Vietstock - Cứ "xin - cho" thì kinh tế tư nhân khó phát triển
Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề bức bách và động lực quan trọng để bứt phá.
Đó là khẳng định của các diễn giả tại hội thảo "Bứt phá từ những động lực tăng trưởng" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 12-3 ở TP HCM.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm cuộc khảo sát nhanh các doanh nghiệp (DN) tại hội thảo và thu lại kết quả 54% DN cho rằng khó khăn nhất là thủ tục hành chính rườm rà; 26% khó tiếp cận vốn; 57% đánh giá "không có thay đổi gì" trong cải cách thủ tục hành chính năm 2018; 51% cần xây dựng thể chế phù hợp; 26% cần tăng cường kỷ luật thực thi. Mặc dù vậy, có đến 68% DN cho biết sẽ mở rộng đầu tư kinh doanh trong thời gian tới, 27% DN giữ nguyên và số thu hẹp chỉ chiếm số ít.
Kết quả khảo sát này được các chuyên gia đánh giá là đã phác họa rõ nét yêu cầu của DN và là thông điệp về yêu cầu thay đổi thể chế để kinh tế tư nhân phát triển.
Doanh nghiệp tư nhân cần môi trường kinh doanh rõ ràng để phát triển. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công ĐH Fulbright, nhà nước chỉ nên tập trung ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo sân chơi bình đẳng thay vì có sự tham gia một cách chủ động như thời gian qua. Nhà nước phải phân định rạch ròi những vấn đề cần vai trò của mình, tránh việc làm thay thị trường và cần thiết tạo môi trường cho cộng đồng DN phát triển song song với nhà nước nhằm kiềm chế sự cấu kết giữa doanh nhân và một số quan chức tạo ra các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm.
Chỉ ra rằng thông điệp điều hành của Chính phủ năm 2019 có thêm 2 từ "bứt phá", TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nói nhược điểm lớn của chúng ta là cải cách không đồng bộ. Theo ông Lịch, vấn đề tổ chức bộ máy hành chính, con người, hành chính công sao cho thống nhất chứ không thể sửa đầu này vênh đầu kia. Văn bản, thông tư chưa dùng đã sửa vì xuất phát từ tư duy nền kinh tế tài khóa trước đây chứ không tư duy theo kinh tế thị trường. "Cái gốc vấn đề nằm ở vai trò của nhà nước, còn lại của DN và cải cách hành chính. Kinh tế tư nhân cần môi trường rõ ràng, cải cách thể chế đồng bộ chứ không có kiểu xin - cho như ở giai đoạn trước" - ông Lịch nhấn mạnh.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Thủ tướng Chính phủ đã giao VCCI rà soát lại các quy trình thủ tục nhằm đồng bộ hóa, tránh chồng chéo các quy định do vẫn còn tình trạng luật đúng chỗ này nhưng áp dụng chỗ khác thì sai, cơ quan này hiểu cách này, cơ quan khác hiểu cách khác. Riêng về điều kiện kinh doanh, ông Lộc cho rằng cần tránh việc cắt ở chỗ này lại mọc chỗ khác, bộ - ngành khác, càng cắt giảm càng phức tạp.
Sơn Nhung