Vietstock - 11 tháng, FDI ước đạt 16.5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 11 tháng năm nay ước tính đạt 16.5 tỷ USD, tăng 3.1% so với cùng kỳ năm 2017.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước tính đạt 36.7 nghìn tỷ đồng, tăng 15.4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn trung ương 6.7 nghìn tỷ đồng, giảm 0.3%; vốn địa phương 30 nghìn tỷ đồng, tăng 19.6%. Tính chung 11 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 284.7 nghìn tỷ đồng, bằng 82,1% kế hoạch năm và tăng 12.8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 bằng 82% và tăng 7.5%).
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/11/2018 thu hút 2,714 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,788.4 triệu USD, tăng 18.4% về số dự án và giảm 20.3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 1,059 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 7,403.3 triệu USD, giảm 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 11 tháng đạt 23,191.7 triệu USD, giảm 16.6% so với cùng kỳ năm 2017.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng năm nay ước tính đạt 16.5 tỷ USD, tăng 3.1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 11 tháng năm 2018 còn có 5,882 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7.64 tỷ USD, tăng 44.4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 995 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 2.96 tỷ USD và 4,887 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4.68 tỷ USD.
Trong 11 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 7,433.9 triệu USD, chiếm 47.1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,206.9 triệu USD, chiếm 33%; các ngành còn lại đạt 3,147.6 triệu USD, chiếm 19.9%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 2.328 triệu USD, chiếm 30,5% tổng giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,865.1 triệu USD, chiếm 24.4%; các ngành còn lại đạt 3,451.3 triệu USD, chiếm 45.1%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm nay có 125 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 303.6 triệu USD; 30 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 54 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 11 tháng năm 2018 đạt 357.6 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105.8 triệu USD, chiếm 29.6% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 68.4 triệu USD, chiếm 19.1%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 50.9 triệu USD, chiếm 14.2%.
Hàn Đông