Theo Nikhil Nainan
Investing.com – Kì vọng tăng giá đối với hầu hết các đồng tiền châu Á đang tăng lên, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, khi các nhà đầu tư ngày càng lạc quan về sự phục hồi kinh tế của khu vực với kì vọng rằng đồng Đô la Mỹ sẽ suy yếu và Trung Quốc chuẩn bị phục hồi.
Ví dụ, vị thế mua vào đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2018, một cuộc thăm dò hai tuần một lần với 15 người được hỏi cho thấy.
Với lượng thanh khoản chưa từng có được Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương khác bơm vào các thị trường, các khoản đầu tư mà lẽ ra sẽ bị coi là rủi ro vào thời điểm kinh tế bị tàn phá bởi đại dịch đã trở nên hấp dẫn.
Đồng Đô la, thường được coi là nơi trú ẩn an toàn, được thiết lập để giảm trong tháng thứ tư liên tiếp, giao dịch ở mức thấp nhất trong hơn hai năm.
Các chiến lược gia của BCA Research đã viết trong một ghi chú vào cuối tuần trước: “Đồng Đô la Mỹ có thể sẽ suy yếu trong 12 tháng tới khi tăng trưởng toàn cầu tăng tốc và sự thu hẹp chênh lệch lãi suất thực tế tiếp tục cản trở đồng bạc xanh”.
Mặc dù còn mong manh, dữ liệu kinh tế gần đây từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã chỉ ra một sự khởi đầu của phục hồi. Vị thế mua vào đồng Won của Hàn Quốc và đồng Ringgit của Malaysia đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm.
Bất chấp nhiều nền kinh tế châu Á phải chịu mức suy giảm hai con số trong quý vừa qua do các biện pháp phong tỏa, nhiều nhà đầu tư cho rằng điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua.
Wei Liang Chang, chiến lược gia vĩ mô tại DBS cho biết: “Sự phục hồi hiện đang được nhìn nhận là điều gì đó bền vững hơn, điều này đang thúc đẩy dòng vốn đổ vào châu Á và hỗ trợ các đồng tiền châu Á so với đồng Đô la”.
Vị thế mua vào đối với đồng Peso của Philippines, đồng tiền hiệu quả hàng đầu của khu vực từ đầu năm đến nay, cũng được nâng mạnh lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2013.
Một đồng tiền mà các nhà đầu tư vẫn tiếp tục kì vọng sẽ giảm giá là đồng Rupiah của Indonesia, với kỳ vọng rằng nước này sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong năm nay.
Mặc dù lãi suất được giữ nguyên vào thứ Tư, các nhà phân tích vẫn đang dự bóa việc cắt giảm thêm trong năm nay, bên cạnh các biện pháp tài chính và tiền tệ khác.
Chang của DBS cho biết: "Các thị trường lo ngại về việc chia sẻ gánh nặng tài chính với BI (Bank Indonesia), khả năng lạm phát tăng, cũng như sức hấp dẫn về lợi suất của đồng rupiah".
Cuộc thăm dò vị thế tiền tệ châu Á của Reuters được thực hiện với chín loại tiền tệ của thị trường mới nổi châu Á: đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY/USD), đồng Won của Hàn Quốc (KRW/USD), Đô la Singapore (SGD/USD), Rupiah Indonesia (IDR/USD), Đô la Đài Loan (TWD/USD), Rupee Ấn Độ (INR/USD), Peso Philippines (PHP/USD), Ringgit của Malaysia (MAR/USD) và đồng Baht của Thái Lan (THB/USD).