu tư. Trong đó, 141 dự án được bổ sung vào quy hoạch và đã có 95 dự án với công suất 6,100 MW được EVN ký hợp đồng mua bán điện. EVN dự kiến chỉ 50% công suất này được đưa lên lưới vì để đầu tư lưới truyền tải cần từ 3 - 5 năm, trong khi để làm điện mặt trời thì mất khoảng 1 năm.
Riêng trên sàn chứng khoán cũng đã có loạt doanh nghiệp đổ hàng ngàn tỷ đồng đầu tư các dự án điện mặt trời.
Đầu tháng 4 vừa qua, HĐQT CTCP Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM) quyết định chi 25.5 tỷ đồng để mua 85% vốn CTCP Điện mặt trời EuroPlast Long An. CTCP Điện mặt trời EuroPlast Long An vừa được thành lập vào tháng 3/2018, tròn một năm sau thì có dự án đầu tiên là nhà máy điện mặt trời EuroPlast Long do CTCP Nhựa Châu Âu làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1,157 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 50MW, xây dựng trên diện tích 58.6ha. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và phát điện trước tháng 6/2019, kết nối trực tiếp với hệ thống điện quốc gia.
Dự án nhà máy điện mặt trời EuroPlast là dự án thứ hai được khởi công trên địa bàn tỉnh Long An. Trước đó vào tháng 9/2018, công ty con của Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) là BCG Energy đã khởi công dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời BCG Băng Dương tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Nhà máy có công suất 40.6 MW, với tổng mức đầu tư 1,100 tỷ đồng. Dự kiến tháng 5 tới, dự án này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động, hiện đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Cùng hệ thống điện mặt trời mặt đất này, BCG cũng đang giải phóng mặt bằng cho dự án GAIA 100.5 MW và chờ phê duyệt dự án Hoa Hướng Dương 50 MW cùng tại Thạnh Hóa.
Chưa dừng lại ở đó, BCG Energy cùng đối tác còn tham gia vào phân khúc năng lượng mặt trời áp mái khi đầu năm 2019 khánh thành hệ thống năng lượng mặt trời áp mái Dinsen. Đây là dự án đầu tiên do Skylight (liên doanh giữa BCG Energy và Indefol) thực hiện trong tổng số 6.4 MW dự tính sẽ hoàn thành trên mái nhà các nhà máy Dinsen tại Việt Nam và Campuchia từ nay đến tháng 10/2019. Rồi dự án năng lượng mặt trời trên hồ tại khu vực miền Trung với tổng công suất 450MW, hai dự án điện gió tại Long An và Sóc Trăng.
Thậm chí, “ông lớn” Tổng Công ty Phát điện 3 (GENCO 3, UPCoM: PGV) cũng đầu tư 3 dự án điện mặt trời gồm Vĩnh Tân 2 với công suất 42.65 MW có tổng mức đầu tư gần 1,000 tỷ đồng; Ninh Phước 7 công suất tới 200 MW và điện mặt trời lòng hồ Buôn Kuôp và Srêposk 3 công suất 100 MW. Các dự án này được PGV thực hiện trong giai đoạn 2019-2021.
CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2, HNX: TV2) cũng triển khai dự án nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1, Ninh Phước 6.1 và Ninh Phước 6.2. Trong đó, dự án điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1 tại Bình Thuận, công suất 50MW, có tổng mức đầu tư khoảng 1,300 tỷ đồng, dự kiến phát điện trong tháng 6/2019. Còn nhà máy điện mặt trời Ninh Phước 6.1 công suất 8.3MWp và Ninh Phước 6.2 công suất 50MWp, được xây dựng trên diện tích 83.3 ha, dự kiến được đưa vào vận hành trong quý 2/2019.
Hay xa hơn, CTCP Licogi 16 (HOSE: LCG) quyết định đầu tư nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải 35 MW tại Ninh Thuận. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 854 tỷ đồng, được xây dựng trên khu đất 42 ha. Công ty dự kiến hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan trong khoảng tháng 3-7/2019, hoàn thành dự án vào tháng 7/2020 và nghiệm thu, đóng điện vào tháng 1/2021.
Bên cạnh đó, CTCP Thủy điện Miền Trung (HOSE: CHP) quyết định thành lập nhà máy điện mặt trời Cư Jút 50 MW đặt tại tỉnh Đăk Nông. Với tổng mức đầu tư 1,367 tỷ đồng, dự án được triển khai từ tháng 6/2017 và dự kiến sẽ hoàn thành và phát điện thương mại vào tháng 6/2019.
CTCP Điện Gia Lai (UPCoM: GEG) cũng vừa phê duyệt vay vốn ngân hàng để đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 có công suất lắp đặt đến 49 MW trên diện tích đất khoảng 58 ha. Tổng mức đầu tư cho dự án này là 947 tỷ đồng. Sang quý 2/2019, dự án sẽ được vận hành xây dựng.
CTCP FECON (HOSE: FCN) đã thông qua phương án tăng vốn góp vào CTCP Năng lượng Vĩnh Hảo 6 (Vĩnh Hảo 6). Vĩnh Hảo 6 đang thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6, là dự án của FCN hợp tác với Công ty Acwa Power. Dự án Vĩnh Hảo 6 được xây dựng trên diện tích 60 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 1,361 tỷ đồng, công suất thiết kế 50 MW.
Những thống kê sơ bộ trên cho thấy công cuộc “đánh chiếm” vào năng lượng sạch đang được các doanh nghiệp rốt ráo chạy đua hơn bao giờ hết. Tất nhiên, hiệu quả các dự án mang lại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khu vực khác nhau sẽ cho công suất và hiệu quả đầu tư khác nhau; rồi thì cách doanh nghiệp kiểm soát tốt nguồn chi phí đầu tư, phương án sau vận hành... vẫn còn là một chặng đường dài. Nhưng hơn hết, đây vẫn là khu vực màu mỡ cho các doanh nghiệp khi tham gia vào ngành được cho là “thời thượng” này.
Minh An